Rộng cửa đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo
Rủi ro của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) lâu nay thường khiến các nhà cung cấp vốn truyền thống e dè, song đây lại là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư mạo hiểm đổ vốn.
Những quy định mới tại Nghị định số 38/2018/NĐ-CP (NĐ38) quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) KNST vừa có hiệu lực đã mở thêm kênh huy động vốn mới cho hoạt động này.
Gỡ vướng cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mấy năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng vài chục doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước có đăng ký thành lập.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư trong nước như các công ty lớn, các nhà đầu tư cá nhân cũng có nhu cầu bỏ vốn đầu tư cho DN khởi nghiệp nhưng lúng túng trong việc thành lập quỹ, tổ chức hình thức đầu tư. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp KNST có nhu cầu huy động vốn ban đầu chưa gặp được dòng vốn tiềm năng này.
Tại Hội thảo Đầu tư cho DN KNST diễn ra ngày 14/8, tại Hà Nội, GS.TS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là những khái niệm được đề cập nhiều trong thời gian qua.
Để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho KNST, nhiều chính sách liên quan đã được ban hành, nhưng quá trình thực thi chưa được như mong đợi. Đơn cử như Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi có phong trào KNST diễn ra khá sôi động, bản thân Trường cũng có cả các DN ra đời để gọi vốn, song hiệu quả so với mong đợi còn rất xa, do có nhiều vướng mắc.
Về vấn đề này, ông Hồ Nghĩa Thứ, Chủ tịch Công ty CP Kiến tạo thành công và hạnh phúc – một DN KNST – cho rằng, bên cạnh ý tưởng hay để hấp dẫn nhà đầu tư thì điều quan trọng là các DN KNST Việt Nam vẫn còn thiếu kỹ năng quản lý nên việc gọi vốn không hề dễ dàng. Thừa nhận thực trạng này, nhiều DN khác có mặt tại Hội thảo cũng cho biết, họ không thiếu ý tưởng hay và họ cần được hỗ trợ nhiều hơn trong đào tạo nâng cao kỹ năng nhằm hiện thực hóa các ý tưởng KNST.
Thông tin tại Hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Trưởng phòng Tổng hợp và Chính sách – Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, nhằm hỗ trợ cho các DNNVV KNST, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực đầu năm 2018 đã có nhiều quy định tháo gỡ những vướng mắc trên.
Ngoài ra, những quy định tại NĐ38 đã mở thêm kênh huy động vốn mới cho hoạt động này. Điều quan trọng, theo bà Hương, là NĐ38 nhận diện và ghi nhận hoạt động đầu tư KNST là một ngành, nghề đầu tư kinh doanh; xác định địa vị pháp lý của các công ty KNST, quỹ đầu tư KNST mà hệ thống pháp luật hiện nay chưa quy định…
Bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, NĐ38 ra đời đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của DN với khung pháp lý rất cởi mở, thúc đẩy KNST. Rất nhiều nhà đầu tư khi thấy chính sách của Việt Nam bắt đầu khuyến khích đầu tư khởi nghiệp đã vào tìm hiểu.
Khơi thông dòng vốn
Đứng trước thực tế loay hoay tìm nguồn vốn của các DN KNST lâu nay, bà Trịnh Thị Hương nhấn mạnh, NĐ38 đã đưa ra các nguyên tắc chung, quy định khung làm cơ sở cho các nhà đầu tư góp vốn đầu tư cho KNST, góp phần khơi thông dòng vốn cho KNST thông qua việc khuyến khích thành lập các công ty đầu tư KNST, các quỹ đầu tư KNST, cơ chế sử dụng ngân sách địa phương cho KNST.
“Mặc dù chưa thể khơi thông tất cả các dòng vốn, nhưng đây là động thái đánh thức dòng vốn cho KNST”, đại diện Cục Phát triển DN nhấn mạnh và chỉ ra, việc thu hút đầu tư cho KNST bên cạnh phụ thuộc chính sách còn phụ thuộc lớn vào hệ sinh thái KNST có tốt hay không.
Thông tin thêm về việc gọi vốn của các DN KNST, bà Hương cho biết, trước khi có NĐ38, nhà đầu tư cho KNST chủ yếu dưới hình thức quỹ, chủ yếu là các quỹ ngoại, còn các nhà đầu tư trong nước hoạt động dưới hình thức công ty. Các nhà đầu tư trong nước muốn lập quỹ đầu tư KNST theo mô hình thông lệ quốc tế rất khó đáp ứng các điều kiện thành lập, yêu cầu của Luật Chứng khoán, và hầu như không tham gia đầu tư cho khởi nghiệp.
Đại diện Cục Phát triển DN thông tin thêm, NĐ38 hiện không có thông tư hướng dẫn. Do vậy, Bộ KH&ĐT vẫn đang bổ sung thêm mã ngành, nghề đầu tư KNST; ngành, nghề thực hiện quản lý quỹ đầu tư KNST. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, nhà đầu tư gửi văn bản tới Bộ KH&ĐT, các bộ chuyên ngành để được hướng dẫn.
Việt Anh – Báo đấu thầu