Nỗ lực giúp xe tự lái chạy được trong trời mưa, tuyết
Thực tế xe tự hành chưa thể chạy được trong thời tiết xấu như mưa lớn hay tuyết dày là vấn đề được biết đến rộng rãi trong ngành. Vì thế, startup Mỹ WaveSense ở Mỹ đang nỗ lực tìm giải pháp.
Theo Bloomberg, đến nay, robot trên xe tự lái chưa đủ tinh vi, phức tạp để điều hướng sự thiếu chắc chắn của lượng xe giao thông. Nó còn thiếu nhận thức như con người. Tại Boston (Mỹ), nơi hãng NuTonomy thử nghiệm nhiều phương tiện tự lái với giới chức quy hoạch thành phố, tuyết và mòng biển còn là hai trở ngại lớn.
“Tuyết không những thay đổi lực kéo của chiếc xe, mà còn thay đổi cách máy ảnh và cảm biến cảm nhận đường phố”, nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Boston Consulting Group kết luận. Với các loài chim biển, giới kỹ sư NuTonomy có thể lập trình máy chạy êm về phía trước để đuổi chúng, song họ chưa có giải pháp nào để xử lý tuyết.
Sau nhiều năm thử nghiệm, hàng trăm ô tô và xe tải được triển khai trên đường phố và các cơ sở tư nhân vẫn phải chật vật với thời tiết khắc nghiệt. Trở ngại cuối cùng của giai đoạn công nghệ tự lái tiếp theo không đến từ thuật toán và công nghệ trí tuệ nhân tạo, mà đến từ sương mù và mưa.
Một startup ở Boston đang hứa hẹn tìm giải pháp cho thời tiết xấu. Hãng WaveSense xây dựng hệ thống radar để quét những gì bên dưới con đường, xuống tận nơi không có tuyết thay vì phân tích sự pha trộn trên bề mặt.
Cụm cảm biến được gắn bên dưới khung gần giống như tấm trượt, có thể quét đến tận 3 mét dưới mặt đất để thấy đất, nước, rễ cây và đá. Một khi WaveSense quét toàn bộ con đường, nó lập bản đồ của tầng dưới mặt đất, bản đồ này có khả năng định vị trí của một chiếc xe trong vòng vài cm.
Radar thâm nhập bên dưới mặt đất không phải chuyện mới, vì giới khảo cổ và khảo sát đất từ lâu đã dùng nó. Song WaveSense tuyên bố họ là hãng đầu tiên sử dụng kỹ thuật dò dưới mặt đất để xác định một vật trên mặt đất, và kỹ thuật của WaveSense có thể hoạt động ở tốc độ lên đến 104 km/giờ.
WaveSense cam kết tạo điều kiện để xe tự hành hoạt động được trên đường, bất chấp thời tiết. Ngoài cảm biến dưới mặt đất, xe còn có các cảm biến nhận diện giao thông, đèn đỏ và những người đi bộ bất cẩn. Công ty vừa huy động được 3 triệu USD vốn đầu tư.
Hiện ô tô tự lái hoạt động nhờ sự kết hợp của nhiều loại cảm biến và công cụ: GPS, camera truyền thống, radar, công nghệ lidar phản xạ laser từ những chiếc xe và người đi bộ gần đó. Thiên nhiên vô hiệu hóa 2 trong số bốn công cụ trên: Camera vô dụng trong thời tiết sương mù hay tuyết dày, còn laser lidar thì hay sai giữa trời mưa hay tuyết rơi. Kết nối GPS còn có thể chậm và không rõ ràng, còn radar thì khá tệ trong việc phân biệt các chướng ngại vật.
Thời tiết khắc nghiệt còn là vấn đề vì xe điện có thể bị hạn chế trong trời lạnh do cần thêm năng lượng pin để làm nóng xe. Khí hậu lạnh có thể làm giảm 30% quãng đường chạy tiềm năng mà pin xe cung cấp. Vì thế, các nhà phát triển nỗ lực lập trình phương tiện có thể đưa ra quyết định về sự pha trộn thông tin tốt nhất từ mỗi hệ thống.
Waymo, hãng được xem là tiên phong trong mảng ô tô tự lái, cho biết họ đang tiến bộ hơn trong việc dạy phần mềm lọc “sự nhiễu” từ mưa, tuyết. Xe tải nhỏ sử dụng công nghệ tự lái của Waymo đang được kiểm tra đường bộ ở 25 thành phố, trong đó vùng tuyết phủ Detroit và thành phố hay mưa Seattle. Dù vậy, Waymo vẫn chưa thành công tại hai vùng này, chỉ có thể cung cấp các chuyến taxi robot tại những vùng đầy nắng như Phoenix.
Với WaveSense, hãng nỗ lực chen chân nhận tài trợ từ ngành vận tải có khả năng đạt 7.000 tỉ USD trong tương lai. Hiện phần lớn chi phí nghiên cứu và phát triển của WaveSense do quân đội Mỹ tài trợ. Công ty phát triển từ Phòng thí nghiệm Lincoln, một trung tâm được liên bang Mỹ tài trợ để thực hiện nghiên cứu không liên quan đến an ninh quốc gia, của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Từ giờ đến lúc các hãng ô tô tự hành có thể ứng dụng nhiều loại cảm biến và viết chương trình đủ thông minh để xoay sở trước các thách thức của khí hậu, xe tự hành vẫn sẽ bị hạn chế ở những vùng nắng, khô như những nơi chúng đang được thử nghiệm hiện nay.
Thu Thảo – Báo Thanh niên