Trong quý III năm nay (từ tháng 7 đến tháng 9), nhiều startup Việt đã công bố gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Dưới đây là 5 thương vụ gọi vốn đáng chú ý.

Okxe Việt Nam

Số vốn huy động: 5,5 triệu USD

Hồi tháng 8, nền tảng mua bán xe máy cũ Okxe Việt Nam thông báo huy động được 5,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư nước ngoài. Okxe Việt Nam cho biết, trong vòng gọi vốn này công ty nhận được sự quan tâm từ 6 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, bao gồm IMM Investment Corp và KB Investment.

Với nguồn vốn mới, đại diện Okxe dự kiến dùng để mở rộng thị trường, tối ưu hóa sản phẩm và công tác vận hành. Một phần của khoản đầu tư sẽ được sử dụng vào hoạt động nâng cao nhận thức người dùng về phương thức mua bán xe thông qua nền tảng số.

Riviu

Số vốn huy động: 3,6 triệu USD

Tháng 9 vừa qua, Riviu – startup đánh giá ẩm thực Việt Nam công bố nhận vốn 3,6 triệu USD từ nhà đầu tư ngoại (không tiết lộ cụ thể).

Được thành lập vào năm 2019, Riviu khởi đầu giống như một nhóm Facebook, sau đó có thêm trang web và ứng dụng di động. Mô hình kinh doanh của startup này có nhiều điểm tương đồng với Meituan-Dianping, công ty Trung Quốc chuyên về đánh giá nhà hàng, khách sạn, và dịch vụ.

Ngay sau khi nhận đầu tư, Riviu mua lại Địa Điểm Ăn Uống để trở thành nền tảng đánh giá hàng đầu trên mạng xã hội. Trong thời gian tới, công ty dự kiến nhanh chóng mở rộng ra các thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… và phát triển nội dung đánh giá không chỉ cho ẩm thực mà thêm cả dịch vụ, làm đẹp, và giải trí.

Kim An

Số vốn huy động: ở mức 7 chữ số (triệu USD)

Cũng trong tháng 9, Kim An – một startup fintech (công nghệ tài chính) công bố gọi vốn thành công vòng Series A từ Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures. Khoản đầu tư cụ thể không được tiết lộ, tuy nhiên đại diện startup cho biết số vốn huy động được ở mức 7 chữ số (triệu USD). Trước đó, fintech này đã nhận được một khoản đầu tư ươm tạo từ một quỹ trong nước.

Kim An xuất phát điểm là một startup chuyên cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng thành lập năm 2013. Công ty kết nối các ngân hàng với những các doanh nghiệp từ nhỏ đến siêu nhỏ (MSEs) và dần đưa công nghệ vào vận hành, trở thành một fintech đa dịch vụ.

Theo Kim An, khách hàng của công ty là hơn 6 triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, những đối tượng e ngại trực tiếp đến các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng mà thường vay vốn qua các cá nhân, hoặc tổ chức tín dụng “đen” với lãi suất cao.

Vietmoney

Số vốn huy động: không tiết lộ

Một startup khác cũng công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series A trong tháng 9 là chuỗi cầm đồ Vietmoney. Hai quỹ đầu tư tham gia vòng này là Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures. Probus và Digi Ventures sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia vào HĐQT.

Thành lập từ năm 2016, Vietmoney hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline) hiện đang có 16 chi nhánh hoạt động tại TP HCM và phục vụ hơn 20.000 khách hàng thường xuyên.

Công ty có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 100 chi nhánh, có độ phủ tại 28 tỉnh/ thành toàn quốc trong thời gian tới.

Computer Vision Vietnam

Số vốn huy động: 500.000 USD

Đầu tháng 8, quỹ khởi nghiệp Next100 công bố đầu tư 500.000 USD vào Computer Vision Việt Nam (CVS eKYC) – startup về giải pháp trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính cho các công ty fintech.

Ra đời đầu năm 2020, CVS eKYC ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện khuôn mặt, nhận diện ký tự, phát hiện giấy tờ không hợp lệ và phát hiện khuôn mặt không hợp lệ để cung cấp một giải pháp eKYC hoàn chỉnh, tự động hoàn toàn.

Giải pháp của CVS dựa trên công nghệ xử lý ảnh thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, cung cấp giải pháp định danh, nhận diện khách hàng cho các công ty công nghệ tài chính và ngân hàng.

Theo NDH