Theo Shark Dzung Nguyễn các yếu tố nhằm đánh giá một startup phải bắt đầu từ ngành, con người, thời điểm và cuối cùng mới là mô hình kinh doanh (business model).

Từ năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thu hút vốn tăng mạnh, cho thấy trào lưu đầu tư vào khối doanh nghiệp này. Theo báo cáo Topica Founder Institute (TFI), lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016-2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD.

Trong đó, một phần không nhỏ vốn đầu tư đến từ các quỹ ngoại. Báo cáo từ ESP Capital và Cento Ventures cho biết, giai đoạn 2017 – 2018, Việt Nam nhận được vốn chủ yếu từ Singapore và Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay khởi nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ các quỹ Hàn Quốc, khi số vụ rót vốn tăng 30%.

Có thể coi đây là một tín hiệu tích cực với cộng đồng startup Việt Nam, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những điểm yếu tồn tại. Shark Dzung Nguyễn – Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan nhận định: “Thời gian gần đây, có nhiều nhà đầu tư quốc tế đã đến thị trường Việt Nam ‘săn mồi’, khiến mức giá đưa ra cho các startup khi họ gọi vốn cao hơn mức bình thường”.

Nhà đầu tư này chỉ ra, các startup Việt đang mắc căn bệnh chung là định giá không giống ai. Nói cách khác là định giá doanh nghiệp qua “giấc mơ” của các nhà sáng lập. Vị cá mập từng tiết lộ, khi CyberAgent đang theo đuổi một startup, thì hay tin có một quỹ nước ngoài và một công ty trong nước cũng tham gia với mức giá đề nghị cao hơn 1,5 lần.

“Những vấn đề này xoay quanh câu chuyện cung và cầu. Có bao nhiêu nhà đầu tư sẵn sàng mua startup của bạn? Và nếu có nhiều nhà đầu tư nhảy vào cuộc chơi, chúng ta liệu sẽ bán được giá cao hơn?”, ông nói.

Theo Shark Dzung Nguyễn, startup chọn nhà đầu cũng giống như cô gái chọn chồng. Trước khi chọn được nhà đầu tư lý tưởng trong số rất nhiều các nhà đầu tư đang theo đuổi, startup nên tự mình đặt câu hỏi, liệu đối tác đó có thể đi chung cả một chặng đường dài hay không. Ông cho rằng, chọn nhà đầu tư là chọn đối tác sẽ đi cùng startup những năm tiếp theo, thay vì chỉ nhìn vào số tiền đang có.

“Cũng như thế, các startup sẽ phải tự hỏi mình, ngoài tiền thì nhà đầu tư còn có thể mang lại cho mình những giá trị cộng thêm nào? Sau khi tiêu hết tiền thì sẽ ra sao? Đó là những điều các bạn cần lưu ý hơn là việc mình đang được định giá bao nhiêu”, Shark Dzung Nguyễn nhắc nhở.

Trải qua hơn 10 năm đầu tư tại Việt Nam với 25 – 30 công ty, vị cá mập chia sẻ ông cũng từng thất bại, với hai lý do nhìn sai người và sản phẩm đưa ra không đúng thời điểm. Ông đánh giá cao sự thông minh và nhiệt huyết của startup Việt Nam. Một số người rất giỏi trong việc phát triển sản phẩm mà họ được giao, tuy nhiên lại chưa đáp ứng được yêu cầu việc tự nghĩ ra, hiện thực và phát triển một sản phẩm.


Shark Dzung Nguyễn – Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan

Từ đây, mỗi nhà đầu tư đều có những quan điểm và cách lựa chọn startup khác nhau. Riêng với Shark Dzung, ông chỉ ra 4 yếu tố nhằm đánh giá một startup, bắt đầu từ ngành, con người, thời điểm và cuối cùng mới là mô hình kinh doanh (business model).

“Thị trường phải đủ lớn, khi đó mình chỉ cần cưỡi sóng là đi lên. Nếu thị trường rất nhỏ, mình cố gắng bao nhiêu cũng không đạt được những gì mình mong muốn”, ông nói.

Thứ hai là con người. Có ý kiến cho rằng ý tưởng đó chẳng có gì mới, tại sao công ty đó lại thành công, vì họ gặp may?

Quan trọng là một đội ngũ có khả năng thực thi, và founder có sẵn sàng lắng nghe hay không, có sẵn sàng dùng các KPI để làm thước đo đánh giá hay không vì mọi thứ phải được định lượng bằng các thông số chỉ tiêu và phải có lịch sử để kiểm chứng. Thông qua đó mới biết khả năng startup này có thành công hay không.

Thứ ba theo vị cá mập là yếu thời điểm. Shark Dzung Nguyễn dẫn chứng thời kỳ năm 2009 khi mạng xã hội bùng nổ các social game phát triển rất mạnh, có những công ty sau một năm giá trị được định giá lên tới hàng trăm triệu USD.

Như trường hợp của Tumblr, mạng xã hội thu nhỏ ở thời điểm năm 2013 bán cho Yahoo với giá 1,1 tỷ USD, sau đó Tumblr bị bán lại cho Automattic (chủ sở hữu của WordPress) với giá dưới 3 triệu USD, điều này có nghĩa rằng ngay cả với các công ty tỷ USD thì chuyện thất bại luôn xảy ra thường trực.

Trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư sẽ đánh giá khoản đầu tư này sau 5,7 năm hoặc 10 năm có thu hồi vốn được hay không. Nếu định giá quá cao ở thời điểm ban đầu, ví dụ định giá công ty 50 triệu USD sau 10 năm lên 250 triệu USD, tức là gấp 5 lần.

Nhưng có một công ty định giá 2-3 triệu USD sau 10 năm tăng lên 30 triệu USD, gấp 15 lần thì ngay cả thời điểm ban đầu sản phẩm có thể chưa hoàn chỉnh nhưng nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vì nếu mất thì thiệt hại cũng nhỏ hơn rất nhiều nếu rót tiền vào các công ty bị định giá quá cao.

Việt Hưng

The Leader