Sổ tay Startup: Những điều khoản cốt lõi cần lưu ý khi đàm phán với nhà đầu tư
Sau khi startup và nhà đầu tư (NĐT) thống nhất về số tiền đầu tư thì bước tiếp theo là ký kết hợp đồng/thỏa thuận. Có một số điều khoản cốt lõi trong các thỏa thuận đầu tư mà startup cần lưu ý khi đàm phán như sau.
- Vấn đề giải ngân:
Giải ngân vốn đầu tư là một trong những vấn đề được Startup quan tâm nhất, theo đó, các bên cần thống nhất các câu hỏi sau:
- Tiến độ giải ngân như thế nào?
- Các cam kết, đảm bảo về việc giải ngân vốn của NĐT ra sao?
- Vốn đầu tư được đưa vào Startup dưới hình thức nào?
- Nếu NĐT không hoàn tất việc giải ngân mà rút lui, cách thức xử lý ra sao?
- Quyền tiếp cận thông tin:
NĐT luôn mong muốn được tiếp cận, minh bạch hóa mọi thông tin về Startup, kể cả bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, sẽ có gì để đảm bảo cho Startup về việc NĐT không sử dụng thông tin này vào mục đích khác? Các thỏa thuận về những loại thông tin nào sẽ được cung cấp, chủ thể nào được quyền cung cấp, biện pháp xử lý nếu tiết lộ … là điều cần thiết. Thậm chí các bên thỏa thuận về lộ trình cung cấp và tiếp cận thông tin tương ứng với từng vòng gọi vốn, từng đợt giải ngân để đảm bảo “luật chơi”.
- Điều khoản về sở hữu trí tuệ:
Tầm quan trọng của các tài sản trí tuệ có thể nói là mang tính chất sống còn đối với một Startup. Do đó, việc xác lập quyền sở hữu hợp pháp với những tài sản này trước thời điểm tiếp nhận vốn là vô cùng cần thiết. Các bên đồng thời sẽ thống nhất về việc quyền sở hữu sẽ thuộc về ai (cá nhân/tổ chức), việc chuyển nhượng quyền sở hữu (nếu có yêu cầu) sẽ được thực hiện như thế nào sau khi nhận vốn.
- Chống pha loãng (Anti-Dilution):
“Pha loãng” là cách nói bình dân về việc tỷ lệ sở hữu vốn của cổ đông (bao gồm cả NĐT cũ) giảm đi khi có NĐT mới. Hầu hết, các NĐT đều mong muốn việc chống pha loãng đối với tỉ lệ cổ phần mình nắm giữ hoặc nắm quyền chấp thuận gọi vốn vòng tiếp theo cho Startup.
Tỉ lệ sở hữu cổ phần cũng là một trong những nhân tố quyết định đến việc kiểm soát và chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Nếu không thỏa thuận rõ ràng, tỉ lệ sở hữu của sáng lập viên hoàn toàn có thể bị “pha loãng” đến mức tỷ lệ không còn đủ quyền thông qua bất kỳ vấn đề nào và trở thành “vai phụ” của “cuộc chơi”. Vì lẽ vậy, họ cần đàm phán với NĐT về thời hạn chống pha loãng và điều kiện – chủ thể quyết định việc huy động vốn ở vòng gọi vốn tiếp theo.
- Thoái vốn:
Thông thường, nhà đầu sẽ áp đặt điều khoản về quyền ưu tiên thoái vốn để bảo đảm quyền ưu tiên thoái vốn hoặc tiếp tục đầu tư. Nếu xét thấy khả năng việc thoái vốn này hoàn toàn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ kinh doanh, khả năng chi trả của Startup – đặc biệt nếu NĐT thoái vốn quá sớm, Startup cần làm rõ vấn đề này ngay từ đầu. Các điều kiện tiên quyết cần các bên đàm phán như:
✔Thời hạn được phép thoái vốn;
✔ Điều kiện nào để NĐT được phép thoái vốn;
✔ Cách thức tiến hành mua lại/chuyển nhượng khi thoái vốn;
✔ Các nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả khi NĐT thoái vốn khỏi Startup (kể cả các nghĩa vụ về thuế).
- Cam kết sáng lập viên:
Đây là thỏa thuận pháp lý giữa các sáng lập viên trước đây, thường được NĐT yêu cầu cung cấp. Trên cơ sở nội dung cam kết này, NĐT có thể yêu cầu điều chỉnh, bổ sung hoặc thậm chí yêu cầu chấm dứt những thỏa thuận theo cam kết này để phù hợp với mục đích đầu tư của họ. Vì vậy, trong quá trình đàm phán và thẩm định đầu tư, các bên nên minh bạch và thống nhất để tránh các mâu thuẫn giữa cam kết “mới” và cam kết “cũ”.
Câu hỏi rất nhiều người đặt ra là – “Bút đã sa… liệu gà có chết hay không?” – Vì thông thường theo luật là như vậy! Lỡ ký rồi thì sau này không sửa được và chấp nhận theo đó. Tuy nhiên nhiều trường hợp không hẳn là vậy!
Nguyên tắc đầu tư là hai bên cùng hướng đến sự phát triển và có lợi cho nhau, nếu các điều khoản và văn bản có khác đi với nguyên tắc đầu tư thì Startup nên đề xuất điều chỉnh. Dù không dễ dàng nhưng cứ hãy thỏa thuận với NĐT vào từng thời điểm./.
Hàn Mai