Phải mở khóa và chấp nhận rủi ro để phát triển IoT
Cách tiếp cận coi IoT chỉ đơn thuần về công nghệ là chưa đầy đủ và toàn diện mà cần quan niệm IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ.
Chiều 24/10, Hội thảo Smart IoT Việt Nam 2018 đã diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo do Hiệp hội Internet Việt Nam và tập đoàn IEC đồng tổ chức. dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong bối cảnh của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Internet vạn vật (IoT) được coi là công nghệ đóng vai trò then chốt để nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo nghiên cứu của công ty Gartner, đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị sử dụng IoT, doanh số dự kiến là 437 tỷ USD. Các thiết bị này phần lớn sẽ chạy các thuật toán thông minh, kết nối tự động với các hệ thống, quản lý sản xuất và mô hình kinh doanh kiểu mới.
Tuy nhiên, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhận định thực chất IoT vẫn còn đang trong giai đoạn tiếp tục phát triển và hoàn thiện, còn nhiều vấn đề và thách thức cần nghiên cứu, giải quyết như khả năng tương tác và mở rộng, khả năng xử lý; vấn đề thiết kế, quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng đa quốc gia; vấn đề về tiêu hao năng lượng; đảm bảo an toàn thông tin…
Trong xu thế đó, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh cần có cách tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách phát triển IoT. Cách tiếp cận coi IoT chỉ đơn thuần về công nghệ là chưa đầy đủ và toàn diện mà cần quan niệm IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ. Dưới góc độ quốc gia, IoT phải thúc đẩy nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội thông minh.
Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Vấn đề đặt ra là cần có sự tư duy và cách làm mới trong việc đầu tư và phát triển IoT. Trước hết là xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, gỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN; đổi mới cơ chế tài chính nghiên cứu khoa học theo hướng chấp nhận tính rủi ro và độ trễ trong khoa học; trao quyền tự chủ tối đa cho các chủ thể và tạo điều kiện cho các viện, trường, doanh nghiệp được tiếp cận mạng lưới tri thức toàn cầu, thực hiện triết lý khoa học mở; người dân được tiếp cận và khai thác mọi thông tin liên quan đến đầu vào và đầu ra cho nghiên cứu khoa học và công nghệ.”
Ngoài ra, Nhà nước cần tạo ra được hệ sinh thái phát triển IoT trong đó có chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng các nền tảng IoT cốt lõi của quốc gia chứ không chỉ đơ thuần đi mua và ứng dụng công nghệ IoT, nhất là trong bối cảnh các hệ thống, nền tảng IoT còn do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn công nghệ, trong đó việc đầu tiên là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.
“Thường sự sáng tạo sẽ mang tính phá hủy cái cũ, chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, người sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. Khi đó cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm có thể xuất khẩu được. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác, đi cùng, đi sau người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam” – ông tiếp tục.
Ông Hùng nhấn mạnh, cách tiếp cận chính sách theo kiểu truyền thống “quản được thì mở, quản được đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng” không còn phù hợp. Cách tiếp cận mới mà nhiều quốc gia đang theo là cách tiếp cận sandbox. Theo đó những gì chưa biết quản thế nào thì cho tự phát triển nhưng trong không gian nhất định, thời gian nhất định để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng rồi mới ra các chính sách quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết chiến lược đến năm 2020, cơ bản mỗi hộ gia đình Việt Nam có một đường truyền cáp quang, mỗi người dân có một smart phone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quy hoạch đủ số điện thoại, đủ số địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT.
Phạm Sơn – Khampha.vn