Những startup trong Top Forbes 30 under 30 châu Á 2020 gọi vốn thành công nhất
Nhiều startup tại Trung Quốc và Ấn Độ – có nhà sáng lập lọt Top Forbes 30 under 30 châu Á 2020 – gọi vốn thành công số tiền hàng chục triệu USD.
Điều gì giúp cho một công ty mới thành lập nổi bật hơn các đối thủ và huy động được số vốn “khủng”?. Đối với nhiều startup Trung Quốc, câu trả lời nằm ở việc cung cấp dịch vụ doanh nghiệp.
Một số gương mặt lọt Top 30 under 30 châu Á năm nay không gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm từ nền kinh tế lớn nhất châu Á – Trung Quốc.
Sử dụng các công nghệ như AI và phân tích dữ liệu, họ đang phát triển phần mềm phù hợp cho các tập đoàn. Thị trường này được ước tính sẽ tăng trung bình 16% lên tới 263 tỷ nhân dân tệ (khoảng 38 tỷ USD) vào năm 2021. Điều này thu hút các nhà đầu tư khi các công ty Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các công cụ giúp nâng cao năng suất làm việc trong bối cảnh chi phí lao động tăng lên.
XinTaiRuan – một startup SaaS chuyên về phần mềm quản lý nhân sự có trụ sở tại Thượng Hải – đã huy động được hơn 100 triệu nhân dân tệ (14,5 triệu USD). Được đồng sáng lập bởi Bin Zhu, dịch vụ của công ty phân phối thanh toán cũng như ký kết và theo dõi các hợp đồng điện tử. XinTaiRuan cho biết họ đã xử lý các khoản thanh toán cho hơn 100.000 công ty Trung Quốc. Khách hàng sẽ trả phí dịch vụ và có thể đăng ký các khoản vay hoặc thanh toán lương thông qua phần mềm của mình.
Một startup Trung Quốc khác được đầu tư lớn là Extreme Vision có trụ sở tại Thâm Quyến. Startup 5 năm tuổi này phát triển các công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này có thể sử dụng các thuật toán để theo dõi đám đông, phát hiện những bất thường trong sản xuất và hiểu biểu hiện của con người. Được dẫn dắt bởi 4 nhà đồng sáng lập, Luo Yun, Chen Zhenjie, Chen Shuo và Liu Ruoshui, công ty đã huy động được tổng cộng 150 triệu nhân dân tệ (khoảng 21 triệu USD).
Startup Trung Quốc thứ ba sử dụng AI là Yiwise.ai có trụ sở tại Hàng Châu, tập trung vào các công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Được thành lập bởi Gu Zeliang, Chen Zheqian và Li Yifu, Yiwise.ai hỗ trợ dịch vụ khách hàng, thực hiện nhiều cuộc gọi và đánh giá các cuộc hội thoại để cải thiện hiệu suất. Công ty cho biết đã xây dựng các nền tảng dịch vụ chatbot cho khách hàng bao gồm China Life và nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Longfor. Kể từ khi thành lập vào năm 2017, Yiwise đã huy động được gần 20 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc GSR Ventures và QF Capital.
Đầu tư vào startup Ấn Độ
Trung Quốc không phải nơi duy nhất các nhà đầu tư mạo hiểm mạnh tay rót vốn cho các doanh nhân trẻ.
Tại Ấn Độ, các nhà đầu tư đang chú ý đến các startup fintech như OkCredit. Công ty này được thành lập năm 2017 bởi 3 người bạn học, Gaurav Kunwar, Harsh Pokharna và Aditya Prasad. OKCredit là một ứng dụng ghi chép sổ sách kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ. Có khoảng 6 triệu người dùng OKCredit mỗi tháng với khoảng 80 triệu bút toán được ghi nhận trên ứng dụng này trong tháng 1.
Sau vòng gọi vốn Series B diễn ra vào năm ngoái, OKCredit đã huy động được tổng cộng 83 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư, bao gồm Lightspeed Venture Partners và Tiger Global có trụ sở tại New York.
Tiger Global cũng tham gia vòng Series B trị giá 30 triệu USD của startup Open do Ajeesh Achuthan đồng sáng lập. Công ty này giúp các doanh nghiệp sắp xếp hoạt động tài chính với nền tảng tích hợp cho kế toán và ngân hàng. Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Open cho biết họ đã xử lý hơn 10 tỷ USD giao dịch với 350.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng này.
Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến các startup trong lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng của Ấn Độ. Headout của Varun Khona là một trang web đặt chỗ từ các buổi trình diễn đến các chuyến du lịch trên biển và trực thăng tại 40 thành phố trên khắp thế giới. Startup này huy động được tổng cộng 15 triệu USD, bao gồm cả vòng Series A trị giá 10 triệu USD vào năm 2018. Kể từ khi Khona ra mắt trang web vào năm 2014, 6 triệu người từ khoảng 200 quốc gia đã sử dụng nền tảng này. Headout hướng đến mục tiêu mở rộng dịch vụ tại 1.000 thành phố vào năm 2024.
Một startup hướng tới người tiêu dùng khác thu hút các nhà đầu tư ở Ấn Độ là GoMechanic – nền tảng đặt chỗ trực tuyến cho các dịch vụ liên quan đến xe hơi – do Rishabh Karwa and Nitin Rana đồng sáng lập. Năm 2019, GoMechanic gọi vốn thành công 4,9 triệu USD trong vòng Series A, dẫn đầu bởi Sequoia Capital và Orios Venture Partners. Công ty tiếp tục được đầu tư 14,7 triệu USD trong vòng Series B, dẫn đầu bởi Chiratae Ventures và Sequoia Capital. Hiện nay, GoMechanic có mạng lưới hơn 300 xưởng xe hơi tại 13 thành phố của Ấn Độ cung cấp các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe…
Theo Linh Lam