Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – nhìn từ Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)
Sau khi các chính sách hỗ trợ được ban hành, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đã “bùng nổ” trong hơn một năm qua, nhất là khu vực Đông Nam Bộ với trọng điểm là Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được hình thành, nhưng sự kết nối còn yếu, chưa tạo được “liên kết mạnh” để thúc đẩy hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Bài 1: Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Là trung tâm kinh tế – khoa học công nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cả nước. Bước đầu, Thành phố đã dần hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp, làm “bàn đẩy” đưa phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển.
Mô hình thành công
Để thúc đẩy khởi nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020, Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Kế hoạch hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã xác định mô hình phát triển kinh tế bền vững là theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chương trình và kế hoạch hành động, với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Các cơ chế, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan như: phát triển hạ tầng vườn ươm doanh nghiệp, kết nối nguồn lực; phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, ý tưởng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ; xây dựng văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng
Nổi bật nhất là hình thành mô hình Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Sihub) với khuôn viên rộng hơn 2.000 m2, đủ điều kiện để hỗ trợ thành lập và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây được xem là mô hình thành công về thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Thành phố.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang hình thành và phát triển từ cơ sở ươm tạo Sihub, Công ty TNHH Công nghệ Vihat hiện khá “hút khách”; trong đó, nổi bật là phần mềm TeraApp giúp quản lý và chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp. Sau hơn 1 năm triển khai, phần mềm này đã đạt hơn 10.000 khách hàng.
Ông Đinh Thái Hà, Giám đốc Công ty Vihat cho biết, phần mềm này là “tâm huyết” của nhóm kỹ sư Việt để khởi nghiệp. Có một số nhà đầu tư quan tâm, muốn đầu tư vào TeraApp nhưng Vihat chưa đồng ý mà muốn ổn định thời gian thêm nữa, rồi mới định giá. Ngoài phần mềm này, nhóm cũng đã nhận được nhiều “đơn đặt hàng” của các doanh nghiệp với các phần mềm công nghệ. Vihat cũng vừa chuyển giao phần mềm cho một tập đoàn lớn để chạy thử nghiệm và được đánh giá cao, nhằm chuẩn bị phát triển thêm lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ của tập đoàn.
Cùng với các chính sách tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm mở (Openlab) tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (CASE) ưu tiên hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hóa và vi sinh, có hợp tác với các mô hình Openlab khác của các doanh nghiệp như Microsoft, Bosch. Đây là mô hình thúc đẩy khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại.
Tạo đà từ đổi mới sáng tạo
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho ươm tạo và phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để phát huy vai trò của khoa học – công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội. Hoạt động đổi mới sáng tạo phải được triển khai đồng thời cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện hữu.
Trong năm 2017, hoạt động hỗ trợ hình thành và hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai tích cực với 638 dự án khởi nghiệp thông qua các hoạt động kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ không gian làm việc.
Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SpeedUp 2017) được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai rộng rãi, nhằm hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp.
Sau một năm triển khai, đã có 30/99 dự án (đạt 30,3%) hợp lệ được xem xét hỗ trợ với tổng kinh phí trên 22,4 tỷ đồng. Đây là tỷ lệ khá cao so với các chương trình hỗ trợ startup khác, thường chỉ ở 10 – 15%. Trong đó, 13 dự án được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Hà Thái, Giám đốc điều hành dự án khởi nghiệp Schoolbus, Chương trình SpeedUp đóng vai trò rất quan trọng, tạo bước đệm giúp cho các startup có thể tiến đến các mục tiêu lớn hơn trong tương lai. Nguồn hỗ trợ từ chương trình giúp công ty có điều kiện nâng cấp hệ thống, đảm bảo chất lượng các lớp học cũng như mở rộng quảng bá thương hiệu Schoolbus.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, giá trị doanh nghiệp khởi nghiệp tại SpeedUp 2017 vẫn còn thấp so với các startup cùng giai đoạn trên thế giới.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 66,7% doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá dưới 500 ngàn USD, chỉ có 3 doanh nghiệp được định giá trên 1 triệu USD.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho rằng, xét ở bề mặt rộng thì bước đầu Thành phố Hồ Chí Minh đã có được sự sôi động, nhưng chiều sâu còn phải phấn đấu nhiều.
Chưa thể “mơ mộng” có công ty khởi nghiệp được định giá hàng tỷ USD như ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ), nhưng phải có công ty hàng trăm triệu USD thì mới gọi là thành công. Hiện nay, một số doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ có giá trị khoảng vài chục triệu USD, nhưng cũng không nhiều.
“Điểm sáng” bước đầu về hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh là bước đệm, nền tảng quan trọng để hình thành hệ sinh thái cho khu vực Đông Nam Bộ.
Đây là vùng có nhiều tiềm năng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng chưa phát triển đồng đều và thiếu sự liên kết.
Tiến Lực – Báo Dân tộc và miền núi