Pháp vừa bắt đầu bán đấu giá tần số vô tuyến với mong muốn có thể thu lại hàng tỷ euro để tạo điều kiện cho việc triển khai công nghệ mạng 5G.

Tổng thống Pháp – Emmanuel Macron thúc đẩy chương trình quốc gia khởi nghiệp

Mặc dù các nhà hoạt động và các nghị sĩ cánh tả ở Pháp nỗ lực ngăn cản việc triển khai mạng 5G do lo ngại vấn đề sức khỏe và môi trường, song chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron vẫn thúc đẩy điều này bởi đây được coi là “bàn đạp” để hiện thực hóa mong muốn của đương kim Tổng Phá đưa đất nước thành quốc gia khởi nghiệp, nắm bắt các công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, giới chuyên gia cũng cảnh báo nếu Pháp tiếp tục chậm trễ và không thể bắt kịp “chuyến tàu cuối” này, hậu quả sẽ rất lớn.

Các nhà mạng Operators Orange, SFR, Bouygues Telecom và Free đang đấu thầu 11 khối tần số hiện chưa được sử dụng nhằm cung cấp dịch vụ mạng 5G tại một số thành phố của Pháp vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, phiên đấu giá chính sẽ diễn ra trong 10 ngày, sau đó phiên đấu giá thứ hai sẽ được tổ chức để xác định vị trí chính xác của các nhà khai thác trên mỗi băng tần.

Sử dụng một phần phổ sóng trong khoảng từ 3,4-3,8 GHz, công nghệ 5G mang đến một dải băng tần rộng hơn công nghệ 4G và cho phép lưu lượng chuyển tải dữ liệu nhanh hơn đến gấp 10 lần. Tuy nhiên, đây chỉ mới là sự khởi đầu. Công nghệ 5G sẽ còn cho thấy rõ sức mạnh của mình nhiều hơn khi dải băng tần 26 GHz, dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2023 tại Pháp.

Theo quan điểm của phe chủ trương công nghệ mới, mạng 5G được cho là sẽ mang đến một cuộc cách mạng công nghiệp. Việc có thể phân tích các dữ liệu tại một thời điểm thực tại cho phép xây dựng nhà xưởng hay kho bãi tự động hóa, cải thiện việc bảo trì các trang thiết bị, tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, hay nghĩ ra những thành phố “thông minh” có khả năng tối đa hóa các cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông trên bộ…).

Tuuy nhiên, nhiều người dân và giới chính trị tại Pháp tán đồng. Những người thuộc phe chỉ trích cho rằng sóng mạng 5G có hại cho sức khỏe cộng đồng bởi năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về bệnh ung thư từng xếp các tần sóng âm trong khoảng từ 30 kHz – 300 GHz vào diện yếu tố có thể gây bệnh ung thư cho con người. Bên cạnh đó, họ còn cho rằng mạng 5G có thể gây hại cho môi trường, nhất là khi khi ông Olivier Roussat, Chủ tịch hãng viễn thông Bouygues Telecom, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Điều chỉnh Lãnh thổ và Phát triển Bền vững, đã khẳng định: “Sau năm đầu tiên triển khai, tiêu thụ năng lượng của tất cả các hãng khai thác sẽ còn tăng lên đáng kể”. Ngoài ra, đối với những người giữ lập trường chỉ trích, mạng 5G sẽ không mang lại lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Về điểm này, giới chuyên gia nhìn nhận công nghệ mới 5G đúng là chỉ giúp cải thiện dịch vụ hiện có đối với công chúng và giải tỏa bớt áp lực tình trạng quá tải mạng viễn thông hiện nay. Theo các dữ liệu từ Cơ quan Điều phối Viễn thông Điện tử Pháp, tiêu thụ dữ liệu của người sử dụng tăng đều 40% mỗi năm.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng nước Pháp đang tụt lại trong cuộc đua công nghệ này. Thế hệ mạng viễn thông mới là thiết yếu, mang tính chiến lược cho khả năng cạnh tranh của nước Pháp. Quốc vụ khanh phụ trách mảng Kỹ thuật số ông Cedric O cảnh báo Pháp không thể bỏ qua mạng 5G nếu “muốn tái di dời các hoạt động sản xuất mang tính chiến lược và tái vũ trang nền kinh tế đất nước”. Theo ông, nếu không có 5G, Pháp sẽ bị mất đi tính hấp dẫn so với những nước đang được trang bị tốt hơn. Hậu quả là các nhà xưởng có nguy cơ sẽ phải di dời sang những nước khác để tận dụng bước vọt kỹ thuật do 5G mang lại. Do vậy, đối với Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, đây còn là “một thách thức về tính cạnh tranh và chủ quyền công nghệ” của đất nước.

Chính phủ Pháp dự tính việc rao bán các băng tần sóng 5G sẽ mang về một nguồn thu đáng kể 2,17 tỷ euro (khoảng 2,6 tỷ USD) trong lúc ngân quỹ đang bị thâm hụt ngày càng nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh COVID-19.

Có trên 10 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu triển khai các dịch vụ 5G, song các nước châu Á được đánh giá là phát triển vượt trội hơn. Le Monde dẫn phân tích của Idate, Viện nghiên cứu chuyên ngành, cho rằng nước Pháp phải tăng tốc nếu không muốn phụ thuộc quá nhiều vào các cường quốc khác.