Những startup vừa kiếm tiền vừa làm sạch hành tinh
Trước thách thức mang tính sống còn về vấn đề môi trường Trái Đất, nhiều công ty đã bắt tay khởi nghiệp bằng ý tưởng xanh: vừa kiếm tiền, vừa làm sạch hành tinh.
Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, vì thế xu hướng chung và tất yếu của phát triển trong tương lai chính là đi cùng với giữ gìn môi trường sống. Giới trẻ ngày nay chuộng lối sống tối giản, tránh lãng phí tài nguyên, và những nhà sáng lập startup trẻ cũng thế.
Thành phố thông minh và phát triển xanh là xu hướng của tương lai.
Đã qua rồi cái thời các công ty non trẻ bán thiên nhiên lấy bạc tiền. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay dám tiên phong để thay đổi cuộc chơi, qua việc bắt tay vào làm kinh doanh thân thiện với môi trường, từ đó tạo ra xu hướng mới cho nhiều công ty khác làm theo.
Nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”, mời bạn cùng gặp gỡ những cái tên mới nổi nhưng vô cùng nặng ký trong làng startup xanh.
Fuergy cùng dự án “Airbnb của ngành điện”
Startup đến từ Slovakia có ý tưởng đưa mô hình kinh tế chia sẻ vào ngành điện năng. Thông thường, khi một hộ gia đình tạo ra điện mà không dùng hết sẽ phải hòa vào lưới điện của quốc gia để xử lý và phân bố đi nơi khác. Lượng điện đó khi đến phích cắm nhà người khác đã phải đội thêm nhiều chi phí, người tạo ra điện sạch không nhận được gì trong khi người nhận điện lại phải trả thêm tiền.
Một hộ gia đình tham gia chương trình của Fuergy. Dự án này không ngừng lại ở việc dùng Mặt Trời làm điện mà còn xa hơn thế.
Để thay đổi điều này, Fuergy thiết lập một cộng đồng có quy mô nhỏ như làng xóm. Nhà nào tạo ra điện sạch từ Mặt Trời hay gió có thể bán lại cho những hộ không tự tạo ra điện, điện sẽ truyền qua dây dẫn trực tiếp chứ không dùng lưới điện quốc gia.
Điều này giúp người mua bỏ ra ít tiền hơn để nhận điện vì không mất phí, còn người bán có thể kiếm thêm thu nhập, từ đó tạo động lực sản xuất điện sạch và về lâu dài sẽ kéo cả cộng đồng cùng nhau sử dụng điện từ năng lượng tái tạo, thay vì nhiên liệu hóa thạch như hiện nay.
Nhóm dự án của Fuergy trong một ngôi nhà được chạy điện Mặt Trời.
Nhằm để ý tưởng được triển khai có hiệu quả, Fuergy dùng trí tuệ nhân tạo để tính toán và tối ưu hóa lượng điện sử dụng trong cộng đồng. AI sẽ kết nối với các thiết bị điện, các thiết bị Internet vạn vật rồi đo đạc và đưa ra con số điện năng tiêu thụ.
Sau khi phân tích số liệu, AI sẽ báo cho chủ nhà biết cần tạo ra bao nhiêu điện hoặc cần mua bao nhiêu điện. Dữ liệu cũng đã tính toán đến yếu tố bên ngoài như thời tiết, giúp đưa ra con số gần chính xác nhất, giúp điện năng tạo ra không bị dư thừa quá nhiều.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để điều chỉnh và cân bằng số liệu chính là điểm mạnh của dự án này.
Mô hình này đã được đưa vào thí điểm. Các doanh nghiệp sau khi dùng thử nhận thấy hóa đơn tiền điện giảm đi rất nhiều, các hoạt động sản xuất vẫn duy trì như bình thường trong khi lượng điện năng tiêu thụ giảm đến 50% hoặc thậm chí nhiều hơn vào một số thời điểm.
Field Factors và tham vọng về thành phố khép kín
Công ty khởi nghiệp đến từ Hà Lan, giành giải lớn ở cuộc thi Green Tech Startup 2019 với tiền thưởng 100.000 euro (hơn 2,5 tỷ đồng), đã cung cấp giải pháp cho một thành phố tương lai với hướng phát triển xanh và thông minh, qua việc tạo nên chu trình nước khép kín.
Một trụ nước thử nghiệm lắp ở sân vận động Sparta, Hà Lan. Nước ở đây đã trải qua một quá trình khép kín nhằm tận dụng được 95% nước từ tự nhiên.
Mô hình này sẽ được tích hợp vào hệ thống cấp thoát nước sẵn có của thành phố, và nâng cấp lên nhờ tích hợp công nghệ. Theo đó, thông thường nước mưa sẽ theo cống dẫn thải trực tiếp ra sông hoặc biển, trong khi hoạt động tưới cây công viên lại dùng dòng nước sạch khác.
Sơ đồ cho thấy cách chu trình tái sử dụng nước diễn ra.
Ở mô hình mới này, nước mưa sẽ được giữ lại ở bồn chứa trung tâm rồi tái sử dụng cho mảng xanh thành phố hoặc dùng khi khô hạn. Không chỉ dùng lại nước nhằm tránh lãng phí, mà cách làm này còn tạo nên một vòng tuần hoàn để cân bằng nước và tránh thiên tai bất khả kháng như lũ lụt hoặc hạn hán.
Đội ngũ đứng phía sau dự án tham vọng Field Factors.
Hệ thống được lắp đặt thử nghiệm tại sân vận động Sparta ở thành phố Rotterdam, Hà Lan. Khi đi vào hoạt động nó sẽ trải qua 4 bước gồm: thu nhận nước mưa từ cống thoát nước hoặc thấm qua mặt đất, dẫn nước vào bồn chứa trung tâm đặt bên dưới một tòa nhà gần đó, làm sạch nước qua lớp lọc tự nhiên, nước sạch sau đó được dẫn về sân vận động khiến cỏ tươi xanh quanh năm mà không cần chăm sóc quá nhiều.
Qua thí điểm cho thấy có đến 95% nước được tái sử dụng khiến mô hình của nhóm được đánh giá cao. Trong năm nay, startup cho biết sẽ khởi động 5 hệ thống tương tự và đi sang các quốc gia thường xuyên rơi vào hạn hán ở lân cận như Tây Ban Nha.
Nuôi tảo và tương lai của một ngành công nghiệp bền vững
Đóng quân tại Thụy Điển, công ty khởi nghiệp Swedish Algae Factory nuôi tảo theo mô hình kinh tế tuần hoàn: tảo làm sạch nước và hấp thụ carbon dioxide, trong khi đó nó sản sinh ra chất hữu cơ giàu dinh dưỡng có thể dùng làm phân bón hoặc thức ăn cho cá mà không gây hư hại đất hoặc ô nhiễm nước. Tảo nở hoa cũng giúp ngăn chặn sự lây lan của nito và phốt pho trong phân bón hóa học.
Nanoporous silica được chiết xuất từ tảo cát để tạo ra vật liệu thay thế nhiều chất hóa học đang được sử dụng trong công nghiệp.
Bên cạnh đó, startup này trích nanoporous silica từ tảo cát – một loại tảo đơn bào siêu nhỏ – và dùng chất này tạo nên một loại đặc biệt, có thể thay đổi thuộc tính để hấp thụ hoặc giải phóng hạt ở môi trường xung quanh tùy vào điều kiện ánh sáng cung cấp.
Với ứng dụng này, công ty tạo ra dòng sản phẩm với thương hiệu Algica, là loại vật liệu nhằm thay thế chất giữ ẩm, chất làm sạch da, chất chống tia cực tím có trong mỹ phẩm vốn được tạo ra từ hóa chất độc hại theo cách làm công nghiệp truyền thống.
Sofie Allert, CEO và là đồng sáng lập của Swedish Algae Factory.
Mô hình nuôi tảo tuần hoàn cũng được công ty triển khai cho nông dân với giá rẻ, để ai cũng có thể nuôi tảo tại nhà và làm sạch nguồn đất, nguồn nước sau một mùa vụ. Ý tưởng sáng tạo này giúp Swedish Algae Factory nhận về 500.000 euro (hơn 12,5 tỷ đồng) để tiếp tục phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường.
Công ty đặt kỳ vọng sẽ mở nhà máy ở khắp nơi trên thế giới vào năm 2030 để góp phần biến tảo thành một ngành công nghiệp mới mà ở đó vừa có thể kiếm tiền, vừa có thể phát triển bền vững cùng với môi trường tự nhiên.
Quang Niên