Để nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương trên cả nước, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các sở KH&CN. Đây cũng là chủ đề của hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng Đông Nam Bộ” trong khuôn khổ hội nghị giao ban lần thứ XIV “Thúc đẩy liên kết phát triển KH&CN vùng Đông Nam Bộ” diễn ra tại TPHCM từ 25-26/10.

Nhìn từ TP. Hồ Chí Minh
Khởi nghiệp ĐMST là chủ đề được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày càng đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và hoạt động khởi nghiệp ĐMST tuy mới hình thành song bước đầu đã có kết quả khả quan. Từ tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (đề án 844). Ngay sau đó, Bộ KH&CN và nhiều địa phương đã thúc đẩy tích cực hoạt động này, trong đó TPHCM được đánh giá là địa phương có nhiều hoạt động sáng tạo.
Theo Sở KH&CN TPHCM, 3 năm qua, các sở, ban, ngành đã phối hợp tham mưu cho UBND thành phố ban hành 18 văn bản triển khai pháp luật về KH&CN, gồm các chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN và ĐMST giai đoạn 2016-2020, một số chính sách để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KH&CN và ĐMST đến năm 2020. Việc chuẩn bị hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái ĐMST cũng được triển khai.
Cụ thể, không gian thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp của thành phố (Saigon Innovation Hub – SIHUB) đã được thành lập với không gian làm việc chung, tổ chức sự kiện, kết nối chuyên gia, nhà đầu tư, đào tạo… miễn phí. Đây là nơi kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, kết nối các cộng đồng khởi nghiệp ĐMST và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp ĐMST.
TPHCM cũng triển khai kết nối các phòng thí nghiệm mở (openlab), các trung tâm ĐMST để hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo của các cá nhân, tổ chức sáng tạo công nghệ, như: Phòng thí nghiệm mở trong lĩnh vực hóa và vi sinh của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm; Trung tâm ĐMST SHTP Innovation Hub dành cho các dự án khởi nghiệp về công nghệ thông tin; Không gian sáng chế Maker Innovation Space dành cho các nhà sáng chế; hợp tác với openlab khác của các doanh nghiệp như Microsoft, Bosch, Shinhan Future’s Lab. Thành phố cũng hợp tác với các hoạt động hỗ trợ ươm tạo và đổi mới sáng tạo của Bộ KH&CN, như chương trình đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam…
Sở KH&CN đang hoàn thiện để trình UBND thành phố đề án phát triển hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái ĐMST nhằm làm cơ sở hình thành trung tâm thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp của TPHCM trên nền tảng là SIHUB.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KH&CN – cho rằng, những kết quả bước đầu về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mà các địa phương như TPHCM đạt được phản ánh sự nỗ lực của sở KH&CN trong công tác tham mưu cho lãnh đạo địa phương.
Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố đã có hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, ông Liễu nhấn mạnh, để đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vẫn cần một giải pháp tổng thể.
“Cần tạo cơ chế để phát huy được lợi thế vùng, liên kết tạo sức mạnh cho ĐMST. Hơn nữa, cần có sự chỉ đạo tập trung hình thành các cực phát triển, trước hết là ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng để làm đầu tàu thúc đẩy tăng tốc cho quá trình khởi nghiệp ĐMST của từng vùng cũng như cả nước” – TS Liễu nói.
Hình thành văn hóa khởi nghiệp tại địa phương
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, để đẩy mạnh hệ thống khởi nghiệp ĐMST tại các vùng, miền thì trước hết các sở KH&CN phải là cơ quan tham mưu cho UBND, tỉnh ủy, HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ và hình thành văn hóa khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương.
Trong quá trình hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các vùng, miền với trọng tâm là các vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường đại học. Thông qua hệ thống này, cần tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp ĐMST trong vùng và cả nước. “Đây chính là tiền đề để xây dựng mối liên kết với các thành phần của hệ sinh thái vùng với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế” – thứ trưởng nói.
Về giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ông Mai Thanh Quang – Giám đốc Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu – cho rằng địa phương cần tăng cường việc phổ biến đề án 844, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, chính sách khởi nghiệp ĐMST của địa phương; tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp ĐMST thành công của địa phương, Việt Nam và thế giới; lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, sự kiện, cuộc thi liên quan đến khởi nghiệp ĐMST.
Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về khởi nghiệp ĐMST cho doanh nghiệp khởi nghiệp, sinh viên, cộng đồng khởi nghiệp ĐMST.
“Cần xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Cụ thể, cần tăng cường triển khai chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của địa phương; hình thành vườn ươm doanh nghiệp và không gian làm việc chung…” – ông Quang nói và cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính cũng cần được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST gia nhập thị trường với thời gian và chi phí thấp nhất.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TPHCM: “Để thúc đẩy phát triển liên kết vùng Đông Nam Bộ, cần có các chính sách và công cụ cụ thể. Xây dựng sàn giao dịch công nghệ với 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt chính là việc thiết kế công cụ cụ thể mà Sở KH&CN TPHCM đang làm để góp phần thúc đẩy liên kết vùng, phát triển thị trường công nghệ. Sở đang gửi thư đi các tỉnh, thành trong khu vực và đại sứ quán các nước để liên kết giới thiệu và kết nối nhu cầu thiết bị và công nghệ. Sở cũng sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các sở KH&CN trong khu vực tới tham khảo mô hình hoạt động của SIHUB”.
Ông Văn Công Thời – Giám đốc Sở KH&CN Bình Thuận – cũng cho rằng, khởi nghiệp ĐMST dựa trên các yếu tố sở hữu trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Những nội dung này đòi hỏi tăng cường tổ chức các khoá đào tạo, hội nghị, hội thảo… để tiếp cận thông tin và kinh nghiệm nền tảng về sở hữu trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới phục vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Ông cho rằng, cần xây dựng được cơ chế phối hợp, thống nhất trong hoạt động nghiên cứu khoa học giữa các thành viên, đảm bảo nguyên tắc nơi có nguồn lực khoa học cao hỗ trợ cho các địa phương có nguồn lực thấp hơn.
Đồng thời, giữa các thành viên trong vùng cần có cơ chế trao đổi thông tin về các kết quả nguyên cứu khoa học. Trên cơ sở trao đổi thông tin, các thành viên trong vùng xem xét từng kết quả nghiên cứu, chọn lựa phù hợp, tổ chức ứng dụng tại địa phương mình mà không cần tổ chức nghiên cứu lại, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Còn bà Phạm Thị Lan Hương – Giám đốc Sở KH&CN Tây Ninh – kiến nghị, trên cơ sở đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, Bộ KH&CN cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện.
Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV được tổ chức 2 năm một lần nhằm đánh giá kết quả hoạt động KH&CN của vùng giai đoạn 2015-2017, định hướng hoạt động giai đoạn 2018-2020.

Tại hội nghị, các cơ quan quản lý, lãnh đạo Bộ KH&CN, địa phương, sở KH&CN sẽ cùng thảo luận tìm giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết vùng Đông Nam Bộ, đề xuất các vấn đề KH&CN có tính chất liên tỉnh, liên vùng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ; trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý hoạt động KH&CN, biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tế triển khai các hoạt động KH&CN.

Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ lần này diễn ra trong thời gian TPHCM tổ chức tuần lễ ĐMST, với các hoạt động như: Tọa đàm “Các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam”; hội thảo “Mô hình hoạt động ĐMST có hiệu quả tại doanh nghiệp”; trao giải cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel 2017; hoạt động cộng đồng kết nối doanh nghiệp với sinh viên “Khởi nghiệp ĐMST trên nền tảng công nghệ thông tin – viễn thông”; khai mạc triển lãm Công nghệ và Hội nghị khởi nghiệp ĐMST…

Hải Minh – Kiều Anh (Khoa học phát triển)