Startup ‘trà đá’ bàn chuyện đưa Blockchain Việt ra thế giới
Từ ý tưởng bên ly trà đá, Trương Hồng Thi và cộng sự sáng tạo nên nền tảng Icetea, xây dựng các ứng dụng thân thiện với người dùng từ blockchain.
Blockchain không còn xa lạ, nhất là sau những đợt bão giá chóng mặt vào năm 2019 trở về trước khiến thuật ngữ này luôn nằm trong top những tin tức nóng nhất. Tuy vậy, khi cơn sốt qua đi, nhiều người lúng túng vì không biết ngoài định vị “đồng tiền ảo”, blockchain còn có công dụng gì.
Chứng kiến sự xuất hiện blockchain tại Việt Nam đi cùng với trào lưu chơi tiền thuật toán, Trương Hồng Thi, cựu thành viên của Kyber Network nhận định blockchain vẫn còn “xa cách” với người dùng một phần do lợi ích mà công nghệ này mang đến vẫn còn quá mờ ảo.
“Ai cũng nói về blockchain, nhưng ngoài giá trị đồng tiền ảo trong giới crypto, công nghệ này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Người không hiểu về blockchain thì không bao giờ dùng tới”, Trương Hồng Thi nhận định.
11 năm làm việc tại FPT Software, 9 tháng đảm nhiệm vị trí quản lý Kyber Network là quãng thời gian dài để Trương Hồng Thi chứng kiến sự phát triển của công nghệ thông tin tại Việt Nam. Theo anh, blockchain hiện giờ còn sơ khai như hệ điều hành thời MS DOS. Tháng 11/2018, anh quyết định rời Kyber Network, tìm tòi hướng đi mới, đưa blockchain trở thành ứng dụng đại chúng, áp dụng cho các hoạt động thường ngày.
Những ý tưởng ban đầu về startup được hình thành bên ly trà đá cùng cộng sự. Đó là lý do Trương Hồng Thi chọn cái tên Icetea Platform – một nền tảng cho phép phát triển các ứng dụng phi tập trung thân thiện với người dùng đại chúng.
Phân tích về thị trường, Thi nhận định, blockchain hiện nay chủ yếu được sử dụng trong nhóm nhỏ những người ủng hộ và thử nghiệm. Bởi từ góc độ người dùng, lợi ích của blockchain còn rất mơ hồ trong khi các phiền phức lại cụ thể. Để thực hiện các giao dịch blockchain, người dùng sẽ phải lên sàn, mở ví, mua coin, tự ghi nhớ chìa khoá, tự xác nhận từng giao dịch. “Có lẽ chẳng mấy người chấp nhận thực hiện từng đó công đoạn phức tạp chỉ để dùng thử một ứng dụng giản đơn”, CEO của Icetea nói.
Thi cũng cho biết: “Vấn đề của các bên phát triển công nghệ blockchain hiện nay là dường như họ không tập trung giải quyết những bài toán thật. Những câu hỏi về số giao dịch được xử lý mỗi giây, thuật toán đồng thuận là gì, sẽ vô nghĩa nếu nền tảng đó không có người dùng”.
Xuất phát từ nhận định này, kể từ khi thành lập vào tháng 11/2018, đội ngũ phát triển Icetea đã tập trung mạnh mẽ vào cải thiện trải nghiệm người dùng trên các ứng dụng phi tập trung (Dapp). “Ứng dụng blockchain chỉ có thể được chấp nhận rộng rãi nếu nó tiện lợi. Vì thế, mục tiêu của Icetea là tạo ra các ứng dụng ‘bình thường’ đến mức người dùng không nhận ra nó sử dụng blockchain”, Hồng Thi nhận định.
Icetea Platform cung cấp nhiều tính năng để các ứng dụng đảm bảo hai yếu tố an toàn và tiện lợi. Chẳng hạn, Icetea chia tài khoản ra làm hai loại: dùng trong giao dịch thông thường và dùng cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tài khoản ngân hàng ưu tiên sự an toàn, còn tài khoản thông thường ưu tiên sự tiện dụng. Ngoài ra, Icetea Platform hỗ trợ cơ chế access token, giới hạn thời gian và giá trị giao dịch để giảm thiểu rủi ro và sự phiền phức cho người dùng.
Theo Trương Hồng Thi, mô hình hoạt động của Icetea Platform tương tự như Amazon Web Services (AWS), chỉ khác là dùng công nghệ blockchain thay cho điện toán đám mây. Các đơn vị phát triển phần mềm sẽ trả phí để triển khai ứng dụng lên nền tảng này.
Để phát triển người dùng và đối tác, Icetea thực hiện hàng trăm cuộc làm việc với các startup hoặc các nhà phát triển ứng dụng độc lập đang trong giai đoạn khởi đầu, thuyết phục xây dựng các ứng dụng phi tập trung trên Icetea. Đến nay, nền tảng này đã thu hút sự quan tâm từ một số công ty khởi nghiệp về ví điện tử, hồ sơ y tế, thương mại điện tử… Sắp tới, Icetea kết hợp cùng đối tác Nhật Bản ra mắt ứng dụng quản lý thẻ hội viên golf.
Ngoài cải thiện trải nghiệm người dùng, Icetea cũng hướng đến sự tiện lợi cho nhà phát triển. “Viết ứng dụng trên nền tảng blockchain hiện tại chẳng hạn như Ethereum rất khó, người viết phải học ngôn ngữ lập trình mới là Solidity. Khi code, điều quan trọng nhất là debug (gỡ lỗi) và kiểm tra xem có lỗi hay không. Nhưng các nền tảng blockchain hiện nay khó debug.Với nền tảng Icetea, người phát triển có thể code bằng những ngôn ngữ lập trình thông dụng, debug dễ dàng”, Hồng Thi nói.
Bên cạnh mời các đơn vị phát triển xây dựng ứng dụng trên nền tảng Blockchain, Icetea cũng sẽ tự xây dựng các ứng dụng thanh toán và ví điện tử để chứng minh tính ưu việc của các dịch vụ fintech khi chạy trên nền tảng blockchain.
CEO Icetea cho biết, giới blockchain đang rất cần một sản phẩm ứng dụng thực tế để chứng minh công nghệ này thực sự đáng giá. Đó phải là một ứng dụng cho người dùng thông thường, có thể triển khai và mở rộng.
Trong năm 2020, Icetea sẽ chính thức ra mắt sản phẩm, kết nối đến cộng đồng, đây là các hoạt động đòi hỏi nguồn vốn lớn. Vì thế, công ty đang tiếp xúc với một số quỹ đầu tư khởi nghiệp để gọi vốn mở rộng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
“Icetea chọn lối đi riêng vất vả hơn, thay vì tham gia vào làn sóng tiền thuật toán, chúng tôi chọn đứng ra một bên tập trung vào làm sản phẩm với tham vọng sẽ đưa blockchain Việt Nam lên bản đồ thế giới, mang những lợi ích của blockchain đến với những người dùng thông thường”, anh Thi khẳng định.
Phạm An