Startup đưa công nghệ vào hát bội để hút khách du lịch
Làm mới hát bội bằng công nghệ không chỉ tạo sự hứng thú cho giới trẻ, mà còn biến môn nghệ thuật đậm hồn Việt trở thành điểm đến níu kéo du khách.
Du lịch Việt Nam ngày nay không chỉ là biển xanh cát vàng, mà các địa phương còn chú trọng phát triển du lịch văn hóa. Sau đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề ngành lữ hành, dự án khởi nghiệp “Vang vọng trống chầu” ở TP.HCM được kỳ vọng sẽ thu hút du khách cho thành phố.
Du lịch văn hóa là hướng đi mới cho Việt Nam bên cạnh danh lam thắng cảnh có sẵn.
Chương trình biểu diễn đầu tiên kéo dài 60 phút được diễn ra ở Saigon Innovation HUB, đã chứng minh được sức hấp dẫn của hát bội “cách tân”: bạn trẻ thì say sưa theo dõi, còn người lớn, giới chuyên môn thì tập trung không rời và đưa ra đánh giá cao.
Hát bội không khô khan
Với sự phát triển vũ bão của nhiều loại hình giải trí mới, bạn trẻ ngày nay có nhiều sự lựa chọn hơn để nuôi dưỡng tinh thần, những môn nghệ thuật truyền thống như hát bội dần lui về bức rèm nhung của quá khứ. Nhiều nhà hát, nghệ sĩ đã có kế hoạch làm mới hát bội nhưng không mấy thành công.
Buổi biểu diễn “The Art of Hát Bội” ở SIHUB với sự tham gia của các diễn viên có thâm niên trong nghề.
Là một người trẻ tìm hiểu văn hóa Việt, anh Phan Khắc Huy hiểu được giới trẻ cần gì và dân gian có gì. Anh đã bắt đầu nhiều dự án về lịch sử, văn hóa từ năm 2013, tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện, triển lãm,… thu hút được sự quan tâm của những người đồng trang lứa.
Bằng kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy, anh Huy bắt tay vào dự án khởi nghiệp “Vang vọng trống chầu” (Echoing drum show). Dự án lọt ngay vào mắt xanh của hội đồng tại SIHUB vì ý tưởng không quá mới nhưng rất hay, có tiềm năng lớn để phát triển.
Anh Phan Khắc Huy, sáng lập dự án “Vang vọng trống chầu”.
Giải thích về tên gọi của dự án, founder Phan Khắc Huy chia sẻ: “Tiếng trống rất quan trọng, không chỉ trong vở diễn mà còn trong đời sống người xưa. Tiếng trống đánh dấu sự bắt đầu, khi có thông báo. Điểm đặc biệt, tiếng trống vang rất xa và thu hút được sự chú ý của mọi người.
Vì những đặc tính này, dự án đặt tên theo tiếng trống với ý nghĩa: lan xa lời mời gọi, kéo mọi người đến một sự kiện thú vị sắp bắt đầu. Dự án mong muốn giới trẻ không quay lưng với sân khấu truyền thống cũng như hút được du khách tìm hiểu mới về bộ môn này.”
Startup đưa giá trị hiện đại giao thoa với truyền thống nhằm đưa người trẻ đến gần hơn với hát bội.
Trong thời lượng 60 phút của buổi diễn, khán giả sẽ được đưa đi ngược dòng lịch sử từ thuở hát bội mới thành hình, đến thời kỳ huy hoàng vào thế kỷ trước. Tiết mục được dàn dựng công phu, chỉ đưa ra những lát cắt nổi bật nhất để người xem không bị nhàm chán bởi lý thuyết suông.
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh, con gái của Nghệ sĩ Ba Út từng lẫy lừng giới hát bội xưa, chia sẻ cảm nghĩ: “Hát bội rất hay, chỉ cần biết đến, xem một lần sẽ thích. Chính vì điều này, cần đưa nó đến nhiều người hơn bởi biết hát bội mới xem hát bội và thích hát bội. Khi có người xem thì mới có người diễn, như vậy hát bội mới còn tồn tại được mãi.”
Khi AI biết học hát bội
Bên cạnh những vở diễn trên sân khấu, dự án “Vang vọng trống chầu” còn phát triển một nhánh song song, sử dụng công nghệ hoàn toàn. Anh Huy bật mí cách làm này sẽ giúp người trẻ tiếp cận được với hát bội từ chính lòng bàn tay.
Với app điện thoại của nhóm, khán giả sẽ được chủ động biết về vở diễn và nhân vật mình đang xem, từ đó dễ dàng phải lòng với bộ môn này hơn.
“Thời gian sắp tới, nhóm sẽ phát triển phần mềm tích hợp trí tuệ nhân tạo để tương tác với vở diễn. Khán giả dùng điện thoại và đưa vào mặt diễn viên, phần mềm sẽ tự xác định nhân vật và hiện thông tin về tính cách, hoàn cảnh, bối cảnh và những thứ liên quan tới nhân vật trong vở diễn,” anh chia sẻ.
Trí tuệ nhân tạo được tích hợp trong ứng dụng sẽ được học về các vở kịch, diễn viên, chẳng hạn lớp hóa trang trên mặt là đặc trưng của nhân vật nào, để nhanh chóng đưa ra kết quả chính xác khi người dùng có yêu cầu. AI cũng được sử dụng để phát triển nội dung của app.
Một buổi nói chuyện về văn hóa, lịch sử của anh Khắc Huy (bìa trái) với những người bạn trẻ.
Founder còn hé lộ thêm, phần mềm có sẵn một cơ sở dữ liệu về vở diễn, nhân vật để khán giả có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về hát bội. Chẳng hạn nghệ thuật múa “Tứ đại thiên vương”, lớp diễn anh em họ Tạ chém Khương Linh Tá trong tác phẩm “San Hậu”,…
Bằng cách làm này, khán giả và khách du lịch có thể chủ động tìm hiểu về hát bội, thay vì vô tình đến sân khấu và theo dõi một cách bị động, không hứng thú vì mù tịt về thông tin, không biết mình đang xem gì.
NSƯT Ngọc Khanh cùng nghệ nhân dàn cổ nhạc tại buổi diễn.
Có mặt tại buổi diễn, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub là đơn vị đầu tư và ươm mầm cho dự án, chia sẻ: “Khi làm việc với các bạn ở dự án “Vang vọng trống chầu”, tôi có nhiều cảm xúc không chỉ vì cách bảo tồn và phát huy giá trị Việt, mà còn đặt ra vấn đề phát triển ra quốc tế nếu chúng ta đi xa hơn.”
Đại diện SIHUB nhận định, startup đã sáng tạo đưa tính hiện đại vào hát bội truyền thống, từng bước đưa công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo để tạo dựng ra không gian có thể đi vào hệ thống giáo dục của Việt Nam. Dự án trước mắt có tiềm năng thu hút du khách nhưng về lâu dài mang giá trị giáo dục cho thế hệ sau.
Đưa công nghệ vào hát bội giúp nâng tầm giá trị của môn nghệ thuật truyền thống, mở ra tiềm năng lớn về du lịch, giáo dục.
Dự án khởi nghiệp du lịch của anh Khắc Huy hiện đang nhận được nhiều sự bảo trợ từ các tổ chức về văn hóa, công nghệ và du lịch vì tiềm năng lớn. Nhóm hiện tại đang phát triển ứng dụng của mình, phát hành sách ảnh về hát bội, mở lớp học hát bội cho người trẻ có đam mê, cũng như tổ chức nhiều buổi diễn hơn trong thời gian sắp tới.