Lọt vào danh sách 30 Under 30 Forbes Việt Nam, gọi vốn thành công 500.000 USD từ ESP Capital, Hà San bỗng chốc trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, cô gái trẻ cho rằng, danh tiếng không đồng nghĩa với thành công.

Đạt được đột phá khi vật lộn tìm cửa sống vì Covid-19

Nguyễn Thị Thu Hà (Hà San), đồng sáng lập kiêm CEO MindX, không còn là cái tên xa lạ trong cộng đồng startup Việt Nam. Khởi nghiệp từ năm 19 tuổi, Hà là nhân vật nữ lọt top 30 Under 30 Forbes Việt Nam, gọi vốn thành công 500.000 USD từ ESP Capital cho startup giáo dục có tên MindX mà mình là đồng sáng lập.

Hơn 1 năm sau khi “startup con nhà nghèo” như cách gọi của Hà nhận được khoản đầu tư nửa triệu USD, cô gái trẻ cho biết MindX đã có bước phát triển ấn tượng. Tuy nhiên, biến cố Covid-19 bùng lên khắp thế giới trong năm 2020 đã khiến Hà chia quá trình phát triển của MindX ra 2 giai đoạn khi “thế giới đã khác đi rất nhiều do đại dịch Covid-19”.

Trong năm 2019, sau khi nhận vốn, MindX đã ngay lập tức mở rộng theo mô hình lõi là Little Silicon Valley, kết hợp trường học công nghệ và không gian khởi nghiệp. Trong năm 2019, MindX đã mở rộng từ 1 lên 5 cơ sở ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với 8.500 học sinh. Bên cạnh đó, MindX cũng nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm mới và được đón nhận.

Tiêu biểu trong số đó là khóa giáo dục dành cho 1 bạn chưa biết gì về lập trình nhưng sau 9 tới 12 tháng, MindX cam kết đầu ra với mức lương tối thiểu là 8 triệu. Chương trình này đã đón nhận rất nhiều bạn học viên đang theo học ở nhiều ngành nghề khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở những bạn đang học công nghệ thông tin.

Ngoài ra, MindX cũng tập trung vào xây dựng đội ngũ nhân sự. Bắt đầu từ con số 0 và dần được vun đắp trong suốt hành trình nhiều năm, bộ máy nhân sự của MindX thực sự được đầu tư phát triển sau khi nhận 500.000 USD tiền đầu tư.

Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt lớn. Biến cố Covid-19 là điều không ai ngờ trước được. Ngành giáo dục nói chung và MindX nói riêng có lúc rơi vào hoảng loạn bởi các hoạt động vẫn dựa chủ yếu vào lớp học offline. Chưa một ai trong MindX phải đối mặt với thách thức như thế.

Tuy nhiên, cô gái trẻ với vẻ ngoài khá “mềm yếu” lại vô cùng cứng rắn trong công việc. “Em vẫn bảo với mọi người rằng chúng ta có dòng máu của người Việt Nam, dòng máu con rồng cháu tiên. Chúng ta không thể đầu hàng mà phải tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới”, Hà chia sẻ.

Trong cái khó ló cái khôn, Hà cho biết MindX đã nghĩ ra nhiều sáng kiến để vượt Covid-19. Nhìn lại những tháng vừa qua, Hà thậm chí còn khẳng định rằng nếu không có Covid-19, MindX có lẽ phải mất thêm 10 năm nữa để tiếp cận được những đối tượng khách hàng ở những nơi hoàn toàn chưa bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của những nhà sáng lập.

“Lần đầu tiên, MindX có sản phẩm giáo dục onlines. Có những khách tận Cà Mau hay Hà Giang, những nơi mà 10 năm nữa em cũng không nghĩ rằng mình sẽ có học sinh ở đó, đăng ký học onlines. Mọi người còn tin tưởng tới mức sẵn sàng mua những khóa học kéo dài 2-3 năm”, Hà chia sẻ.

Cũng trong giai đoạn khó khăn này, MindX đưa ra những lộ trình học mới, cam kết rằng học sinh sẽ tìm được việc sau khi tốt nghiệp. Hà mô tả sản phẩm ra đời trong năm Covid-19 này là “bảo hiểm cho tương lai” của những bạn học sinh. Bố mẹ sẽ không còn phải lo lắng con cái ngày sau ra trường không xin được việc làm nữa.

Ngoài ra, một chương trình học khác mà MindX đảm bảo học sinh có thể kiếm việc làm ở Singapore với mức lương tối thiểu 100 triệu đồng/tháng cũng được ra đời. Chương trình này do một học viên cũ của MindX, người đã tìm được một công việc tốt tại Singapore, đứng ra triển khai với mong muốn giúp nhiều người có cơ hội được như mình.

“Trong nguy có cơ, Covid-19 đã buộc doanh nghiệp phải chiến đấu để sinh tồn, phải đột phá để tìm ra cửa sống. Hết năm 2020, MindX đã mở từ 5 lên 9 cơ sở và các sản phẩm đột phá góp công lớn cho thành tích đó”, Hà chia sẻ.

Nổi tiếng không phải thành công

Trong hơn 1 năm qua, bản thân Hà nhận thấy truyền thông và mọi người dành khá nhiều sự quan tâm cho mình. Gọi đó là sự “nổi tiếng” trong ngoặc kép, Hà nghĩ rằng mình được chú ý vì là con gái, lại khởi nghiệp khi còn rất trẻ, mới 19 tuổi. MindX là công ty đầu tiên và cũng là dự án khởi nghiệp đầu tiên của cô gái quê Hưng Yên.

“Em không nghĩ mình nổi tiếng, có chăng chỉ là nhiều người biết tới hơn 1 chút thôi. Thực sự, em thấy rất vui khi được truyền thông và mọi người quan tâm và điều đó cũng giúp MindX trở nên uy tín hơn khi mọi người tìm kiếm về chúng em. Tuy nhiên, thành công hay không, khách có tới với mình hay không, thì không dựa vào sự nổi tiếng được mà là ở sản phẩm. Em luôn tâm niệm chỗ đứng của mình phải do mình dựng lên”, Hà chia sẻ.

Thực tế, sự “nổi tiếng” không làm ảnh hưởng tới các mục tiêu mà MindX đề ra cũng như không ảnh hưởng tới cách sống hay cách làm việc của các founder trong đó có Hà. Trước đây, Hà vẫn đi tất 2 màu (mỗi chân một màu) đi làm và bây giờ, Hà vẫn làm điều đó. Việc đi sự kiện để đánh bóng tên tuổi hay tạo ra các chiến dịch truyền thông là điều Hà nói rằng “chưa bao giờ nghĩ tới”.

Tuy nhiên, thông qua những chia sẻ của mọi người trên fanpage của MindX, Hà nghĩ có những người thực sự được mình truyền cảm hứng. Dù cảm thấy vui vì điều đó nhưng cô gái trẻ vừa trở thành mẹ 3 tháng trước thẳng thắn nói rằng “để theo đuổi mục tiêu, việc được truyền cảm hứng chỉ là một yếu tố rất nhỏ”.

“Nghe người khác truyền cảm hứng thì chỉ là một giây phút ngắn ngủi mà thôi. Bản thân em khi làm khởi nghiệp cũng đọc nhiều sách, nghe nhiều người nổi tiếng chia sẻ nhưng em thấy động lực của mỗi người mới là quan trọng nhất. Mỗi bạn gái nên có sự lựa chọn của riêng mình, miễn sao họ cảm thấy hạnh phúc là được”, Hà chia sẻ.

Trải qua 6 năm khởi nghiệp, đi từ việc theo đuổi ước mơ tới làm việc vì trách nhiệm, không chỉ với bản thân mà còn với cấp dưới và đối tác, Hà tâm niệm một điều rằng khởi nghiệp là việc không dành cho tất cả số đông. Chính vì thế, mỗi khi được xin ý kiến về chuyện khởi nghiệp, Hà chọn nói thật những cái “đắng cay” để mọi người hiểu rõ nhất mình cần làm gì.

“Mỗi người một cuộc sống, đừng nhìn cái hào nhoáng bên ngoài để theo đuổi. Có một câu nói rằng ‘Đừng nhìn vào trailer của cuộc đời người khác mà so sánh với bi kịch đời mình’. Thực sự, không phải lên báo là thành công bởi đằng sau đó, có rất nhiều đánh đổi, hy sinh, đắng cay mà người ngoài không thể hiểu được. Điều quan trọng nhất là tìm ra mình muốn gì”, Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, Hà và MindX lại đang nỗ lực để thu hút thêm các bạn nữ tham gia các khóa học về công nghệ bởi hiện nay, tỷ lệ nữ học viên mới chỉ là 10%. Khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch Seagame, MindX đã cấp học bổng 100% cho các bạn nữ tham gia nhưng số lượng vẫn chưa nhiều.

“Năm nay, MindX sẽ triển khai các sản phẩm giáo dục đặc thù để thu hút sự tham gia của các bạn nữ. Có thể, sẽ có những khóa học về Multimedia, học kết hợp giữa kinh doanh và công nghệ, hay các bộ môn phù hợp hơn với phái yếu để tạo cơ hội tiếp cận ngành nghề đồng đều hơn nữa cho các bạn nữ”, Hà nói.

Chỉ nghỉ thai sản 1 tuần

Có em bé, Hà và ông xã, một đồng sáng lập khác của MindX, quyết định tiến tới hôn nhân sau 6 năm yêu nhau và trở thành mẹ khi công việc đang bù đầu. Chia sẻ về “bước ngoặt cuộc đời”, Hà nói mình vẫn đang từng bước khám phá tiềm năng bản thân trên cương vị mới và đầy thách thức hiện nay.

Theo bà mẹ trẻ, dù là đàn ông hay phụ nữ thì khởi nghiệp vốn dĩ đã là công việc đầy áp lực và sự cô đơn. Có những khó khăn mà mình chỉ có thể một mình gánh chịu, thậm chí nuốt vào trong, mà chẳng thể chia sẻ cùng ai, ngay cả những người thân thiết nhất. Vai trò của một người lãnh đạo không cho phép những vấn đề không tốt ảnh hưởng tới tinh thần của cả công ty.

“Hôm trước bế tắc, hôm sau đi teambuilding với công ty, em vẫn phải vui vẻ, trò chuyện, cười đùa. Lúc ốm đau dặt dẹo em vẫn phải nhấc mình lên để làm việc, để gặp đối tác một cách đầy năng lượng. Nhiều lúc, em nghĩ lựa chọn này có đáng không. Nhiều lúc, em nghĩ vì sao mình phải vất vả, hy sinh thời gian, bản thân để theo đuổi những trách nhiệm như thế”, Hà nói.

Trong khi đó, phụ nữ vốn thường bị cảm xúc chi phối. Trong công việc, những cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng tới phụ nữ nhiều hơn. Tuy nhiên, khi trở thành một người mẹ, những khó khăn đó được nhân lên gấp nhiều lần, đòi hỏi những quyết tâm to lớn để có thể vượt qua.

“Bình thường, một người mẹ sinh em bé thường được nghỉ 6 tháng thai sản. Em chỉ nghỉ có 1 tuần thôi mà 1 tuần cũng không trọn vẹn. Tuần 2 đã phải ngồi dậy làm việc, thậm chí làm tới nửa đêm luôn. Rồi nhiều lúc đang họp, con khóc mẹ vẫn phải bỏ họp chạy ra dỗ dành, cho con ti…”, Hà kể lại.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, trách nhiệm chăm sóc con cái đã không còn là của riêng người phụ nữ. Tuy nhiên, trong những năm đầu đời, Hà tự nhận thấy không ai có thể thay thế được mẹ. Là mẹ thì cần có trách nhiệm chăm sóc tốt nhất cho con nhưng với một nữ startup, việc đó trở nên khó khăn khi phải cân bằng giữa gia đình và công việc, vốn đang rất ngổn ngang.

“Tháng đầu tiên mới sinh con em căng thẳng lắm. Giờ con gái được 3 tháng rồi, em cũng biết cách tối ưu công việc để có thời gian dành cho gia đình nhiều hơn. Trước kia mình làm việc 24/7 thì bây giờ, mọi thứ phải theo thời gian biểu rõ ràng. Họp hành cũng chỉ diễn ra trong đúng khoảng thời gian đã định thôi chứ không thể dông dài mấy tiếng như trước kia”, Hà nói.

Tuy nhiên, chính việc phải tối ưu mọi thứ giúp mọi công việc được tiến hành khoa học hơn. Bên cạnh đó, nhìn vào những nữ doanh nhân thành công ở Việt Nam, Hà có thêm động lực để tin rằng chỉ cần tin tưởng, dấn thân và nỗ lực cho những điều quan trọng nhất, câu trả lời cho việc cân bằng cuộc sống và gia đình nhất định sẽ được giải đáp.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị