Nuôi con đặc sản sểnh ra là bay lượn như chim, anh nông dân Long An bán 1.300 con, thu 450 triệu
Sau mấy năm nuôi le le thử nghiệm mô hình của anh Nguyễn Công Thân, bí thư chi đoàn ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, (tỉnh Long An) bước đầu cho hiệu quả khả quan.
Mô hình nuôi le le thương phẩm của anh Nguyễn Công Thân, bí thư chi đoàn ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, (tỉnh Long An). Để con le le không bay mất, anh Thân cắt cánh và xung quanh chuồng rào bằng lưới.
Anh Thân cho biết, cơ duyên anh đến với nghề nuôi le le là do nhìn thấy trên ti vi và tại địa phương cũng có người đi bắt loài chim hoang dã này.
Qua tìm hiểu anh biết le le là loại vật có giá trị cao, chưa được nuôi phổ biến, lại thêm đầu ra le le ổn định. Mặc khác, việc nuôi le le cũng dễ như gà, vịt nên anh đã đầu tư vốn thực hiện mô hình vào năm 2017.
Nguồn le le giống được anh Thân thu mua chủ yếu ở Campuchia.
Do le le sống hoang dã nên số lượng mỗi lần mua không nhiều chỉ vài chục con le le, mỗi con le le có trọng lượng từ 450 – 550gram, được anh mua về với giá từ 230.000– 270.000 đồng/con.
Để hạn chế khả năng bay rất tốt của le le, anh Thân phải cắt cánh và bao lưới xung quanh chuồng nuôi để đảm bảo số lượng đàn không bị thất thoát.
Trong quá trình nuôi con le le, anh thấy le le ít bị bệnh nên không cần dùng nhiều thuốc kháng sinh.
Tùy vào giá trên thị trường mà anh canh bán le le đúng thời điểm. Do đó, có lứa le le anh chỉ nuôi 1 tháng đã bán, có lứa nuôi đến 6 – 8 tháng mới bán ra thị trường.
Thức ăn của le le chủ yếu là lúa, rau muống, lục bình…nên thịt le le rất ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Vì thế, le le thương phẩm bán rất chạy trên thị trường.
Anh Nguyễn Công Thân đang cho le le ăn. Thức ăn của con le le là chủ yếu là lúa, rau muống, cây lục bình…
Qua gần 2 năm nuôi mô hình le le anh Thân đã bán được 2 đợt với 1.300 con, anh thu được 450 triệu đồng. Trong đó, đợt 1 với 600 con le le anh bán với giá 300.000 đồng/con và đợt 2 anh với 700 con anh bán với giá 400.000 đồng/con. Trừ các chi phí anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Anh Thân còn cho biết, có thời điểm le le ở giá rất cao là 500.000 đồng/con. Le le mắc nhất là vào thời điểm tháng 4 đến tháng 7.
Thị trường thu mua le le chủ yếu ở Trung Quốc. Hiện tại, chuồng le le nhà anh Thân còn khoảng 600 con cũng đang chờ giá để bán.
Chính việc lấy công làm lời, anh Thân để chăn nuôi về le le lâu dài trong thời gian tới anh Thân đang nghiên cứu tính đến chuyện cho con le le sinh sản.
Với ý chí, quyết tâm làm giàu của thanh niên trong thời đại mới, tin tưởng rằng anh Thân không chỉ ngày càng làm giàu từ mô hình nuôi le le mà còn sẽ nghiêm cứu tìm ra nhiều hướng đi mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương.
THEO KIM TIẾN – TẤN HỮU, Cổng TTĐT Đài PTTH tỉnh Long An
(Báo Dân Việt)