Startup ở Đông Nam Á: Cuộc đấu tranh sinh tồn
Giờ đây đối với các startup, sống sót và tìm kiếm lợi nhuận đã trở thành cuộc đấu tranh sinh tồn, thay vì sống chết tăng trưởng như trước kia.
Coronavirus đã mang lại cảm giác ớn lạnh cho những công ty khởi nghiệp được các quỹ đầu tư triệu đô nuôi lớn nhiều năm qua. Nhiều khe nứt trong mô hình kinh doanh “đốt tiền” bị phơi bày: định giá bị thu hẹp, huy động vốn mạo hiểm giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm qua và các startup kì lân phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn. Ở một thị trường mà việc tăng trưởng hai con số là điều thường xuyên và startup được định sẵn sẽ lớn mạnh từ kì lân thành siêu kì lân, đại dịch Covid-19 chính là bài kiểm tra thực tế cho nhiều hệ sinh thái.
Cắt giảm và đóng cửa
Cuộc đổ máu kỳ lân ở Đông Nam Á đã bắt đầu. Gojek, một công ty nhỏ thành lập cách đây 10 năm ở Jakarta từng phát triển một ứng dụng kiểu Uber và trở thành kỳ lân đầu tiên của Indonesia. Năm ngoái, định giá của Gojek đã vượt quá 10 tỷ USD và đang trên đà trở thành một “siêu ứng dụng” – trải dài từ gọi xe, thanh toán điện tử đến ăn uống, dọn dẹp nhà cửa. Gojek đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thương mại của quốc gia từ chỗ cực kì cục bộ, địa phương trở thành nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Các nhà đầu tư lớn – trong đó có Google, Tencent và Facebook – đã tìm đến họ để chiếm phần tiếp cận đầu tiên vào một thị trường kết nối di động ngày càng thịnh vượng tại Đông Nam Á.
Nhưng vào cuối tháng sáu khi hoạt động của người tiêu dùng sụt giảm do Covid-19, Gojek đã tuyên bố sẽ sa thải 9% lao động và đóng cửa dịch vụ dọn dẹp-massage GoLife, cũng như các gian hàng đồ ăn GoFood Festival. Tháng giêng trước đó, họ cũng đóng cửa dịch vụ đặt chỗ làm đẹp GoGlam và dịch vụ sửa đồ gia dụng GoFix. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công ty mà còn đe dọa sinh kế của nhiều người dân vốn tạo ra nhờ sự trợ giúp của các ứng dụng đó.
Một startup kì lân khác của Indonesia là Traveloka cũng đã buộc phải sa thải khoảng 100 người, tức 10% nhân viên vào tháng tư vì ngành du lịch toàn cầu bị sụp đổ bởi việc đóng cửa biên giới các quốc gia. Công ty kì lân Grab của Singapore vào tháng tư cũng đề nghị nhân viên trong hệ thống của mình tự nguyện nghỉ không lương hoặc cắt giảm giờ làm việc vì dư thừa công suất và đến tháng sáu đã phải sa thải khoảng 360 người, tương đương 5% nhân sự.
Dưới kì lân, một loạt công ty khởi nghiệp non trẻ hơn cũng đang bị dồn vào góc tường. Công ty fintech Fomo Pay của Singapore đã phải bỏ nhân sự bán thời gian và trì hoãn việc mở rộng ra nước ngoài khi chứng kiến giao dịch thanh toán số giảm hơn 50% trong tháng hai. Công ty giao hoa BloomThis có trụ sở tại Malaysia đã bị giảm 90% doanh thu, khiến giám đốc điều hành phải cắt bỏ toàn bộ chi phí marketing, nhờ chủ nhà trợ giúp và tìm viện trợ từ ngân hàng.
Một số startup thậm chí buộc phải đóng cửa vĩnh viễn, chẳng hạn như nền tảng trực tuyến Stoqo Teknologi cung cấp nguyên liệu tươi cho các cửa hàng thực phẩm gia đình ở Indonesia ngừng hoạt động vào cuối tháng tư hay doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khách sạn bình dân Airy cũng phá sản vào cuối tháng năm sau vài tháng liên tiếp “sụt giảm doanh số đáng kể và yêu cầu hoàn tiền cao từ người dùng”
Thực tại mới và dòng vốn kén chọn hơn
Theo nhiều cách, cuộc bùng nổ khởi nghiệp ở Đông Nam Á đang mất dần động lực. Giống như năm ngoái, khi chứng kiến kết quả thất vọng của Uber và Slack hay nỗ lực vớt vát bất thành của WeWork trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), các nhà đầu tư đã trở nên dè dặt. Theo dữ liệu của DealStreetAsia, vốn đổ vào khu vực Đông Nam Á năm ngoái bị sụt giảm 30%. Trong dịch Covid-19, nhiều startup phản ánh rằng các nhà đầu tư của họ bị chùn chân. Thậm chí, có những khoản gọi vốn từ trước để đảm bảo lượng tiền mặt khoảng 18 tháng cho startup cũng bị rút lại vào phút cuối khiến startup bị tàn phá nặng nề. Giờ đây, các công ty khởi nghiệp phải giành giật nhau để có được cam kết nguồn tiền mới.
Nhiều startup lớn – bao gồm Gojek – sẵn sàng IPO trước khi đại dịch xảy ra cũng đã nhanh chóng xoay chuyển thông điệp của họ, từ chỗ triết lý “tăng trưởng bằng mọi giá” phổ biến trước đây trở thành “đường dẫn đến lợi nhuận”. Theo nhà quản lý quỹ Jungle Ventures, “cuộc khủng hoảng này đã chứng minh rằng loại tăng trưởng này rất mong manh. Định giá và tạo ra giá trị phải đi đôi với nhau”. Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital cũng tin rằng đây là “thời điểm rất thú vị”, bởi vì “các doanh nghiệp thực sự tốt đã bắt đầu nổi bật và cường độ cạnh tranh bắt đầu giảm đi.”
Vốn mạo hiểm đã trở nên kén chọn và tiêu chuẩn cao hơn. Dữ liệu từ Preqin cho biết các quỹ mạo hiểm vào ASEAN cũng đã huy động được gần 400 triệu USD trong nửa đầu năm nay – nghĩa là vẫn còn một số “bột khô” [dòng tài chính có tính thanh khoản cao gần như tiền mặt dự trữ] cho các startup trong khu vực – miễn là họ cho thấy khả năng sống sót hoặc thậm chí thu lợi từ những thay đổi xã hội mà Covid-19 tạo ra.
Theo GS. Amit Joshi tại Trường Kinh doanh IMD của Thụy Sĩ, ông cũng hy vọng rằng cả startup và quỹ mạo hiểm sẽ tiếp tục đánh giá lại việc thế nào là thành công. Thời gian qua các công ty khởi nghiệp đã quá tập trung vào việc huy động vốn từ các nhà đầu tư, thay vì kiếm tiền bằng cách thu hút và giữ chân khách hàng. “Đối với startup, chính bởi số tiền mạo hiểm quá dư thừa, nên họ đã bị trì hoãn gần một thập kỉ rưỡi để đến được thời điểm mà lợi nhuận từ khách hàng là nguồn tài trợ chính”, ông nói.