‘Sốt’ các nhóm chat tâng bốc, khen ngợi với giá bèo ở Trung Quốc
Người dùng internet Trung Quốc đang đổ xô đến các nền tảng mạng xã hội và nhắn tin như WeChat, trả số tiền khoảng vài đô la Mỹ cho vô số nhóm chat để được… khen.
Đây là xu hướng mới nhất của cộng đồng mạng Trung Quốc, diễn ra chủ yếu trên WeChat, ứng dụng nhắn tin lớn nhất nước, và QQ. Cả hai nền tảng đều thuộc sở hữu của Tencent.
Cụ thể, người dùng có thể tìm kiếm các nhóm được biết đến với cái tên “kuakuaqun”, hay “nhóm khen ngợi” nếu cần khoảng không gian không có sự ghen ghét và thù hận. Những group này sẵn có trên Taobao, trang thương mại điện tử do Alibaba quản lý. Các nhóm khác nhau được rao trên Taobao hiển thị bảng giá khác nhau, tối thiểu từ quanh 35 nhân dân tệ, tương đương 5,21 USD.
Khi người dùng mua một vòng lời khen trên Taobao, người bán sẽ liên hệ với khách hàng và mời họ đến nhóm chat trên WeChat. Tại đây, người dùng nhận được lời khen từ nhiều người.
Dù vậy, hoạt động kinh doanh này có nhiều mô hình khác nhau. CNBC trò chuyện với một quản trị viên nhóm chat để biết rằng nhóm này cung cấp dịch vụ cho phép người dùng mời một người khác vào nhóm, và cá nhân đó nhận được lời khen theo ý họ. Quản trị viên cho hay nhóm tính tiền 15 nhân dân tệ cho mỗi ba phút khen, và 25 nhân dân tệ cho mỗi năm phút khen. Số tiền trên lần lượt tương đương 2,23 USD và 3,72 USD.
Người dùng có thể chia sẻ với nhóm thông tin về mối quan hệ của bạn với một người, những điều họ thích hoặc không thích. Sau đó, người dùng được mời đến một trong các nhóm chat trên WeChat cùng người mà họ muốn tham gia cùng, rồi những lời khen bắt đầu. Quản trị viên nhóm cho hay ông quản lý nhóm với bạn bè trong thời gian rảnh.
Thực tế cũng có nhiều nhóm khen miễn phí. Mạng xã hội Douban có nhiều bài đăng về các nhóm khen ngợi, chẳng hạn như nhóm tên “Abelard” trên WeChat. Thường thì các nhóm khen ngợi lẫn nhau có tầm 240 đến 500 người. Tại đây, người dùng liên tiếp tâng bốc nhau chỉ trong vài giây.
Ví dụ, một người chia sẻ: “Chào buổi sáng. Tôi vừa chuyển đến nơi ở mới và dành nhiều thời gian ở một mình”. Lập tức, một người dùng khác trả lời: “Thật tuyệt vời! Bạn có nhiều thời gian rỗi hơn, hãy nhân cơ hội này tận hưởng khoảnh khắc riêng của bạn. Bạn có thể rất hạnh phúc một mình, và bạn cũng có chúng tôi ở đây”.
Hoặc một người khác kể rằng họ đang học tiếng Trung Quốc, rồi nhận được bình luận: “Không có giới hạn cho sự học của bạn. Bạn là người chăm học. Tôi tin rằng bạn sẽ thạo tiếng Trung Quốc trong tương lai gần”.
Mạng xã hội gần đây bị chỉ trích vì có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người dùng. Nhiều hãng còn bị cáo buộc chưa nỗ lực đủ để giám sát khả năng người dùng bị tấn công, hoặc lọc nội dung cực đoan trên nền tảng. Việc trả tiền để được khen cũng có thể là xu hướng trả lời cho trào lưu nhóm “chửi rủa” xuất hiện trên WeChat năm ngoái. Người dùng vào đó để chê trách, lăng mạ lẫn nhau.
Thu Thảo – Báo Thanh niên