Quỹ đầu tư liên tục rót tiền ngay từ những ngày đầu năm cho Startup Việt
Dù năm 2020 vừa bắt đầu chưa được bao lâu, nhưng các công ty khởi nghiệp đã có một mùa gọi vốn thành công với số tiền lên đến hàng triệu USD.
Môi trường khởi nghiệp Việt Nam chứng kiến nhiều bước chuyển tiến mới và liên tục đạt được những con số đáng ấn tượng. Ngay từ những đầu năm 2020, đã có nhiều startup tên tuổi trong nước đi gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước với số tiền thuộc hàng khủng.
JupViec – thay đổi ngành giúp việc truyền thống
Đầu tháng 3/2020 vừa qua, JupViec gia nhập danh mục đầu tư của công ty Simple Tech Investment (STI) – công ty từng đổ vốn vào các startup như 24h.com.vn, AnyCar, 30Shine,… Chia sẻ về thông tin thương vụ trên Tech In Asia, Giám đốc đầu tư Trần Tuấn Tài của STI cho biết số tiền đầu tư lên đến hàng triệu USD và thương vụ cũng biến STI trở thành cổ đông lớn nhất của JupViec.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2012, JupViec là nền tảng công nghệ giúp kết nối người giúp việc và khách hàng cần người giúp việc qua phần mềm điện thoại. Khách hàng có thể tìm kiếm người phụ công việc nhà một cách nhanh chóng và ở chiều ngược lại, người làm nghề tạp vụ cũng chủ động hơn khi nhận được công việc.
Ý tưởng này được đánh giá đã thay đổi toàn bộ ngành giúp việc truyền thống khi áp dụng công nghệ trong tuyển dụng, đào tạo, quản lý người lao động; tạo ra một mô hình mới: giúp việc theo giờ thời công nghệ, giải quyết được hầu hết các khó khăn cho gia chủ; đồng thời người lao động cũng được sàng lọc, đào tạo đủ tiêu chuẩn trước khi cung ứng.
JupViec cho biết khoản tiền sẽ dành cho đào tạo nhân viên và cải thiện chất lượng dịch vụ. Startup này dự định nâng cao trải nghiệm trên ứng dụng, đa dạng hóa danh mục công việc như nấu ăn, ủi đồ, khử trùng virus, vệ sinh gia đình, bảo trì điện tử và dịch vụ quản gia.
Đối với người lao động tham gia giúp việc trên nền tảng, JupViec sẽ cung cấp nhiều cơ hội việc làm và các phúc lợi đi kèm, tăng tần suất đào tạo và đảm bảo thu nhập cho các thành viên thông qua nền tảng.
Waves với tham vọng phát sóng âm thanh
Cuối tháng 2, làng startup Việt nhanh chóng biết đến cái tên Waves nhờ thương vụ rót vốn 1,2 triệu USD ở vòng hạt giống từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, gồm Insignia Ventures Partners dẫn đầu cùng HustleFund, Skystar Capital và một số nhà đầu tư khác ở châu Á và khu vực Thung lũng Silicon.
Với số tiền này, Waves chia sẻ sẽ đẩy mạnh lĩnh vực audio và podcast ở thị trường Việt Nam trên Google Play và App Store, rồi nhanh chóng mở rộng sang các nước khác trong khu vực. Startup đặt mục tiêu sẽ trở thành nền tảng âm thanh hàng đầu trong khu vực với kho audio và podcast chất lượng.
Hiện tại, Waves hiện có hơn 30 chương trình tự sản xuất, 50 chương trình hợp tác cùng đối tác và hơn 500.000 chương trình đa dạng trên thế giới. Trước xu hướng các YouTuber làm vlog ngày càng nhiều, nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau mà không thể lên màn ảnh, vì thế Waves sẽ trở thành một nơi lý tưởng cho những người này.
.
Ngoài ra, nhu cầu nghe các buổi nói chuyện, hội thảo hoặc kể chuyện mà không cần nhìn màn hình là rất lớn. Hiện tại, người dùng vẫn giữ thói quen nghe trên YouTube và để màn hình chạy video. Spotify là một gã khổng lồ trong lĩnh vực này, hiện tại cũng đã có các chương trình podcast riêng.
Ứng dụng Waves đã được ra mắt vào 28/2 vừa qua như một bước đi quan trọng để kết nối các nhà sáng tạo nội dung, gia tăng số lượng người dùng và tiến nhanh ra thị trường khu vực. Ngoài Việt Nam, Waves cũng đang phát triển song song ở thị trường Indonesia và trong tương lai là cả khu vực Đông Nam Á.
Những cái tên triệu đô trong làng khởi nghiệp Việt
Trước đó vào năm 2019, nhiều startup với ý tưởng độc đáo cũng nhận được hàng triệu USD đầu tư từ các ông lớn, tạo nên một bức tranh rất sôi động cho làng khởi nghiệp Việt Nam.
Startup Utop nhận 3 triệu USD từ Tập đoàn FPT và Tập đoàn Dịch vụ tài chính SBI Holdings (Nhật Bản). Utop là phần mềm sử dụng công nghệ blockchain, hoạt động theo hình thức kết nối mạng lưới doanh nghiệp, quản lý, hoán đổi hệ thống điểm thưởng.
Utop sẽ giúp người tiêu dùng tích lũy và sử dụng điểm thưởng theo cách thức mới mẻ và sáng tạo tại các cửa hàng và doanh nghiệp trong mạng lưới này một cách thuận tiện và dễ dàng; qua đó, giúp các doanh nghiệp và cửa hàng nhỏ lẻ mở rộng và phát triển kinh doanh.
Hay trước đó nữa, Elsa Speak với số tiền đầu tư lên đến 7 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Gradient Ventures – quỹ chuyên dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) của Google. Tính đến nay, tổng số tiền huy động được của startup này là 12 triệu USD.
Hứa hẹn một năm 2020 đầy màu sắc
Dù chỉ mới 3 tháng đầu năm nhưng các startup Việt Nam đã chứng minh được bản thân mình với các nhà đầu tư. Trong năm nay, nhiều thương vụ triệu đô khác hứa hẹn sẽ được diễn ra.
Mới đây, Grab triển khai chương trình Grab Ventures Ignite nhằm “tiếp sức” cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu với số tiền đầu tư có thể lên đến 1 triệu USD.
Grab Ventures Ignite khuyến khích các startup công nghệ thông tin làm việc trong lĩnh vực di động, thực phẩm, thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính, logistics, thương mại điện tử hoặc AI tham gia.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng không đứng ngoài cuộc khi Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (SIHUB) đã có 3 năm ươm mầm cho các startup mới hoạt động và cho ra thị trường những doanh nghiệp mạnh, chất lượng.
Trong một khảo sát, chất lượng startup của Việt Nam đang ngày càng tốt hơn cả về ý tưởng lẫn chất lượng, tỷ lệ thành công của các startup trong nước dần cao hơn, rơi vào khoảng từ 36% đến 40%. Đây là con số khá cao trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, số vốn đầu tư cho các startup tại Việt Nam cũng tăng cao hơn qua các năm và đã tăng vọt lên từ 5 đến 7 lần. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng chứng kiến sự tăng lên đến 1,5 lần về các nhà đầu tư so với năm trước đó là 2018. Trong năm 2020 này, các con số sẽ tiếp tục tăng lên và tạo nên thị trường khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo đầy năng động.
Quang Niên