Startup thay đổi thế nào trong một thập kỷ qua?
Thập kỷ vừa qua là quãng thời gian phát triển như vũ bão của các công ty khởi nghiệp cũng như làn sóng các nhà đầu tư đổ tiền vào startup.
10 năm trôi qua, điện thoại thông minh giờ xuất hiện ở khắp mọi nơi, giúp kết nối hàng tỷ người với nhau nhờ Internet, đồng thời tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh sáng tạo mới.
Các nền tảng thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ như Amazon, Facebook, Uber, Airbnb và nhiều doanh nghiệp khác đã chứng minh cho mọi người thấy sức mạnh của Internet và trong quá trình phát triển của mình, họ làm thay đổi hoàn toàn cách con người cũng như các doanh nghiệp tương tác với nhau.
Những công ty đó đã tận dụng được các dòng dữ liệu thu thập từ người dùng thông qua một loạt các thiết bị thông minh, qua đó, mang đến cho họ những dịch vụ tiện lợi và nhanh chóng hơn. Nhiều doanh nhân thành công nhờ vào dòng tiền đầu tư mạo hiểm và khả năng tiếp cận với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, qua đó giúp họ có thể gia tăng quy mô doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Các startup kỳ lân nổi lên ở khắp mọi nơi, và các phiên IPO của các công ty công nghệ luôn thu hút được rất nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư.
Thế nhưng làn sóng khởi nghiệp này phần nào “kém hấp dẫn” vào nửa sau của thập kỷ khi hàng loạt các vụ bê bối khiến những suy nghĩ tốt đẹp về các công ty công nghệ và các nhà sáng lập công ty đó sụp đổ. Các nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi hơn với những cổ phiếu có mức giá cao của một vài startup và một số công ty tiến hành niêm yết cổ phiếu trong năm 2019, có thể nói, đã có một giai đoạn hết sức khó khăn.
4 tháng đầu tiên của năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, khiến cho khoảng 30.000 người lao động phải nghỉ việc tại các công ty có vốn đầu tư mạo hiểm, và thậm chí đã khiến cho các công ty khởi nghiệp nổi bật như Uber, Lyft, Airbnb và Peloton gặp khó khăn do cạn kiệt nguồn vốn đầu tư và doanh thu.
Sau cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư mạo hiểm về sự thay đổi của thị trường từ năm 2010, Business Insider đã rút ra được một số bài học, cũng như một số ví dụ minh họa điển hình cho những bài học đó. Trong khi không thể liệt kê hết những doanh nghiệp khởi nghiệp có dấu ấn trong thập kỷ qua, danh sách dưới đây nêu ra một số công ty nổi bật mà các nhà đầu tư cho rằng có sức ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực kinh doanh của họ trong suốt một thập kỷ thành lập và phát triển.
Uber, Theranos và WeWork là những minh chứng rõ nhất cho sự sụp đổ của quan niệm “tôn sùng nhà sáng lập” và tham vọng theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá
Travis Kalanick của Uber, Elizabeth Holmes của Theranos và Adam Neumann của WeWork: Tất cả đều được coi là những lãnh đạo có tầm nhìn và quyền lực, những người có tham vọng thay đổi thế giới, nhưng mỗi người sau đó đều buộc phải rời bỏ chính những công ty mà mình sáng lập sau khi vấp phải những scandal.
Những ông chủ Startup kỳ lân bị sa thải
Khi Holmes rời công ty vào năm 2018 và phải đối mặt với một loạt các cáo buộc phạm tội và gian lận tại Theranos, “tất cả mọi người trong giới đầu tư mạo hiểm đã đặt câu hỏi cho sự cẩn trọng của chính mình”, theo Kristin Gunther, đến từ công ty đầu tư Revolution, chia sẻ với Business Insider. Bà bổ sung rằng điều đó khiến bà nhớ về vai trò của mình với tư cách là một thành viên trong ban lãnh đạo.
“Thời đó, trong một vài năm, những thương vụ đáng chú ý thường được triển khai một cách nhanh chóng, và mọi người có thể kêu gọi được tiền đầu tư chỉ dựa trên 2 trang silde thuyết trình, nhưng sẽ quan trọng hơn khi bạn nói được rằng “Đây là một thương vụ tiềm năng đấy, nhưng tôi sẽ không mạo hiểm để đi tắt đón đầu nó đâu”, Gunther cho biết.
Kalanick bị buộc phải rời khỏi công ty của chính mình cũng là do sự chủ quan đó. Trong năm 2017, các nhà đầu tư đã yêu cầu Kalanick từ chức khi mà hình ảnh thương hiệu Uber đã xấu đi trong mắt công chúng. Từng là một công ty mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn rót vốn, những lời chỉ trích bắt đầu xuất hiện khi công ty bị cáo buộc dung túng những hành động quấy rối nơi công sở, phớt lờ đi những quy định của địa phương và hành động của chính Kalanick khiến cho công ty đứng trên bờ vực sụp đổ.
Neumann, nhà sáng lập “kỳ lạ” của WeWork phải rời bỏ công ty hồi đầu năm nay sau khi công ty thất bại trong thương vụ IPO và sau đó kéo theo một loạt các báo cáo liên quan đến tranh chấp quyền lợi, sai lầm trong quản lý cũng như là những hành động “bất thường” của vị lãnh đạo này.
Tất cả 3 công ty trên đều là những ví dụ điển hình cho sự quan tâm đến mức “ám ảnh” của các công ty thuộc thung lũng Silicon đến tốc độ tăng trưởng và sự tung hô thái quá về những nhà sáng lập đầy tham vọng, qua đó những hành vi xấu hoặc những nguyên tắc kinh doanh thường bị lờ đi.
“Tôi chợt nghĩ rằng chúng ta đã bỏ qua những giá trị, mà thông qua đó, chúng ta quyết định đầu tư vào một công ty, mà còn cách các công ty được quản lý”, Elliott Robinson, thành viên Bessemer Venture Partners, chia sẻ với Business Insider.
Jet.com, Dollar Shave Club, Glossier, Warby Parker và Casper là số ít trong số các công ty đã thành công trong việc tạo dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng
Sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội cũng như quảng cáo điện tử đã tạo ra cho các công ty nhiều cách thức hơn trong việc kết nối với những khách hàng tiềm năng, cũng như là điều kiện lý tưởng cho sự hình thành và phát triển của những công ty tiếp thị trực tiếp.
Anu Duggal, đại diện đến từ Female Founders Fund, chia sẻ vởi Business Insider rằng: các mạng xã hội “đã cho phép các thương hiệu có thể kết nối trực tiếp với khách hàng và thông qua đó, họ có thể thu thập được nhiều ý kiến hơn về thiết kế thực tế của sản phẩm mà họ đang cung cấp.
Duggal nhấn mạnh vào các thương hiệu như Warby Parker và Glossier như là các công ty đã tận dụng một cách hiệu quả các cuộc trao đổi với khách hàng để có thể phát triển sản phẩm của mình một cách tốt nhất.
Jenny Lefcourt, thành viên sáng lập Freestyle và All Rise, lại chia sẻ một lý do khác tại sao các thương hiệu trên lại thành công đến như vậy. Đó là do họ đã xây dựng nên một “cộng đồng khách hàng tin cậy”.
“Có thể bạn muốn đi đến Glossier vì bạn ưa thích trang điểm, và bạn bắt đầu tìm cách kết nối với cộng đồng khách hàng. Bạn sẽ có được những người bạn mới và cùng chia sẻ những bí quyết với nhau”, Lefcourt chia sẻ với Business Insider.
Tuy nhiên, có những công ty, lúc đầu, không lấy gì làm chắc chắn sẽ trở thành những thương vụ thành công. Gunther chia sẻ về trường hợp của công ty bán lẻ trực tuyến Jet.com, nhưng sau đó đã được ông lớn Walmart mua lại. “Đây cũng là một hướng đi mới cho các công ty như vậy”.
Stitch Fix, Rent The Runway và Away đang cho các nhà đầu tư thấy tính hứa hẹn từ những thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, trong những lĩnh lực thiếu tính đa dạng
Có một sự thật rõ ràng rằng các công ty đầu tư mạo hiểm, cũng như những doanh nghiệp mà họ đầu tư vào đang thiếu đi sự đa dạng. Một khảo sát được thực hiện bởi RateMyInvestor đã chỉ ra rằng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp thường chỉ bao gồm “2 thành viên, tất cả là đàn ông, và tất cả là người da trắng, được đào tạo tại các trường đại học tại Mỹ và sinh sống tại khu vực thung lũng Silicon”.
Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, một vài doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đã được định giá lên tới hàng tỷ USD, và nhà sáng lập của Stitch Fix- Katrina Lake đã trở thành nhà sáng lập nữ trẻ tuổi nhất đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán. Các nhà đầu tư đã bắt đầu để ý đến sự thay đổi này.
“Nhìn thấy những người phụ nữ đó đảm nhận vai trò chèo lái các công ty từ lúc bắt đầu IPO và sau đó là thành công rực rỡ, các nhà đầu tư mạo hiểm, không phân biệt nam hay nữ, đã thay đổi quan điểm của họ về vấn đề này”.
Các công ty đầu tư mạo hiểm thường phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu về người mà họ sẽ đặt niềm tin vào, đặc biệt là phải cân nhắc đến các vấn đề như trình độ học vấn, sắc tộc…
Nhưng khi nhắc đến các doanh nghiệp được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo nữ, Duggal cho biết các nhà đầu tư “đang dần nhận thức rằng đó là những phương án đáng được cân nhắc”.
Shopify, Atlassian và Waze đã chứng minh rằng những thị trường ngoài thung lũng Silicon cũng rất tiềm năng
Khảo sát của RateMyInvestor cũng chỉ ra rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm có một hệ tư tưởng thiên về vị trí địa lý, với xấp xỉ một nửa các thương vụ đầu tư trong 5 năm trở lại đây đến với các công ty khởi nghiệp tại thung lũng Silicon. Nhưng trong một vài năm trở lại đây, một vài công ty đã thành công trong việc khai thác những tiềm năng “sơ khai” của các thị trường khác, đặc biệt là bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
“Đã xuất hiện những công ty lớn, những sáng chế vĩ đại bên ngoài nước Mỹ”, Vicroria Treyger, Giám đốc điều hành Felicis Ventures, chia sẻ với Business Insider. Nhưng trước Shopify, bà cho biết, “có một quan niệm rằng các công ty được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư bên ngoài nước Mỹ thường sớm bị thâu tóm”.
Shopify, có trụ sở tại Ottawa, Canada là một ví dụ điển hình, nắm vai trò truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Robinson, người đã đầu tư vào Shopify, cho biết bằng việc xây dựng các công cụ thương mại trực tuyến và tạo ra các nguồn doanh thu dựa trên một nền tảng khách hàng lớn đã thay đổi quan điểm của mọi người về vai trò của phần mềm, giống như một dịch vụ”.
Thị trường ngoài thung lũng Silicon cũng rất tiềm năng. Ảnh: Reuters
Atlassian, một công ty phần mềm tại Sydney, cũng đã góp phần tạo dựng hình ảnh cho Australia. “Tôi gặp rất nhiều những nhân viên cũ của Atlassian trong hệ sinh thái doanh nghiệp của chúng tôi”, Treyger cho biết. Bà nhấn mạnh rằng có không ít những nhân viên từng làm việc cho các công ty hàng đầu như Shopify và Atlassian tự tách ra để thành lập doanh nghiệp của riêng mình.
Israel cũng trở thành một điểm đến đầy tiềm năng cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Đất nước này là quê hương của những cái tên nổi bật như Waze ( đã được mua lại bởi Google) và trong năm 2018, có đến 61 công ty được mua lại với giá trị trung bình rơi vào khoảng 81 triệu USD.
Tại Mỹ, các thành phố như Chicago, Seattle, Denver, Portland, Atlanta, và Washington, D.C là những điểm đến phổ biến của dòng vốn đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Stripe, Square, Lending Club, SoFi và Robinhood là những cái tên đã thay đổi ngành dịch vụ tài chính
Công nghệ tài chính (Fintech) là một lĩnh vực trong thập kỷ vừa qua đã chứng kiến một làn sóng các công ty mới phát triển và đạt được những cột mốc giá trị đáng nể. Các công ty khởi nghiệp đã tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh, ngân hàng số và công nghệ học máy để thu hút nhiều khách hàng vào hệ thống tài chính của mình, qua đó nâng tầm cách thức họ sử dụng, vay mượn và trao đổi tiền.
“Đó thực sự là một sáng chế kỹ thuật đích thực”, Treyger cho biết. “Thật thú vị khi thấy tiền được đổ vào những công ty đã làm thay đổi lĩnh vực dịch vụ tài chính”.
Stripe và Suqre là những công ty điển hình, giúp thay đổi cách kiếm tiền của nhiều doanh nghiệp. Leding Club và SoFi là những công ty dẫn đầu dịch vụ cho vay tài chính và Robinhood đã tái định nghĩa lại cách thức mà các khách hàng đầu tư hàng ngày.
Trọng Đại – Theo BI