Theo tiết lộ, tại thị trường Singapore, Ohana hiện không có đổi thủ cạnh tranh vì họ nhắm tới phân khúc đang bị bỏ trống-những người trẻ muốn thuê nhà với chi phí thấp.

“Nhìn em là anh thích đầu tư rồi, nhưng nhìn mô hình kinh doanh thì anh lại không muốn đầu tư. Mô hình kinh doanh này anh khẳng định luôn là thất bại, nhưng anh vẫn muốn đầu tư vào em”, Shark Phú đã từng nói như vậy với Cathy Thảo Trần, nữ sáng lập Ohana khi startup này xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 2, tập 13.

Tuy nhiên, trái với những gì vị cá mập đến từ Sunhouse dự đoán, Ohana vẫn đang có những bước tiến vững chắc và mới đây đã vươn ra thị trường khu vực, cụ thể là Singapore. Theo KrAsia, trong tháng này, Ohana đã bắt đầu triển khai dịch vụ tại đảo quốc sư tử, nơi người trẻ đang phải chật vật chiến đấu với mức giá nhà trọ ngày càng leo thang.

“Ban đầu chúng tôi chỉ có ý định phục vụ nhu cầu của người Việt Nam tại Singapore. Nhưng sau đó chúng tôi nhận thấy rằng người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cũng đang đến Singapore để tìm kiếm cơ hội vì đây là trung tâm kinh tế của toàn khu vực”, CEO Ohana nhấn mạnh.

Thành lập năm 2017, Ohana là startup kết nối chủ nhà trọ với những người trẻ có nhu cầu thuê nhà. Trong đó, người đi thuê đa số là các bạn sinh viên, những người mới ra trường, có khả năng chi trả từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng. Ứng dụng thu phí từ chủ nhà trọ và lấy từ 30% của tháng cọc đầu tiên.

Năm 2018, startup này lên gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam. Ở thời điểm đó mô hình đã có 40 nghìn users (người dùng). Tốc độ tăng trưởng lượt users hằng tháng là 40%.

Nhưng như Shark Phú và Shark Hưng đánh giá, mô hình của Ohana tiềm ẩn rủi ro cao bởi tính khôn lỏi của người Việt, khi khách thuê và chủ trọ dễ bắt tay nhau “bẻ cò” để không phải trả phần hoa hồng cho nền tảng này. Cuối cùng, Ohana về tay liên minh Shark Dũng và Shark Hồng Anh, những người tuyên bố sẽ rót 3,5 tỷ đồng vào startup vì tin tưởng mô hình rất có nhu cầu, giải quyết vấn đề lớn cho sinh viên.

Một năm kể từ ngày lên sóng Shark Tank, Cathy Thảo Trần tiết lộ với KrAsia rằng họ đã có tới 300.000 người dùng tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, số lượng người dùng đang tăng lên 25% mỗi tháng.

Đối với thị trường Singapore, Ohana tự tin không có đối thủ cạnh tranh bởi phân khúc mà startup nhắm tới là những người trẻ muốn tìm phòng trọ với ngân sách thấp, khoảng 500 – 1.500 đô Sing (368 – 1.104 USD). Trong khi đó tại Singapore, các nền tảng phổ biến hiện nay như 99.co và PropertyGuru lại chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp.

“Sức ép phải tiết kiệm tiền bạc, dù người trẻ đến từ đất nước nào, cũng buộc họ tìm đến các giải pháp chia sẻ phòng ở với người khác hoặc lựa chọn các không gian sống chung co-living space”, Thảo Trần giải thích.

Hiện tại, Ohana vẫn đang làm việc với các kí túc xá tư nhân và các đơn vị cung cấp dịch vụ co-living space tại Singapore để mở rộng mạng lưới.

“Mục tiêu của Ohana là trở thành một ứng dụng bất động sản thân thiện với các bạn trẻ tại Việt Nam, Singapore và một vài quốc gia khác. Từ đó, những người thuốc thế hệ của tôi sẽ không phải vật lộn để tìm kiếm nơi ở nữa”, CEO Ohana kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ