Đông Nam Á nổi lên như Thung lũng Silicon của châu Á. Thế nhưng mùa COVID-19 khiến các start-up “hạn hán” vốn kèm theo sụt giảm doanh thu thậm chí bằng không.

Giữa tình hình ảm đạm này, một số công ty khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á đang vượt qua khủng hoảng tài chính bằng cách thực hiện các chiến lược tăng trưởng đa dạng.

“Bài học đầu tiên và quan trọng nhất là mở rộng sớm để phát triển và kích hoạt chiến lược mở rộng thị trường ngay từ khi bắt đầu để thay đổi quy mô và trở thành cố thủ ở một quốc gia duy nhất”, Jonathan Moed, người sáng lập trang web start-up đã viết.

Chiến thuật “thu về một mối” của Go-Jek

Công ty khởi nghiệp có giá trị nhất của Indonesia, Gojek, sẽ hợp nhất các thương hiệu Việt Nam (GoViet) và Thái Lan (Get) về một nền tảng công nghệ (Go-Jek) để tăng cường hoạt động và đưa hình ảnh thương hiệu vượt ra ngoài thị trường quê nhà.

Động thái này diễn ra khi Gojek chiến đấu với đối thủ Grab, công ty đang hoạt động rộng rãi hơn trong khu vực. Mọi hoạt động đều ở cùng một nền tảng thương hiệu và ứng dụng Grab trên tất cả tám quốc gia ở Đông Nam Á. Trong khi đó, tên Gojek chỉ được sử dụng ở Indonesia và Singapore.

“Bằng cách hợp nhất công nghệ và thương hiệu, chúng tôi có thể phục vụ thị trường tốt hơn và tạo ra doanh nghiệp lớn hơn ở mỗi quốc gia”, Andrew Lee, người đứng đầu mảng quốc tế của Gojek nói với Nikkei Asian Review.

Nadiem Makarim, người sáng lập Gojek và hiện là bộ trưởng giáo dục của Indonesia, cho biết tại thời điểm ở Việt Nam, Go-jek không muốn áp đặt một thương hiệu nước ngoài, thay vào đó muốn công ty con “xác định danh tính của chính mình” ở địa phương.

Cách tiếp cận này dẫn đến khả năng tương tác thấp giữa các nền tảng Go-jek: Người dùng phải tải xuống các ứng dụng riêng biệt khi họ đi đến các quốc gia khác nhau. Thương hiệu và công nghệ hợp nhất sẽ cho phép “siêu ứng dụng” Indonesia – nhà cung cấp các dịch vụ hàng ngày từ đi xe đến thanh toán có thể để đưa ra thị trường các dịch vụ mới hiệu quả hơn. Động thái mới nhất cho thấy Go-jek đang lên kế hoạch mở rộng them ra bên ngoài thị trường quê nhà Indonesia.

Các start-up gặp nạn vì “bão” COVID-19

Tuy không tránh khỏi những khó khăn chung do dịch COVID-19 gây ra nhưng Go-Jek vẫn còn là cái tên khá may mắn khi vẫn được “tiếp đạn” tài chính từ gã khổng lồ công nghệ Facebook hồi tháng 6 vừa qua. “May mắn” của Go-jek không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng có.

Trong cộng đồng SEA Founders gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp từ Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, hơn 70% cho biết hụt doanh thu là thách thức lớn nhất. Khoảng 62% cho rằng cần phải giảm chi tiêu ngay lập tức.

Trước đây, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á thường chi tiêu vô tội vạ để mở rộng và giành thị phần. Thế nhưng giờ đây, nguồn vốn đang ngày càng thắt chặt hơn nữa. Bắt đầu từ các cú “ngã ngựa” của những start-up kỳ lân đình đám như WeWork, các nhà đầu tư cẩn trọng hơn với từng đồng vốn bỏ ra.

Sau đó, đại dịch COVID-19 giáng cú đòn nặng vào nền kinh tế toàn cầu và các thị trường vốn trong quý I khiến các start-up càng khó huy động vốn. Lượng vốn đổ vào các công ty khởi nghiệp trong nửa đầu năm nay đã giảm gần 30% so với cùng kì năm ngoái do đại dịch COVID-19, theo hãng phân tích dữ liệu Tracxn.

“Hãy ngừng chờ đợi và cắt giảm chi tiêu càng nhanh càng tốt”, chuyên gia Ravishankar thuộc Sequoia Capital India khuyên các start-up.

Khi “nhà giàu” cũng khát nước

Thậm chí, những start-up có nguồn tiền dồi dào qua những đợt gọi vốn trước đây cũng không miễn dịch với khủng hoảng. Caecilia Chu, CEO của start-up ví điện tử đa tiền tệ Singapore YouTrip, cho biết công ty này giảm lương của đội ngũ quản lý cấp cao và cắt 50% ngân sách cho marketing, dù trước đó huy động được 30 triệu USD vốn đầu tư.

Tương tự, start-up du lịch trực tuyến “kỳ lân” Traveloka sa thải 10% tổng nhân sự. Hồi tháng 2, công ty này phải hoàn số tiền khổng lồ cho khách hàng khi ngành du lịch khu vực chết đứng vì dịch COVID-19.

Start-up thanh toán điện tử Fomo Pay từng dự báo năm 2020 sẽ tăng trưởng mạnh khi ngành công nghệ tài chính Đông Nam Á bùng nổ với số lượng người dùng chi tiêu qua ví điện tử vọt. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng lên từ Trung Quốc rồi lan rộng khắp thế giới thì các nền kinh tế đóng băng và tiêu dùng lao dốc.

Số lượng giao dịch thanh toán điện tử qua Fomo giảm hơn 50% trong tháng 2. Công ty đã phải cắt giảm nhiều lao động bán thời gian và hoãn kế hoạch mở rộng sang Malaysia và Myanmar sang quý III hoặc lâu hơn.

Fomo cũng đã phải cắt giảm lương 20-50%. Đây là một trong số các công ty khởi nghiệp trẻ, mới nổi tại Đông Nam Á đang gặp nhiều khó khăn trong dịch COVID-19.

Doanh thu về bằng 0

Giden Lim, CEO của start-up giao hoa BloomThis, có trụ sở tại Malaysia và cũng là một thành viên của SEA Founders, cho biết công ty này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh hạn chế di chuyển, cấm tụ tập đông người và hạn chế xuất/nhập cảnh.

“Doanh thu của chúng tôi giảm tới 90% và không chắc tình trạng này sẽ còn kéo dài tới khi nào”, doanh nhân Lim cho biết. “Và sau khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ, mọi việc cũng khó trở lại như trước. Áp lực tài chính là rất lớn”.

BloomThis buộc phải cắt toàn bộ chi phí marketing, yêu cầu các chủ mặt bằng giúp đỡ, xin hỗ trợ từ các ngân hàng và cân nhắc giảm lương. “Chúng tôi phải xác định rằng có thể mất tới 12 tháng hoặc lâu hơn để phục hồi. Cắt giảm chi phí và tìm kiếm cơ hội mới là vô cùng quan trọng để tồn tại qua cuộc khủng hoảng này”, doanh nhân Lim nhận định.

Khu vực khởi nghiệp của Thái Lan, tương đối lớn, có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực. Panachit Kittipanyangam, chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Công nghệ Thái Lan (TTSA) cho biết: “Chúng tôi ước tính doanh thu của 80% các công ty khởi nghiệp địa phương giảm về 0. Hậu COVID-19, 40-50% các start-up địa phương có thể sẽ biến mất ở Thái Lan”.

Theo VTV.vn