Những lý do khiến startup nhanh sụp đổ
Một thống kê cho thấy, 10 doanh nghiệp lập ra sau 10 năm chỉ còn 2 doanh nghiệp sống sót. Startup không phải là “tay mơ” với những ai muốn khởi nghiệp.
Nghĩ tiền nhà đầu tư đến ngay
Trên thực tế, những nhà đầu tư là những con sói già lão luyện, không gì qua được mắt họ và tiền của họ không phải để làm từ thiện, họ không bao giờ “vung” tiền bừa bãi. Vậy nên startup hãy cố gắng sống sót trong thời gian 1 năm đầu hay ít nhất là 6 tháng của sản phẩm, lúc đó hãy mong có nhà đầu tư để ý đến bạn.
Trong thời gian này, cần nghĩ tới kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm và các kế hoạch truyền thông, marketing, kế hoạch tài chính, khủng hoảng…
Quá thần tượng ý tưởng mà không chia sẻ
Hãy chia sẻ cho thật nhiều người biết đến ý tưởng của bạn thì bạn sẽ nhận lại được rất nhiều góp ý quý giá mà trước đó bạn chưa thể lường trước được.
Các startup thường hay nghĩ ý tưởng của mình là tuyệt vời, độc đáo chưa ai nghĩ ra nên rất sợ ai đó nghe được thì sẽ ăn cắp mất, mà không biết rằng thế giới còn có nhiều ý tưởng hay hơn thế rất nhiều, quan trọng là làm thế nào.
Bỏ qua nghiên cứu thị trường
Thường cho rằng, các sản phẩm của mình nhanh chóng đáp ứng nhu cầu xã hội nên startup bắt tay vào làm. Tuy nhiên, điều này quả không dễ dàng, vì vậy startup phải chịu khó nghiên cứu, ước lượng được quy mô thị trường, đối thủ cạnh tranh, mô hình kinh doanh và các lợi thế cạnh tranh…
Đơn độc trong thực hiện
Bạn đừng nghĩ bạn giỏi về công nghệ, sản phẩm lõi thì chỉ cần làm tốt về công nghệ và sản phẩm sẽ thành công.
Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Để thành công được, bạn cần phải có người đồng hành xuyên suốt quá trình là những người giỏi về các mảng khác như kinh doanh, tài chính, sáng tạo, quản lý…
Bỏ qua marketing
Luôn nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương”, cho rằng sản phẩm mình tốt thì ắt sẽ có nhiều người dùng mà không phải làm marketing. Cho dù sản phẩm của bạn có tốt thế nào thì khi khách hàng chưa từng sử dụng, họ cũng sẽ lưỡng lự. Chỉ khi bạn khiến họ quay đầu 4 hướng đều thấy sản phẩm đó thì họ mới chấp nhận dùng thử.
Không mạnh tay xóa bỏ những gì không hợp
Cần phải áp dụng tư duy “move fast & break things” để hành động. Nghĩa là phải tự thay đổi mình thật nhanh, tránh tư duy trì trệ, lối mòn và phải phá bỏ những thứ thấy không khả thi, những thứ không có khả năng phát triển. Thực tế, nhiều đơn vị không dám tự kết liễu sản phẩm sắp thất bại mà để nó sống một cuộc sống thực vật vô nghĩa khiến mất chi phí và cơ hội.