Startup tiên phong cho phong cách sống du mục kỹ thuật số gặp khó khăn vì Covid-19 và bị tố bỏ rơi khách hàng
David Kinoranyi chưa bao giờ đến châu Á trước khi máy bay của anh hạ cánh ở Việt Nam vào đầu tháng Ba. Anh vội vã lên đường khi nhìn thấy hàng cọ xanh mát và một tài xế ở sân bay cầm một tấm biển có tên anh trên đó. Kinoranyi, 28 tuổi, đang bắt đầu chương trình bốn tháng của mình với Remote Year (một năm xa nhà), một startup hứa hẹn sẽ giúp mọi người nhìn ra thế giới bên ngoài trong khi vẫn làm công việc hàng ngày. Remote Year Inc. tính phí thuê chỗ ở, không gian văn phòng và một số bữa ăn cho người tham gia. Tất cả mọi thứ mà một người xa nhà cần cho một cuộc sống ở nước ngoài.
Kinoranyi, một nhà thiết kế Hà Lan, đã có một kỳ nghỉ tuyệt vời tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam trong tuần đầu tiên. Anh làm việc trên máy tính xách tay, khám phá thành phố và ăn bún chả với những người bạn khác trong chương trình. Anh ấy không lo lắng quá nhiều khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố coronavirus là đại dịch vào ngày 11 tháng 3. Remote Year dường như đã đã kiểm soát được tình hình, Kinoranyi nói. Ngày hôm đó, startup viết email cho khách hàng nói rằng họ sẽ tìm phương án an toàn nhất cho người tham gia, nếu virus đe dọa hoặc gây cản trở chuyến đi của họ: “Nếu cần phải đưa bạn quay về thì đó là những gì chúng tôi sẽ làm”.
Năm ngày sau, Kinoranyi cảm thấy hoang mang khi anh nhận được một email khác với nội dung “Khách hàng có thể rời đi ngay lập tức nếu muốn và tham gia lại sau”. Sau đó, vào ngày 20 tháng 3, anh nhận được thông báo: Sau khi nhận được cảnh báo về du lịch toàn cầu từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, startup đã hủy tất cả các chương trình, bao gồm cả chương trình của anh và nói rằng họ sẽ tổ chức lại vào một ngày khác. Đột nhiên, Kinoranyi thấy mình đơn độc ở Hà Nội và anh cần tìm một nơi ở mới vào cuối tháng. Anh nhanh chóng phát hiện ra rằng các chuyến bay về nhà rất ít và đắt đỏ. Thêm vào đó, anh đã cho thuê lại căn hộ của mình ở Hà Lan cho đến tháng Bảy. Bây giờ, sau hai tháng, anh vẫn ở Việt Nam và không nhận được tiền hoàn trả cho khoản đặt cọc ban đầu của mình cho chuyến đi.
“Nói chung, thật chua xót là cuối cùng chúng tôi phải tự mình lo mọi việc”, Kinoranyi nói.
Đại dịch coronavirus đã gây ảnh hưởng cho hầu hết các doanh nghiệp, nhưng các công ty du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Remote Year, được thành lập vào năm 2014, đã huy động được ít nhất 17 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Nate Blecharchot, người đồng sáng lập Airbnb Inc. Nhưng vào tháng 3, công ty đã cắt giảm phần lớn nhân viên của mình, khoảng 90 người. Và khoảng một tháng rưỡi trước, Sam Pessin đã đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành. Pessin cho biết sự những sự thay đổi chưa từng có trước đây đã được thực hiện chỉ trong một vài tháng. Công ty hiện đang nỗ lực để giới thiệu các chương trình mới ở Hoa Kỳ vào mùa hè này.
Khoảng 300 khách hàng đang sử dụng dịch vụ của Remote Year vào thời điểm đại dịch xảy ra, Pessin nói, và do công ty khan hiếm tiền mặt nên rất khó khăn để hoàn tiền cho khách hàng. Một số người tham gia chương trình như Kinoranyi, đã đặt các chuyến bay để trở về nước, nhưng rồi các chuyến bay lần lượt bị hủy bỏ khi toàn bộ các nước trên thế giới đóng cửa đường biên giới và hóa đơn thẻ tín dụng không ngừng tăng lên. Những người khác quyết định vượt qua đại dịch ở nước ngoài. Nhưng có vẻ như không ai lấy lại được tiền trong tháng đầu tiên hoặc khoản tiền cọc cho chuyến đi, mặc dù họ chỉ mới trải nghiệm được một vài tuần trong số bốn tháng của hành trình và số tiền phải trả cho chuyến đi lên tới hàng ngàn USD. Remote Year cho rằng các chuyến đi chỉ tạm thời bị hoãn lại chứ không bị hủy bỏ nên công ty không bắt buộc phải trả lại tiền cho khách hàng.
Pessin cho biết: “Giống như nhiều công ty khai thác du lịch khác, chúng tôi không thể hoàn lại tiền mặt ngay bây giờ. Chúng tôi hiện đang rất tập trung, với từng tế bào trong cơ thể để tiếp tục các chương trình càng nhanh càng tốt”.
Kinoranyi biết rằng anh bị mất việc ở Hà Lan sau khi đại dịch xảy ra. Khi Remote Year ngừng chương trình của mình, anh đã nói chuyện với đại sứ quán Hà Lan về việc bay về nhà ở thành phố phía nam Eindhoven nhưng nhận ra đó sẽ là một thảm họa tài chính. Anh sẽ phải mua vé máy bay vào phút cuối (có thể rất đắt đỏ), và tìm một căn hộ mới tại Hà Lan. Anh nhận ra rằng nếu tiếp tục ở lại Việt Nam, chi phí chỉ bằng một nửa. “Tôi không có nhiều tiền để lựa chọn”, anh nói
Những người khác trong nhóm của anh đã tìm mọi cách để về nước. Carolina Maturana Monroy đã đặt vé trở lại Hoa Kỳ. Nhưng chuyến bay này của cô đã bị hủy, và chuyến thứ hai tới Chile cũng vậy. Cuối cùng, cô giành được một vé về nhà ở Concepción, Chile với giá 2.000 USD từ Hồ Chí Minh với một điểm dừng ở Brazil.
Lúc đó, Monroy, 42 tuổi, đã bị treo 6.000 USD phí chờ xử lý cho các chuyến bay đã bị hủy trên thẻ tín dụng có hạn mức 10.000 USD. Cô lo lắng về việc liệu cô có thể đặt chuyến bay để quay lại hay không. Cuối cùng, chuyến đi ban đầu chỉ bao gồm một vé 650 USD để đến Việt Nam và 5.500 USD tiền gửi vào Remote Year BF đã tiêu tốn của cô hơn 8.000 USD. Theo cô, một phần lỗi là do trong email công ty đã trấn an khách hàng khi virus này đang lây lan. Monroy cho biết cô ước rằng trước đó, họ đã nhìn nhận nghiêm túc hơn về virus. Hãy nói, ‘Này các bạn, chúng tôi đã tham gia chương trình hai tuần và chúng tôi tin rằng vào cuối tháng, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi nghĩ về một kế hoạch để đưa bạn rời khỏi đó thay vì tiếp tục nói với chúng tôi: Ồ, đừng lo lắng, mọi thứ sẽ ổn thôi”.
Startup đã thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ người tham gia. “Điều cuối cùng mà chúng tôi không muốn là mọi người cảm thấy bị mắc kẹt”, ông Pessin nói. Công ty đã kết nối một số người tham gia chương trình Remote Year với chủ căn hộ của họ nếu họ cần chỗ ở để ở lại thêm. Startup cũng cung cấp nhân viên đại lý du lịch riêng để giúp mọi người tìm chuyến bay. Remote Year không thường phối hợp với các đại lý vé máy bay tại các địa phương và tổ chức các chuyến đi lặp lại.
Pessin cho biết ông đã tiến hành một hội thảo trực tuyến riêng với nhóm Kinoranyi tại Hà Nội. Remote Year cũng thuê một nhân viên Việt Nam bán thời gian đến tháng 4 để hỗ trợ cho khách hàng của mình ở Việt Nam. Nhóm Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề hơn hầu hết các nhóm khác vì chương trình của họ mới bắt đầu, Pessin nói, và họ đã thất vọng về tình hình tài chính.
Giống như Kinoranyi, Monroy cũng kiến nghị để được hoàn lại tiền nhưng không có kết quả. Remote Year đang giảm giá 10% cho phí hàng tháng nếu khách hàng chọn tham gia chương trình khác sau đó. Và nếu họ mua dịch vụ trên trang web của công ty như: lớp học nấu ăn và các chuyến đi phụ, họ cũng có thể nhận được ưu đãi cho trải nghiệm Remote Year trong tương lai.
Monroy cho biết cô không có kế hoạch sử dụng dịch vụ nào nữa của công ty trong tương lai. Cô nói “Hãy quên đi. Họ để mặc chúng tôi ở đó”.
Ngay cả trước đại dịch, không phải mọi thứ đều ổn ở Remote Year. Startup tự xưng là người tiên phong cho phong cách sống du mục kỹ thuật số, hứa hẹn giải phóng nhân viên khỏi những văn phòng với đèn huỳnh quang và giá thuê cao để đổi lấy những văn phòng ở nước ngoài ở những nơi như Croatia, Peru và Nam Phi. Báo chí nhận định Remote Year giống như các công ty We Roam (hiện không đã phá sản) và WiFi Tribe Co. (đang cố gắng lợi dụng vốn của hàng ngàn thanh niên trẻ bằng cách tổ chức các chuyến đi nước ngoài).
Nhưng, giống như nhiều startup khác, công ty không có lợi nhuận. Hai nhân viên cũ (giấu tên) của công ty cho biết họ đã bị sa thải vì công ty muốn cắt giảm chi phí. Hai người này cũng cho biết thương vụ WeWork mua lại công ty đã thất bại vào vào đầu năm ngoái. Pessin từ chối bình luận về tình hình tài chính của công ty nhưng ông cho rằng coronavirus đã khiến cho ngành du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, và công ty cũng không tránh khỏi thực tế đó.
Về phần Kinoranyi, anh đã cố để gia hạn visa của mình tại Việt Nam thêm 30 ngày. Do visa hết hạn nên anh phải đi ô tô 14 tiếng để vào Hội An, một thị xã cổ kính ở miền Trung Việt Nam. Thật may mắn là anh thuê được một homestay của một cựu đầu bếp và hướng dẫn viên du lịch và trải nghiệm cuộc sống của một freelancer, đạp xe và đi bộ quanh thị xã ngắm cảnh hàng ngày. Gần đây nhất, anh đã tới thành phố biển xinh đẹp Nha Trang và cuối cùng là lưu lại Sài Gòn để chờ chuyến bay về nước vào ngày 4 tháng Bảy.
Kinoranyi nói: “Mục đích tham gia chuyến đi của tôi là thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Sau tất cả, dường như là tôi đã đi đúng hướng”.
Tú Oanh