Sinh viên khởi nghiệp: Loay hoay tìm “bà đỡ”
Khởi nghiệp là ước mơ của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, để biến ước mơ đó thành sự thật là quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức lẫn kinh nghiệm…
Bên cạnh đó còn là sự may mắn khi tìm được “bà đỡ” tận tâm, tận tụy với ý tưởng khởi nghiệp của giới trẻ.
Trường ĐH nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Trong các trường ĐH – CĐ sớm hình thành không gian khởi nghiệp cho sinh viên, Trường ĐH Kinh tế TPHCM là đơn vị có đầu tư bài bản và chỉn chu nhất.
Nhà trường thành lập Viện đổi mới sáng tạo, để hằng năm tuyển chọn các dự án khởi nghiệp của sinh viên, kể cả dự án của sinh viên trường khác nhằm kết nối với doanh nghiệp, gọi vốn đầu tư, cũng như hỗ trợ, phát triển ý tưởng thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tương tự, hai năm gần đây Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF) cũng xây dựng được không gian đổi mới, ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên trường mình thông qua cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh – Business Ideas”.
Cuộc thi được nhà trường tổ chức hằng năm để tìm ra ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp xuất sắc của sinh viên, từ đó hỗ trợ, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia triển khai vào thực tế.
Theo ông Đỗ Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị UEF, cuộc thi Business Ideas mang đến sân chơi bổ ích, lý thú, vừa có tính thực tiễn gắn với cơ hội nghề nghiệp và khởi nghiệp của sinh viên, đồng thời hưởng ứng Phong trào Quốc gia khởi nghiệp.
Quan trọng hơn, qua cuộc thi, nhà trường mong muốn hình thành và xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp cho sinh viên.
Sinh viên cần “bà đỡ”
Có ý tưởng nhưng khi bắt tay vào thực hiện, hầu hết người khởi nghiệp gặp hết lúng túng này đến lúng túng khác. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của sinh viên với các dự án khởi nghiệp là việc thiếu hụt nguồn vốn, bên cạnh đó kỹ năng quản lý, tiếp cận thị trường chưa thành thạo.
Dự án khởi nghiệp từ món Tàu hũ (đậu hũ) của doanh nhân Đinh Tuấn Ân (cựu SV Trường ĐH Ngân hàng TPHCM) là ví dụ điển hình. Ý tưởng kinh doanh và nâng tầm món ăn dân dã là Tàu hũ của người Việt nảy sinh trong đầu Đinh Tuấn Ân từ khi anh là sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM.
Tuy nhiên, 2 năm sau ý tưởng kinh doanh của anh mới có thể triển khai vì không có nguồn vốn đầu tư ban đầu (khoảng 100 triệu đồng).
Để khởi nghiệp, Tuấn Ân quyết định tạm dừng việc học để đi làm, tích lũy kinh nghiệm và vốn kinh doanh. Thất bại ngay lần đầu khởi nghiệp, Tuấn Ân tiếp tục xoay xở để có vốn. Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi và thay đổi, sau 8 năm anh thành công với dự án khởi nghiệp của đời mình bằng một chuỗi cửa hàng kinh doanh món ăn dân dã với thương hiệu “Tàu hũ HAT” có mặt khắp các quận, huyện của TPHCM.
Thực tế, không có công thức cố định nào cho quá trình khởi nghiệp thành công. Bởi mỗi sinh viên có một ý tưởng, khát vọng và hướng đi khác nhau. Vì vậy, muốn khởi nghiệp, sống được và “đi được” bằng ý tưởng của mình, mỗi cá nhân phải liên tục cải tiến, sáng tạo.
Theo các chuyên gia, để giải quyết các vấn đề sinh viên đang vướng mắc bắt buộc phải có sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp lớn và nhà trường.
Ông Trần Trí Dũng – cán bộ Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) nhìn nhận: Tầm quan trọng của mối quan hệ giữa 3 chủ thể trên thực sự là nhu cầu rất lớn với từng sinh viên khi thực hiện khởi nghiệp. Để khởi nghiệp thành công ngoài yếu tố may mắn, nền tảng tri thức, kỹ năng và đặc biệt là ý tưởng mới mẻ, kinh nghiệm về kinh doanh, quản lý, điều hành là hành trang không thể thiếu với mỗi sinh viên khi bắt đầu khởi nghiệp.
“Khối kiến thức nền tảng này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về sản phẩm, thị trường, công nghệ, nhân lực, tài chính, chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm như quản lý thời gian, giao tiếp, đàm phán, thuyết phục cũng vô cùng quan trọng vì nó là chìa khóa thành công cho quá trình startup của từng sinh viên” – ông Dũng chia sẻ.
Nhìn nhận việc khởi nghiệp không hề dễ dàng, đặc biệt với sinh viên, TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Sinh viên học, gặt hái được sau các cuộc thi khởi nghiệp là gì mới thật sự quan trọng. Bởi sau mỗi cuộc thi, cuộc gọi vốn thất bại, điều quan trọng nhất, cần nhất làm nền tảng cơ bản cho thành công sau này chính là đam mê và lửa nhiệt huyết các em cần phải có và gìn giữ.
“Ý tưởng mới là tốt, nhưng không đủ khát khao, kiên trì, sinh viên khởi nghiệp chắc chắn sẽ đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Điều quan trọng nữa là ý tưởng khởi nghiệp ấy phải đi vào cuộc sống.
Vì vậy, khi có ý tưởng kinh doanh, để khởi nghiệp, các em cần phải xác định ý tưởng đó có phù hợp với sở thích và khả năng của mình hay không, từ đó, phác thảo sơ bộ và lập mục tiêu, kế hoạch rõ ràng để biến ý tưởng thành việc kinh doanh thực tế. Thậm chí, khi có kế hoạch cụ thể, sinh viên có thể kêu gọi các nhà đầu tư cho ý tưởng kinh doanh của mình” – TS Trần Đình Lý nói.
Giá trị ý tưởng khởi nghiệp ở chỗ có thể đưa vào thực tiễn được hay không. Hiện nay, ý tưởng mới hoàn toàn rất hiếm, bởi hầu hết đều có người đã và đang thực hiện. Vì thế, các bạn SV không nên quá “ảo tưởng” về tính độc tôn của ý tưởng mà phải tập trung hiện thực hóa ý tưởng đó, tạo nên thành công và khác biệt so với những người khác có chung mục tiêu. – Ông Phạm Anh Đức – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty CP Vicare