SoftBank có thể lỗ 12 tỷ USD vì canh bạc startup
Tập đoàn Softbank của tỷ phú liều ăn nhiều Masayoshi Son sẽ báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm vào đầu tuần tới. Nhưng năm nay chắc sẽ rất khác. Tập đoàn này có thể lỗ tới 12,5 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua vì đổ tới 80 tỷ USD vào các startup kinh doanh thua lỗ.
Theo Bloomberg, tháng 5/2019, Tập đoàn SoftBank công bố lợi nhuận kỷ lục nhờ các khoản đầu tư mạo hiểm của tỷ phú Masayoshi Son vào những công ty khởi nghiệp công nghệ như WeWork, Uber Technologies và Oyo Rooms.
“Thời của chúng ta đã đến”, ông Son tuyên bố chắc nịch với giới truyền thông.
Nhưng khoảng thời gian từ đó đến nay là một trong những năm tồi tệ nhất lịch sử SoftBank. Giá cổ phiếu của Uber lao dốc thảm hại sau đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), WeWork trượt tới bờ vực của sự sụp đổ sau khi kế hoạch IPO đổ bể.
Danh mục đầu tư của tỷ phú Son – nghiêng hẳn về nền kinh tế chia sẻ với 80 tỷ USD – giờ ngày trở nên mong manh, yếu ớt khi đại dịch Covid-19 rút cạn vốn của các công ty khởi nghiệp.
Dự kiến SoftBank sẽ công bố kết quả kinh doanh năm tài chính kết thúc ngày 31/3 vào ngày 18/5.
Năm kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử
Vào khoảng thời gian này năm ngoái, công ty đã công bố lợi nhuận hoạt động cao nhất trong lịch sử nhờ những vụ đặt cược lớn của Son vào các startup công nghệ như WeWork, Uber và Oyo. “Thời của chúng tôi cuối cùng cũng đến”, Son tự tin nói trước các phóng viên và chuyên gia phân tích trong buổi công bố kết quả kinh doanh ngắn vào tháng 5/2019.
Vậy mà giờ này năm nay, công ty có thể sẽ phải công bố kết quả của một năm kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của thương vụ IPO thảm họa của Uber vào tháng 5, bê bối chấn động giới startup của WeWork vào tháng 9 và loạt biện pháp “cấp cứu” từ Softbank. Hiện tại danh mục đầu tư trị giá 80 tỷ USD của Son đang nghiêng hẳn vào nền kinh tế chia sẻ thế mà lĩnh vực này lại đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.
Điều đáng nói là tham gia đóng góp cho Vision Fund có rất nhiều tên tuổi lớn gồm Quỹ đầu tư công của chính phủ Ả rập Saudi, Abu Dabi và cả Apple.
Softbank dự tính sẽ ghi nhận khoản thua lỗ hoạt động kỷ lục 1,35 nghìn tỷ yen (12,5 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào 31/3. Quỹ Vision Fund – đơn vị sở hữu các khoản đầu tư công nghệ đóng góp hơn một nửa lợi nhuận của tập đoàn vào năm trước đã chuyển thành khoản thua lỗ 1,8 nghìn tỷ yên (16,84 tỷ USD). Tổng thua lỗ ròng của tập đoàn dự kiến đạt 900 tỷ yên.
Những vấn đề nổi lên đã làm trật hướng kế hoạch của Son để huy động một quỹ công nghệ khổng lồ thứ 2. Tháng 6 năm ngoái, Son nói rằng ông đang gần đạt được mục tiêu tạo ra quỹ 108 tỷ USD, trong đó Softbank đóng góp 38 tỷ USD. Tuy nhiên, bê bối của WeWork đã khiến quỹ đầu tư công của Ả rập Saudi và công ty đầu tư Mubadala của Abu Dabi phải xem xét lại về khả năng đầu tư của họ. Đến tháng 2, Son khẳng định Softbank sẽ phải sử dụng vốn của chính mình.
Softbank cũng dự kiến ghi nhận khoản thua lỗ 1 nghìn tỷ yên từ một vài khoản đầu tư lớn của mình gồm WeWork, OneWeb – công ty đã nộp đơn phá sản vào tháng 3. Riêng “cú sốc” WeWork chiếm 700 tỷ yên trong tổng thua lỗ, gồm cả các khoản đầu tư và khoản cam kết cho vay.
Năm ngoái, sau nỗ lực IPO thất bại của WeWork, Softbank đã sắp xếp một khoản vay 9,5 tỷ USD và cử CEO của họ là Marcelo Claure với hy vọng vực dậy hoạt động kinh doanh. Son nói rằng việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh không có lãi và tạm dừng mở rộng hoạt động sẽ giúp tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, những cam kết này đã bị dịch Covid-19 hủy hoại hoàn toàn.
WeWork phải giảm giá cho một số khách hàng khi công ty cho phép nhân viên chuyển sang làm việc tại nhà để tránh sự lây lan của dịch Covid-19. WeWork cũng chưa trả tiền thuê tháng 4 cho một số chủ tòa nhà và đang nỗ lực thỏa thuận với các đơn vị cho thuê để tìm cách khắc phục.
Trước đó vào buổi công bố kết quả kinh doanh ngắn giữa tháng 2, Son tuyên bố tại Tokyo rằng tài sản của Softbank đã ổn định trở lại nhờ sự tăng mạnh cổ phiếu Uber sau bê bối WeWork.
Nhưng, khi Covid-19 ập đến, Uber đã buộc phải cắt giảm chi phí để giảm lỗ. Công ty cũng ngừng tuyển dụng trong tháng 3, rút dự báo tài chính và ghi giảm 2 tỷ USD đầu tư trong tháng 4. Những khoản đầu tư này gồm cổ phần tại Didi Chuxing và Grab – 2 công ty cũng được Softbank đầu tư. Đầu tháng này, Uber tuyên bố kế hoạch cắt giảm 3.700 việc làm, đóng cửa 180 trung tâm dịch vụ lái xe và ngừng hoạt động giao đồ ăn ở 7 quốc gia. Cổ phiếu của Uber hiện được giao dịch thấp hơn 27% so với giá IPO.
Qua mùa đông lạnh giá sẽ là mùa xuân?
Son từng nói rằng ông nhận thấy sự kết hợp giữa công nghệ và dịch vụ di chuyển giống như một cuộc cách mạng vận chuyển được tạo ra khi xe ô tô thay thế xe ngựa kéo từ 1 thế kỷ trước. Tuy nhiên vấn đề rắc rối tại Uber là tín hiệu xấu với danh mục đầu tư gọi xe của SoftBank. Tổng số tiền đầu tư vào lĩnh vực này lên đến 18 tỷ USD, bao gồm Didi ở Trung Quốc, Grab tại Đông Nam Á và Ola của Ấn Độ.
Softbank đã rót hơn 10 tỷ USD vào Didi nhưng sau 2 năm, hãng gọi xe Trung Quốc đã đánh mất niềm tin từ giới đầu tư. Tháng 1, ngay trước khi virus ập đến, cổ phiếu Didi đã giao dịch thấp hơn 40% so với thời điểm giá trị cao nhất.
CEO Grab là Anthony Tan thì cảnh báo vào tháng trước rằng dịch Covid-19 đã tạo ra thách thức đáng kể cho công ty và khiến họ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc cắt giảm nhân sự và quản lý vốn. Grab đang nỗ lực bù lỗ bằng mảng giao đồ ăn. Softbank đã đầu tư 3 tỷ USD vào công ty này.
Oyo – dịch vụ đặt khách sạn là ví dụ khác cho thấy Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề thế nào tới danh mục đầu tư của Son. Chỉ 1 năm trước, tỷ phú này đã tuyên bố nhà sáng lập Oyo là một trong những doanh nhân ngôi sao được Softbank chống lưng. Son đã rót 1,5 tỷ USD vào công ty và khuyến khích nhà sáng lập trẻ tuổi nỗ lực để trở thành đơn vị hoạt động khách sạn lớn nhất thế giới tính về phòng khách sạn.
Công ty Ấn Độ đã mở rộng nhanh chóng bằng việc đảm bảo doanh thu cho các khách sạn mà họ ký kết hợp tác. Nhưng hiện nay, Oyo phải tạm ngưng hoạt động trên toàn thế giới và cho nghỉ hàng nghìn nhân sự. Du lịch đã bị ngưng trệ khiến các phòng khách sạn ở khắp nơi trống không.
Mặc dù trên thực tế, các nhà đầu tư mạo hiểm xác định có thể mất nhiều, thậm chí là tất cả các khoản đầu tư của họ nhưng quỹ Vision Fund đặt một dấu hỏi lớn bởi quy mô khổng lồ lên tới 100 tỷ USD của họ.
Những sai lầm liên tiếp đã khiến danh tiếng của Son – người đã biến khoản đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba trở thành số tiền trị giá 130 tỷ USD sau 20 năm bị ảnh hưởng nặng nề.
Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi Son chọn hướng kinh doanh sai lầm cho Vision Fund. Khoảng 40 tỷ USD vốn của quỹ này đến từ việc bán cổ phần ưu đãi với cam kết trả lãi 7%/năm với bất kể các khoản đầu tư có lãi hay không. Năm tài chính vừa qua, Vision Fund phải trả 860 triệu USD tiền lãi.
Tháng 2 vừa qua, Son nói rằng: “Sau một mùa đông lạnh giá bao giờ cũng đến mùa xuân. Tình hình đang thay đổi rồi”. Thế nhưng, cùng ngày hôm đó là lúc mà Tổ chức Y tế thế giới đặt tên chính thức cho đại dịch kinh hoàng đang càn quét cả thế giới: Covid-19!
Theo Bloomberg Businessweek