Startup dạy nhảy Zumba mùa Covid: Đóng 65 điểm tập, doanh thu offline về 0, lương nhân viên giảm 30-50%, HLV đốc thúc học viên tập online qua livestream
“Khi mọi thứ đang chậm đi, mình có cơ hội nhìn lại, chuẩn hóa sản phẩm cũng như hệ thống dịch vụ. Những kế hoạch ấp ủ trong trước kia nay được phát triển, những phàn nàn của khách cũng được xử lý. Từ đó, với sự chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc, tôi tin rằng khi hết dịch, sức bật của Lamita sẽ nhanh và vững vàng hơn nữa”, nhà sáng lập khẳng định.
Bên cạnh các nhà hàng, chuỗi F&B hay khách sạn,… được coi là nằm trong tâm bão thì những phòng tập gym, thể hình cũng chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề vì Covid-19.
Lamita – thương hiệu dạy nhảy Zumba, từng thuyết phục thành công shark Liên và shark Hưng tại chương trình Shark Tank mùa 3 và phát triển bùng nổ trong năm 2019, nay cũng không thoát khỏi tình trạng này.
Toàn bộ 65 điểm tập đóng cửa, chuyển hết sang online
Chia sẻ với phóng viên, chị Thùy Linh – founder của Lamita cho biết ngay từ khi xuất hiện bệnh nhân số 17, toàn bộ 65 điểm tập của hệ thống trên toàn quốc đã phải đóng cửa. Đồng thời, tất cả nhân viên và ban lãnh đạo đều chuyển sang làm việc online.
Chị Thùy Linh – Nhà sáng lập Lamita
Những kế hoạch, kịch bản kinh doanh cũng được điều chỉnh liên tục: “Từ đầu tháng 2 đến nay, chúng tôi đã lập và chuyển đổi rất nhiều kịch bản, liên tục điều chỉnh các phương án kinh doanh, tài chính, nhân sự cho phù hợp với diễn biến của dịch.
Nhưng trong mọi kịch bản, sức khỏe và tính mạng của nhân sự, khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Tôi tin, còn người là còn có thể làm lại được, huống chi, đi qua đại dịch như thế này, những người ở lại thực sự là tài sản vô giá, cũng là sức mạnh dữ dội mà chúng tôi có được.”
Nữ founder cho biết đã triển khai mạnh các khóa học online ngay từ khi xuất hiện những ca dương tính đầu tiên, với 2 hình thức. Một là phát trực tiếp miễn phí trên nền tảng Facebook, TikTok và Youtube, ghi hình lại tất cả buổi tập để ai cũng có thể theo dõi. Thứ hai, gấp rút xây dựng nền tảng lớp học trực tuyến chuyên biệt, được thiết kế dành riêng cho việc học nhảy, học viên có thể tập lại, tập với tốc độ khác nhau và chia theo trình độ. Dự kiến nền tảng sẽ ra mắt vào đầu tháng 4 này.
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, lịch trình các buổi tập online được giữ nguyên như khi tập offline, nhân viên đóng vai trò gọi điện tư vấn, đốc thúc học viên. Chính sách được áp dụng ở cả Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lẻ.
“Lúc dịch mới bắt đầu, chúng tôi đẩy mạnh mảng online chỉ với mục đích đơn giản là tạo điều kiện tập luyện một cách thuận tiện, những ai không đến được các lớp offline vẫn có thể luyện tập nâng cao sức khỏe. Làm ngay, làm sớm thì khi dịch đến mình còn có sức để chống chọi.
Nhưng đến khi ở giữa tâm dịch và toàn bộ các điểm tập đều đóng cửa, doanh thu offline bằng 0 thì đây thực sự là phao cứu sinh cho Lamita.
Trong khi năm trước, các điểm tập của chúng tôi tăng trưởng mạnh từ 50% đến 130% mỗi tháng thì giờ đóng băng hoàn toàn. Ngược lại, mảng online lại bứt phá, tăng trưởng 100%/tháng. Và chắc chắn sau khi dịch bệnh kết thúc, Lamita vẫn tiếp tục phát triển hình thức này vì đây là xu hướng chung của thời đại chứ không chỉ trong đợt dịch bệnh. Chúng tôi sẽ đi đường dài với nó”, chị Linh cho biết.
Dù nhận được phản hồi tốt từ khách hàng, có nhiều người thậm chí còn chấp nhận chia sẻ chi phí livestream nhưng vẫn còn đó khó khăn. Trở ngại lớn nhất của việc triển khai các lớp tập online là học viên chưa chủ động, chưa có thói quen và sự tự giác rèn luyện sức khỏe nên vừa phải kêu gọi, vừa phải hướng dẫn nhắc nhở rất nhiều. Nhân sự làm việc từ xa cũng chưa quen, khó duy trì năng suất như trước.
“Ôi, kể khó vào lúc này thì nhiều lắm, nhưng thôi, cứ phải lạc quan lên mà chiến đấu”, nữ founder lạc quan.
Đau lòng vì phải cắt giảm nhân sự và lương
“Chi phí vận hành 65 điểm tập với 3500 học viên là con số không hề nhỏ. Việc ngừng chuỗi phòng tập, áp lực về dòng tiền khiến cho chúng tôi phải có những quyết định tinh giảm nhân sự và điều chỉnh thu nhập của đội ngũ. Đó thực sự là điều làm chủ doanh nghiệp như tôi rất đau lòng.
Dù vậy, chúng tôi bắt buộc phải lựa chọn để tiếp tục sống và chiến đấu. Qua đây, tôi cũng gửi lời xin lỗi và thể hiện lòng cảm kích với những nhân sự đã chấp nhận cắt giảm của Lamita. Rất biết ơn và trân trọng các anh chị em đã chấp nhận giảm lương để ở lại, vất vả chiến đấu cùng Lamita trong những ngày này”, chị Thùy Linh chia sẻ.
Nữ founder cho biết, đối với khối kinh doanh liên quan trực tiếp đến doanh số, lương của nhân sự bị cắt giảm 30%, với khối không liên quan trực tiếp thì giảm 50%. Trong khi đó, việc thương thảo với chủ nhà cũng giúp giảm chi phí mặt bằng khoảng 25%.
“Tháng 3 vừa qua, Lamita đã cố gắng giữ được ở mức có lỗ nhưng không nhiều. Tháng 4, chúng tôi bắt buộc phải cắt giảm để giữ được dòng tiền dương hoặc hòa vốn, duy trì hệ thống và bộ máy vì thực tế vẫn phải chi trả nhiều chi phí dù không hoạt động.”
Dịch Covid-19 cũng khiến kế hoạch phát triển các điểm tập và nhượng quyền của Lamita phải tạm ngừng. Chị Thùy Linh cho biết thương vụ đầu tư với shark Liên và shark Hưng dù đã đi đến giai đoạn chốt ký nhưng do có sự thay đổi trong chiến lược lựa chọn nhà đầu tư cũng như tồn tại một số vấn đề không phù hợp nên cuối cùng phải từ chối nhận vốn.
Trong Nguy có Cơ
Không chỉ có điều kiện phát triển mạnh hình thức tập luyện online, đây còn là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại và chuẩn hóa, phát triển sản phẩm, chờ “bứt tốc” sau dịch.
“Trong nguy có cơ, đây cũng là thời điểm rất thuận lợi để Lamita điều chỉnh lại chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Vì cuối năm 2019 là khoảng thời gian chúng tôi phát triển rất nóng, nhiều vấn đề lúc ấy muốn sửa cũng khó và không có thời gian.
Khi mọi thứ đang chậm đi, mình có cơ hội nhìn lại, chuẩn hóa sản phẩm cũng như hệ thống dịch vụ. Những kế hoạch ấp ủ trong trước kia nay được phát triển, những phàn nàn của khách cũng được xử lý. Từ đó, với sự chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc, tôi tin rằng khi hết dịch, sức bật của Lamita sẽ nhanh và vững vàng hơn nữa”, nhà sáng lập khẳng định.
T.D