Sản phẩm nông nghiệp chiếm 136,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20 tỷ USD) hay 13,6% tổng giá trị thị trường của Pinduoduo năm 2019.

Pinduoduo, nhà điều hành trang thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc, vốn bắt đầu là một nền tảng để nông dân kết nối với người mua sắm ở thành thị thông qua các sự kiện livestream và công cụ trực tuyến khác.

Thời điểm hiện tại, công ty đang đưa công nghệ kỹ thuật số vào nhiều lĩnh vực để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm an toàn trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.

Pinduoduo hy vọng việc số hóa chuỗi cung ứng nông sản sẽ giúp giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nhất mà ngành nông nghiệp của Trung Quốc đang phải đối mặt là tình trạng thiếu lao động và năng suất kém.

Lin Sen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Quốc gia về Công nghệ Thông tin Nông nghiệp của Bắc Kinh và nhóm của mình đang tham gia một cuộc thi do Pinduoduo tổ chức để trồng dâu tây bằng phương pháp truyền thống hoặc các giải pháp hỗ trợ internet vạn vật.

Lin Sen tại vườn dâu trong nhà kính.

Cơ sở thử nghiệm của họ nằm cách Bắc Kinh khoảng 2.800 km, trong một nhà kính ở Côn Minh. Lin chỉ vào một thiết bị và giải thích: “Cảm biến sẽ gửi dữ liệu thông qua điện toán đám mây, cho phép chúng tôi điều khiển nước và nhiệt độ trong nhà kính từ xa”. Tại đây có nhiều cảm biến giám sát mọi thứ của cây trồng, từ chiều cao cho đến kiểm soát sâu bệnh.

Mục tiêu của cuộc thi là tìm ra cách tốt nhất để sản xuất một loại cây trồng kinh tế và chất lượng cao. Đây là một phần trong sáng kiến của Pinduoduo nhằm cải thiện giá trị của các sản phẩm thực phẩm của mình.

David Liu, phó chủ tịch Pinduoduo, nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Chúng tôi sử dụng sản phẩm nông nghiệp để xây dựng sự gắn bó và thói quen của người tiêu dùng trên nền tảng và tận dụng trải nghiệm đó để cung cấp các sản phẩm khác”.

Thời điểm của sáng kiến này dường như đã chín muồi do người tiêu dùng Trung Quốc vẫn khá thận trọng về sự an toàn của các khu chợ truyền thống sau đại dịch Covid-19.

Lina Xie, một công chức ở Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi đã mua hàng tạp hóa trực tuyến thường xuyên hơn kể từ sau đại dịch. Việc này rất tiện lợi và hợp vệ sinh”. Xie thuộc nhóm người tiêu dùng trực tuyến mà những ông lớn thương mại điện tử như Pinduoduo đang cố gắng thu hút bằng các sản phẩm nông nghiệp cao cấp.

Một người bán đang đóng gói sản phẩm.

Pinduoduo do gã khổng lồ Internet – Tencent hậu thuẫn và chuyển đổi thành nền tảng trực tuyến vào năm 2015. Từ đó, họ đã trở thành đối thủ đáng gờm của Alibaba và JD.com.

Từng bị coi là kẻ yếu, Pinduoduo đã phát triển nhanh chóng nhờ phục vụ những người tiêu dùng tiết kiệm ở các thành phố nhỏ. Tính đến ngày 30/6, công ty có 683 triệu người dùng hoạt động, chỉ đứng sau Taobao với 742 triệu người dùng.

Sản phẩm nông nghiệp chiếm 136,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20 tỷ USD) hay 13,6% tổng giá trị thị trường của Pinduoduo năm 2019. Điều đó giúp công ty trở thành một trong những đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực này.

David Liu cho biết Pinduoduo kì vọng con số trên sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Xa hơn, mục tiêu đầy tham vọng và có thể đạt được của họ là bán được 1.000 tỷ nhân dân tệ giá trị nông sản trong 5 năm tới.

Để thúc đẩy doanh số bán hàng, Pinduoduo đang tập trung vào “cao cấp hóa sản phẩm và tăng tính an toàn”. Công ty đang làm việc với Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Singapore để phát triển một thử nghiệm về chi phí đối với các chất gây ô nhiễm.

Feng Linyan, nhà phân tích của công ty nghiên cứu EqualOcean ở Bắc Kinh nhận định: “Những nỗ lực như vậy giúp Pinduoduo giữ chân người dùng và trở nên dễ phân biệt với Alibaba và JD.com”.

Tuy nhiên, các gã khổng lồ khác cũng đang tham gia vào cuộc chiến này. JD.com đã triển khai dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để giúp người nông dân bằng cách lập bản đồ các cánh đồng khoai tây và lúa ở tỉnh Sơn Tây. Dữ liệu sẽ được dùng để cải thiện năng suất cây trồng.

Theo Tổ quốc