Startup thích nghi để sống khỏe qua đại dịch
Vừa để sinh tồn qua đại dịch, vừa cung cấp các sản phẩm mới nhằm giảm áp lực cho ngành y tế, các startup Việt đã có nhiều cách sáng tạo sống khỏe trong mùa dịch.
Dịch bệnh bùng phát và kéo dài, nhiều công ty phải đau đầu tính đến chuyện giảm quy mô hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự. Thế nhưng, các startup sau đây không chỉ sống khỏe mà còn bành trướng hoạt động để cùng chung tay chống dịch.
ShoeX biến giày cà phê thành khẩu trang kháng khuẩn
Startup ShoeX gây ấn tượng mạnh với những đôi giày thể thao được làm ra từ bã cà phê bỏ đi. Không chỉ tận dụng nhằm tránh lãng phí, mà những đôi sneaker còn có khả năng chống thấm nước, khử mùi và chặn tia cực tím.
Sau thời gian dài hoạt động và đạt được kết quả doanh thu tốt, ShoeX tiếp tục đổi mình khi nhận ra cơ hội mới. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến giá khẩu trang y tế bị đẩy lên rất cao, người tiêu dùng vì thế tìm đến các loại đồ dùng che mặt khác như khẩu trang vải, tấm chống giọt bắn,…
Khẩu trang cà phê AirX của ShoeX giúp bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe.
Startup này nhanh chóng cho ra mắt loại khẩu trang có lớp ngoài được dệt bằng sợi cà phê, sử dụng công nghệ PowerKnit, có thể giặt mỗi ngày. Bên trong là lớp màng lọc tự phân hủy sinh học, được sản xuất theo công nghệ kết hợp nano bạc và hạt cà phê. Mỗi chiếc màng lọc có thể sử dụng tối đa 30 ngày không cần giặt.
Lấy tên sản phẩm là AirX, gợi cảm giác hiện đại và quen thuộc với dòng giày cà phê, sản phẩm đang được theo gói 5 chiếc với giá 445.000 đồng/gói, tương đương 89.000 đồng/chiếc. Mức giá bán lẻ của khẩu trang là 99.000 đồng/chiếc. Vì có thể thay thế màng lọc sau 30 ngày sử dụng nên chi phí này có thể chấp nhận được.
Vulcan Augmetics đưa in 3D vào hỗ trợ ngành y tế
Startup Vulcan Augmetics là công ty chuyên về công nghệ in 3D có trụ sở tại TP.HCM, vốn nổi tiếng với sản phẩm cánh tay robot tháo lắp được để hỗ trợ người khuyết tật, nay công ty bắt đầu tập trung nguồn lực để sản xuất tấm chắn trong suốt, khẩu trang y tế, máy thở, van thở, trang thiết bị y tế.
Tận dụng công nghệ in 3D và nền tảng đám mây sẵn có, Vulcan Augmetics cùng chung tay chống dịch bệnh qua ý tưởng kết nối bác sĩ với kỹ sư, bệnh viện với nhà xưởng.
Nhưng không đơn giản chỉ là sản xuất thiết bị y tế, công ty vừa khởi động dự án Cloud Maker giúp kết nối cộng đồng kỹ sư với bệnh viện. Nền tảng này dùng điện toán đám mây cho phép các bệnh viện, phòng khám và cơ sở kiểm dịch đặt mua thiết bị y tế khẩn cấp từ các kỹ sư cơ khí và điện tử, các nhà in và nhà sản xuất 3D, các nhà sản xuất gia công nhỏ lẻ.
Vulcan Augmetics cho biết dự định sử dụng 5.000 USD từ ngân sách của công ty để tài trợ các thiết bị y tế đến các bệnh viện thông qua nền tảng này. Bên cạnh đó, các sản phẩm in 3D trước đây của startup như cánh tay robot cũng có thể giúp ích được cho các cơ sở y tế qua việc tránh tiếp xúc trực tiếp gây lây nhiễm chéo.
Got It ứng dụng trí tuệ nhân tạo chống dịch trong cộng đồng
Got It của Tiến sĩ Trần Việt Hùng nằm trong top 10 các startup về giáo dục và trí tuệ nhân tạo ở Mỹ, đã vận dụng nền tảng AI có sẵn của mình cho cuộc chiến chống dịch. Với sản phẩm Covid-19 Check, dịch vụ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm theo phân loại từ F0 tới F5.
Ứng dụng này hoạt động bằng cách xây dựng một mạng lưới các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong vòng 14 ngày (đây là thời gian ủ bệnh phổ biến) thông qua hình thức crowdsourcing với nguồn dữ liệu từ chính từ người dùng. Sau khi mạng lưới này được hình thành, nếu có bất kỳ một thay đổi nào trên nó thì việc tính toán cho các node liên quan cũng sẽ được thực hiện một cách tức thì.
Mặc dù thu thập thông tin của người dùng để đưa ra kết quả, nhưng Covid-19 Check đảm bảo quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân.
Khi đã tham gia vào mạng lưới, một cá nhân luôn biết mình còn cách xa những người bị nhiễm virus tới đâu (F mấy) dựa vào các mối quan hệ mà cá nhân đó đang có đối với những cá nhân, địa điểm, hay hành trình đang có trên mạng lưới. Chính vì thế càng nhiều cá nhân tham gia cung cấp dữ liệu chính xác thì kết quả tính toán của Covid-19 Check càng chính xác.
Ứng dụng này của Got It đã nhận được khoản tài trợ trị giá 200.000 USD từ Neo4J và được công ty này mời tham dự Hackathon hàng năm (Graphs4Good GraphHack).
AskVietnamese đưa bản đồ giấy lên online
Là một startup về du lịch với ý tưởng gửi tặng miễn phí bản đồ du lịch cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. AskVietnamese dường như cũng bị chững lại khi đại dịch kéo đến khiến ngành du lịch ngủ đông. Tuy nhiên, nhóm dự án nhanh chóng chuyển đổi bằng cách tạo ra một tấm bản đồ trực tuyến.
Chiến dịch trực tuyến #govietnam2021 nhằm vực dậy du lịch nước nhà sau đại dịch.
Startup đang kêu gọi những người trẻ chia sẻ sở thích du lịch cá nhân để làm dữ liệu xây dựng nội dung bản đồ du lịch 3 thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Từ đây, AskVietnamese sẽ phát hành 10.000 bản đồ mang tên ‘Fighting Corona’ dành tặng cho du khách đến Việt Nam vào năm 2021.
Nếu như kế hoạch triển khai mạng lưới cung cấp bản đồ giấy miễn phí cho du khách quốc tế buộc phải tạm dừng thì AskVietnamese lập tức chuyển sang các chiến dịch online như#govietnam2021 với thông điệp “Hãy thắp lên hy vọng cho du lịch Việt Nam”.
JioHealth và minh chứng cho khám bệnh tại nhà thời công nghệ
Đặt hẹn bác sĩ để khám bệnh tại nhà hay mua dược phẩm từ nhà thuốc online, là dịch vụ mà JioHealth đã cung cấp trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, các sản phẩm này đối với người dùng vào thời gian thường là một thứ có cũng được, không có cũng không sao.
JioHealth giúp người dân có thể đặt hẹn với bác sĩ để được khám bệnh tại nhà.
Bây giờ khi dịch bệnh hoành hành, người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường, thì ý tưởng khám bệnh tại nhà mới thật sự trở nên hữu dụng. Chỉ với các thao tác đơn giản trên ứng dụng điện thoại, người dùng có thể đặt được lịch hẹn với bác sĩ hoặc đặt mua thuốc giao tận nơi.
Ngoài ra, phần mềm cũng được lập trình sẵn các tính năng như theo dõi sức khỏe thay thế cho bệnh án truyền thống, nhắc lịch uống thuốc, xét nghiệm tại nhà hay tư vấn sức khỏe qua video call.