Sau 4 năm bỏ phố lên núi khởi nghiệp, 9x đã có cả chục tỷ trong tay
Với sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ, 9x đã biến 5 triệu đồng vay mượn bạn bè thành số tiền hàng chục tỷ đồng chỉ sau 4 năm làm việc.
Tốt nghiệp trung cấp ngành Kỹ thuật cơ khí động lực tại Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng TP. HCM, Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1994, quê ở Bình Dương) cũng đi làm thuê một thời gian. Vào năm 2017, anh biết đến Măng Đen (thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) trong một lần đi du lịch cùng một người bạn tới đây. Vì thích khí hậu và cảnh quan nơi đây, anh đã quyết định nghỉ việc thành phố để trở về đây làm việc.
“Khi mới về Măng Đen, tôi chưa có định hướng hay kế hoạch gì, chỉ muốn lên đây đi làm và trau dồi thêm tiếng anh tại Le Plateau (trường dạy tiếng Anh ở Măng Đen). Nhưng khi ở đây 2 năm làm thuê, tôi nhận thấy nhu cầu khách lên đây ngày càng nhiều. Và Măng Đen cũng là nơi thích hợp để làm du lịch nghỉ dưỡng cho khách ở khắp nơi vào các ngày cuối tuần và các ngày lễ trong năm. Nhận thấy nhiều thuận lợi, tôi bắt đầu thuê 1 căn biệt thự để làm homestay khởi nghiệp vào cuối 2019”, anh nói.
Phạm Tuấn Anh bỏ phố về rừng Măng Đen để khởi nghiệp.
Không chỉ thế, anh còn nhận thấy cảnh quan và khí hậu nơi đây rất phù hợp cho mọi người nghỉ dưỡng, rất có tiềm năng du lịch. Chi phí thuê đất, thuê nhà còn rẻ, trong khi đó khách du lịch nhiều mà dịch vụ ăn uống, khách sạn còn thiếu… phù hợp với những bạn trẻ muốn khởi nghiệp khi chưa có nhiều vốn.
Với quyết định xách balo từ bỏ thành thị về rừng lập nghiệp, gia đình anh không phản đối mà chỉ sợ anh đi làm xa sẽ lâu mới trở về nhà. Anh cho biết bản thân rất biết ơn vì bố mẹ luôn bên cạnh ủng hộ và tin tưởng quyết định của anh.
Khi mới lên Măng Đen, anh lúc này trong tay chỉ có 5 triệu đồng mới vay mượn được bạn bè. Một thân một mình nơi đất khách, anh bắt đầu làm quen dần với cách sống, sinh hoạt và mọi người nơi đây. Mọi thứ không quá khó khăn, chỉ chưa thích hợp lắm với mùa mưa, không khí lạnh xuống 9 độ ở nơi đây.
Năm 2019, Tuấn Anh đã quyết định tự gây dựng sự nghiệp cho bản thân.
Được nhận vào làm ở một khách sạn tại đây, vừa làm vừa học hỏi, anh nhận thấy nhiều người lên Măng Đen du lịch có nhu cầu mua đất đầu tư, nghỉ dưỡng, làm khách sạn, homestay… Sau 3 tháng, anh quyết định xin cấp trên là tiếp tục làm những công việc hiện tại nhưng sẽ không nhận lương.
“Vì tôi nhận được nhiều tiền từ những vị khách của khách sạn mang đến nên từ chối nhận lương để góp 1 một phần tăng doanh thu cho công ty cũng như biết ơn công ty đã giúp và cho tôi cơ hội”, anh chia sẻ.
Mỗi ngày khi hoàn thành xong công việc ở khách sạn, anh có thời gian rảnh là sẽ đi khắp Măng Đen, tìm gặp các nhà dân nói chuyện và làm quen mọi người. Mục địch là xem những chủ đất kia là ai ở đâu, ai có đất muốn bán rồi thông báo lại cho các vị khách nhờ mình tìm những lô đất họ muốn.
Nhà hàng cà phê của anh ở Măng Đen.
“Làm việc như một “cò đất”, tôi cứ tìm và thương lượng với chủ đất rồi báo lại cho khách. Khách hàng ưng ý sẽ đến để ký hợp đồng mua bán. Mỗi lần hoàn thành công việc, chủ đất lại cho tôi từ 1-2% giá trị mảnh đất, có người cho luôn 10-20 triệu đồng.
Cũng có khách mua nhưng không có thời gian, họ uỷ quyền cho tôi làm luôn. Xong xuôi, tôi sẽ tới tận nhà họ để giao sổ. Thấy nhiệt tình, chịu khó lại nhanh nhẹn, họ thường cho tôi vài chục triệu, ít cũng 5-10 triệu. Có người chị còn cho tôi tận 300 triệu đồng vì tôi mua giúp chị mảnh đất giá 900 triệu năm 2019 và nay bán được 7 tỷ đồng”, anh chia sẻ.
Trong lúc làm “cò đất”, anh tích lũy được một số tiền trong tài khoản, cộng với đi vay thêm một ít từ gia đình, bạn bè để mua vài lô đất đẹp ở Măng Đen. Lúc đó, giá đất ở đây vẫn rẻ, mỗi lô chỉ 100-300 triệu đồng/lô.
Anh dự định thiết kế lại khách sạn vào năm sau để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.
Vừa mua vừa cắm sổ vào ngân hàng, anh tự nhận thấy bản thân mình “liều” nhưng vẫn tin vào quyết định của mình. Sau 2 năm tích luỹ, anh có số vốn nhất định và chuyển sang làm ăn để có thành tựu. Cuối năm 2019, anh quyết định bán hết đất (lúc này đất Măng Đen rất có giá) để đầu tư mua biệt thự làm khách sạn, nhà hàng, mua ôtô, mở công ty tại Măng Đen để phát triển mảng dịch vụ du lịch.
“Tôi mua 2 căn biệt thự: một căn vừa làm xong nhà hàng cà phê, một căn đầu năm sau sẽ xây dựng làm khách sạn. Ôtô thì tôi mua dùng để đưa rước khách từ sân bay, thăm quan Măng Đen và gặp gỡ đối tác… Tổng chi phí đầu tư nhà hàng cà phê và khách sạn khoảng 16,5 tỉ đồng, bao gồm vốn của tôi cùng một người bạn, một phần vay ngân hàng”, anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh vẫn làm một công việc khác để có thêm thu nhập, giảm áp lực tài chính trong thời gian này.
Vì khởi nghiệp đúng mùa dịch, nhà hàng của anh chủ yếu bán cà phê, chưa kinh doanh đồ ăn. Anh dự định sẽ thiết kế lại khách sạn vào đầu năm 2020 (sau Tết Âm lịch) để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.
THEO ANH THƯ
(Báo Dân Việt)