Những sản phẩm từ nông sản như ngũ cốc, thanh gạo lứt… được chị Mỹ đưa đến những khách hàng khó tính. Mỗi tháng chị bán khoảng 1.000 sản phẩm.

Nữ dược sĩ đam mê ngũ cốc

Chiều đầu tháng 10, tại xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), chị Phạm Thị Duy Mỹ (35 tuổi) miệt mài đổ từng tô ngũ cốc vào máy để xay mẻ mới.

Chị Mỹ đang thành công với những sản phẩm làm từ nông sản địa phương.

Sau khi tốt nghiệp dược sĩ và lấy chồng, chị tự mở cho mình một quầy thuốc tại quê hương.

Chị kể: “Năm 2015, khi vừa sinh bé đầu, sữa ít, tôi quyết định tự mày mò làm ngũ cốc từ gạo lứt, đậu, sen, điều… để bồi dưỡng cho con và bản thân. Tôi từng thất bại vì không biết rang đậu, cháy 2 nồi liền với 40kg đậu và gạo lứt, mất hết gần 5 triệu đồng”.

Thanh gạo lứt, một trong hai sản phẩm bán chạy nhất.

Chồng không muốn chị quá vất vả. Nhưng chị Mỹ vẫn quyết tâm làm lại và thành công ở lần thử nghiệm thứ 3.

Chị bắt đầu dùng ngũ cốc này thay thế sữa công thức trên thị trường. Sữa nhiều hơn, con của chị phát triển tốt. Chị Mỹ nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm của mình đến với những người già, bà mẹ cho con bú khác…

“Nhiều khách hàng đến nhờ tôi tư vấn tình hình sức khoẻ của bản thân, rồi nhiều mẹ trẻ thiếu sữa, người già chán ăn, bị huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Tôi cũng muốn mọi người trải nghiệm ngũ cốc của mình. Sau một thời gian dùng, may mắn sản phẩm tốt, tiếng lành đồn xa, ngũ cốc của tôi bán ngày càng nhiều”, chị Mỹ kể.

Đến năm 2017, nhờ mạng xã hội Facebook, chị bán được nhiều hàng hơn. Không ít nhà thuốc đặt sản phẩm của chị về bán cho khách hàng.

Phát triển thương hiệu riêng

Chị Mỹ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo ra sản phẩm mới. Đến nay chị có hơn 10 sản phẩm liên quan đến nông sản như: ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt, bột gạo lứt đậu đen, thanh gạo lứt, hạt rong biển, hạt và chà bông, bánh hạt dinh dưỡng, trà tâm sen, hạt sen khô, hạt sen tươi, trà gạo lứt, bột hạt sen…

Chị Mỹ chuẩn bị cho mẻ xay ngũ cốc của mình

“Công thức chung của những sản phẩm này bắt đầu từ chọn nguyên liệu, rửa sạch, phơi khô, rang lên. Tuỳ theo mỗi sản phẩm mà có cách chế biết tiếp khác nhau như xay, trộn với mật ong hoặc đường aspartame dành cho người ăn kiêng và đóng gói”, chị Mỹ giải thích.

Nguyên liệu chính của những sản phẩm này là gạo lứt, hiện chị mở rộng hơn 5 hecta trồng thực phẩm này. Cùng với đó, tại địa phương, đậu và hạt sen cũng là thực phẩm có sẵn mà không sợ thiếu.

Hiện tại, hai sản phẩm được khách hàng ưa chuộng nhất là ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt và thanh gạo lứt. Ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt được chị Mỹ hoàn thành từ lúc khởi nghiệp đến nay. Còn với thanh gạo lứt, đây là phẩm ăn liền, như cốm, được trộn với mật ong hoặc đường aspartame dành cho người ăn kiêng. Vị của nó ngọt vừa, dễ ăn và nhiều công ty muốn đặt hàng số lượng lớn ngay từ lần đầu dùng thử.

Chị Mỹ đang mong muốn đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài.

Mỗi tháng, chị Mỹ bán khoảng 1.000 sản phẩm, khách hàng rải khắp cả nước, doanh thu gần 100 triệu đồng. Chị thuê thêm 3 nhân công về làm tại nhà với lương 5 triệu đồng/tháng.

Chị Mỹ mở lòng những khó khăn hiện tại: “Vừa dược sĩ, vừa làm mẹ, vừa làm sản phẩm cho khách thực sự khó khăn. Tôi phải sắp xếp thời gian phù hợp, nhiều lúc thấy quá tải nhưng vì đam mê nên quyết tâm đến cuối cùng”.

Những thành công hiện tại chưa làm hài lòng nữ dược sĩ tuổi 35. Chị Mỹ đang ấp ủ ý định mở một nhà xưởng vào đầu năm tới, có cơ hội đưa sản phẩm ra nước ngoài.

THEO CÔNG SÁNG
(Vietnamnet)