Năm 2020, FinTech Việt Nam chứng kiến sự thay đổi lớn từ hai phân khúc Lending và Personal Finance. Personal Finance “thế chỗ” Lending và sự xuất hiện của các tay chơi mới.

1. Lending là gì?

Lending là một trong ba danh mục nằm trong lĩnh vực ký quỹ và cho vay (deposit and lending) của hệ sinh thái FinTech. Các công ty khởi nghiệp công nghệ trong danh mục này cung cấp các nền tảng cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng (P2P lending) mà không phụ thuộc vào các tổ chức tài chính truyền thống.

2. Personal Finance

Tương tự như Lending, Personal Finance cũng nằm trong lĩnh vực ký quỹ và cho vay của FinTech. Các công ty theo đuổi danh mục này sẽ tập trung vào việc hỗ trợ các cá nhân; hộ gia đình trong việc lập ngân sách cũng như quản lý các quyết định và hoạt động tài chính của họ.

3. Personal Finance “thế chỗ” Lending

Các công ty Lending trong hệ sinh thái FinTech Việt Nam 2019

Các công ty hoạt động trong phân khúc Lending của FinTech Việt Nam 2019

Đã từng một thời Lending nói chung, cho vay ngang hàng (P2P) nói riêng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng, bứt phá thúc đẩy tài chính toàn diện. Bởi các công ty P2P có lợi thế rất lớn khi cho vay qua nền tảng công nghệ, không bị hạn chế bởi rào cản địa lý. Thế nên, cơ hội mở rộng hoạt động đến tận khách hàng vùng sâu, vùng xa là điều hoàn toàn có thể làm được và khác biệt với mô hình truyền thống. Không những thế, sự phát triển, tiến bộ của công nghệ cũng giúp ích và trở thành công cụ đắc lực cho các công ty P2P vận dụng để thu thập, phân tích dữ liệu khách hàng, chấm điểm tín dụng, giải ngân…

Thế nhưng thực tế lại khác, nó mang đầy mảng màu tối, khiến Lending phải “nhường chỗ” cho danh mục Personal Finance.

Năm 2019, hành lang pháp lý của mô hình lending chưa chính thức khiến “trắng đen lẫn lộn”. Nhiều doanh nghiệp “đội lốt” công ty P2P để trá hình cho vay nặng lãi, hoạt động kinh doanh tín dụng đen khiến người dân sập bẫy vì không phân biệt được thật – giả.

Đến năm 2020, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, càn quét, dọn dẹp các doanh nghiệp trá hình P2P để cho vay nặng lãi này.

Bài báo về doanh nghiệp cho vay nặng lãi núp bóng công ty P2P

Không quá khó để bắt gặp những bài báo có thông tin triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi qua app núp bóng doanh nghiệp P2P

Thực tế đầy mảng tối

Cụ thể, theo báo Pháp Luật đưa tin, ngày 2/6/2020, công an ra quyết định phong tỏa và khám xét trụ sở công ty Cashwagon tại Q.1, HCM.

Theo ghi nhận, sau khi được sự phản ánh đây là đường dây tín dụng đen cho vay qua app công an đã tiến hành khám xét, kiểm tra giấy tờ và lấy lời khai của các đối tượng có liên quan.

Trước đó, công ty Cashwagon đã tự nhận mình là nhà cung cấp các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn dẫn đầu thị trường Việt Nam và bắt đầu mở rộng ở Châu Á. Trong khi theo thông từ website của chính đơn vị này lại cập nhật là chuyên bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh, thực hiện dịch vụ tư vấn… Hoàn toàn không có ngành nghề cho vay nào ở đây.

Không chỉ riêng Cashwagon, những cái tên ứng dụng Vaytocdo, Moreloan, VD online, ABLoan, VnCard cũng lần lượt bị sa lưới pháp luật.

Theo báo Tuổi Trẻ Online, thủ đoạn của chúng là duyệt khoản cho vay dễ dàng chỉ cần khách hàng cung cấp một số thông tin cá nhân cơ bản. Mỗi lần vay thành công, khách hàng không nhận đủ số tiền muốn vay mà phải trả lại cho chúng một khoản tiền gọi là tiền phí dịch vụ vô cùng đắt đỏ. Không những thế, nếu khách hàng trả chậm thời gian đã cam kết lại phải trả thêm một số tiền từ 2-5%.

Lãi suất “trên trời”

Như vậy, các đối tượng này đã cho vay với mức lãi suất gần 2.5%/ ngày, tương đương 17.5%/tuần, 75%/tháng và 912.5%/năm. Trong khi đó, căn cứ vào Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:

Khoản 1: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

  • Nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…
  • Riêng trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Khoản 2: Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Với lãi suất vay cao ngất ngưỡng, các đối tượng này đã đẩy số tiền lãi lên đến vài chục, thậm chí là vài trăm triệu đồng khi thực tế khách hàng chỉ vay vỏn vẹn vài triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, khi không trả đúng hạn, các “chủ nợ” này còn cho nhân viên gọi đòi nợ “khủng bố” tinh thần những người đi vay. Gọi điện chửi bới, đe dọa tính mạng, ghép ảnh, đăng thông tin sai lệch lên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để bêu riếu, đe dọa tính mạng người thân con nợ. Đó là những thủ đoạn mà chúng dùng để ép người vay trả nợ. Thậm chí, chúng còn dồn họ đến đường cùng khiến người vay phải tự tử như trường hợp giảng viên một trường cao đẳng tại Kiên Giang được báo chí đưa tin.

Kẻ đứng sau

Thực tế cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng đen “đội lốt” app cho vay này được dẫn dắt bởi các băng nhóm đến từ Trung Quốc.

“Viết ra một app cho vay không quá 2 tỷ đồng là thực hiện được và Trung Quốc đang rất giỏi trong triển khai việc này. Tín dụng đen vay qua app ở Việt Nam, người chủ phần lớn là người nước ngoài là Trung Quốc và Nga. Và tình trạng này cũng xuất hiện ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á”, lãnh đạo cao cấp một công ty Fintech cho biết.

Đó là những lý do mà chúng ta thấy trong thống kê hệ sinh thái FinTech Việt Nam 2020, các công ty cung cấp những giải pháp tài chính cho các cá nhân được liệt kê trong danh mục Personal Finance thay vì liệt kê trong danh mục Lending như năm 2019.

công ty Personal Finance

Danh sách 19 công ty Personal Finance trong hệ sinh thái FinTech Việt Nam 2020

Tuy nhiên, mọi người cũng cần hiểu rõ là không phải không vay qua app và không phải hoạt động vay qua app nào cũng xấu. Các doanh nghiệp P2P nghiêm túc hoạt động sẽ là mảnh ghép rất cần thiết để bổ khuyết cho tín dụng ngân hàng, công ty tài chính. Những khách hàng vùng sâu, vùng xa được mở rộng cơ hội tiếp cận đến vấn đề tín dụng, tài chính một cách dễ dàng hơn

4. Sự xuất hiện cả các “tay chơi” mới trong danh mục Personal Finance

“Tay chơi” đầu tiên phải kể đến đó là Toss, một “kỳ lân” Fintech tỷ đô của Hàn Quốc. Số tiền mà Toss đã huy động được lên tới 434,2 triệu USD. Vừa qua, Toss đã hợp tác cùng CIMB triển khai dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Theo đó, người dùng có thể mở thẻ ngân hàng CIMB ngay trên ứng dụng Toss.

Chị Lê Hiền Trang, Director of Marketing & Partnership, Ngân hàng CIMB Việt Nam cho biết:

“Hợp tác với các công ty FinTech là bước đi cần thiết của ngân hàng trong thời đại kỹ thuật số. Hầu hết các ngân hàng đều hiểu rằng trải nghiệm tích cực xuyên suốt và sự gắn kết trực tiếp là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng để gia tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng. Trong khi đó, nâng cao hiệu suất của các hoạt động back-end sẽ là cả một hành trình dài. Đó là lý do tại sao CIMB quyết định hợp tác với các Fintech trong giai đoạn lớn mạnh như Toss để quy hoạch, định hướng chiến lược và cải tiến một cách sáng tạo các nền tảng tài chính mở chúng tôi.”

“Mô hình hợp tác hiệu quả giữa Ngân hàng và Fintech đòi hỏi quá trình trưởng thành về nhân sự, định hướng kinh doanh và đổi mới quy trình của cả CIMB Vietnam và đối tác. Những FinTech trong giai đoạn mở rộng quy mô có thể tăng hiệu quả tiếp cận và giá trị sản phẩm dựa trên chuyên môn và bí quyết xây dựng trải nghiệm khách hàng của họ. Còn với CIMB, chúng tôi có thể áp dụng khả năng phân phối, sự tín nhiệm và chuyên môn tài chính ngân hàng của mình để tối ưu hóa chiến lược kinh doanh cùng lúc đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.”

Vui App là một “tay chơi” khá nặng ký tiếp theo xuất hiện trên thị trường và tham gia vào phân khúc Personal Finance này. VuiApp được thành lập bởi ông Đặng Việt Dũng – TGĐ ZaloPay cùng một đội ngũ dày dặn kinh nghiệm.

Bài viết tham khảo thông tin từ Tinnhanhchungkhoan.vn, CBInsight; Tuổi trẻ; Thanh Niên.

Thanh Nhị