Những gã khổng lồ công nghệ đang triệt tiêu giới khởi nghiệp
Bằng quyền lực của mình, các ông lớn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm lớn mạnh bản thân, giữ vững vị thế trên thị trường công nghệ đồng thời ‘hạ sát’ các công ty khởi nghiệp đối thủ tiềm năng.
Ngày nay, những công ty hàng đầu về công nghệ (Facebook, Amazon, Google, Apple) đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực rất rộng lớn, bao gồm tìm kiếm trực tuyến, truyền thông xã hội, quảng cáo kỹ thuật số, thực tế ảo, điện thoại thông minh, điện toán đám mây, thương mại điện tử,…
Bằng vị thế đứng đầu trong ngành công nghệ, các ông lớn từ thung lũng Silicon có đầy đủ tiềm lực để thủ tiêu những đối thủ tiềm năng bằng nhiều cách khác nhau trước khi nó kịp trở thành mối nguy hiểm thực sự đối với họ.
Thông qua phương thức xác định đối thủ, tuyển dụng và thống trị những lĩnh vực cơ bản, những gã khổng lồ công nghệ dễ dàng mua lại, sao chép tính năng, đe dọa hay thực hiện những chiến lược khác nhằm đẩy các công ty khởi nghiệp đi đến bờ vực sụp đổ.
Điển hình là trường hợp của Snap. Sau khi thất bại trong nỗ lực mua lại Snap với giá 3 tỷ đô la vào năm 2013, Facebook đã cho ra đời nhiều phiên bản mô phỏng tính năng của Snapchat và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nó một cách rõ rệt.
Bên cạnh đó, các ông trùm công nghệ được biết luôn sẵn sàng đe dọa đưa ra các sản phẩm cạnh tranh và “đá” các công ty trẻ ra khỏi thị trường nếu không đồng ý thỏa thuận điều khoản ngầm từ họ.
Năm 2015, ứng dụng phát video trực tiếp Meerkat do Life on Air phát hành đã bị xóa khi Twitter mua lại và quảng bá một ứng dụng cạnh tranh khác Periscope. Không lâu sau đó, Facebook cũng sao chép lại Houseparty, ứng dụng chuyên cung cấp các cuộc gọi video nhóm từ công ty này và ngang nhiên “đá” nó ra khỏi thị trường.
Do đó, hiện tại các công ty trẻ đang gặp phải nhiều khó khăn khi quyết định bước chân vào cuộc chiến khởi nghiệp một mất một còn. Những công ty khởi nghiệp có nguy cơ bị bóp nát ngay từ khi mới bắt đầu, không có cơ hội phát triển và dễ dàng trở thành miếng bánh bị xâu xé và nuốt trọn bởi những công ty lớn.
Các ông lớn luôn có hàng tấn dữ liệu để nhận diện nhanh chóng những công ty tiềm năng, từ đó đưa ra chiến lược đối phó phù hợp trước khi nó phát triển lớn mạnh hơn. Hằng năm, những gã khổng lồ luôn tổ chức cuộc họp để công bố các công cụ, tính năng và những công ty mua lại. Mike Driscoll, đối tác tại Data Collective – một công ty đầu tư cho biết “Các nhà đầu tư mạo hiểm tham dự để xem công ty nào của họ sẽ bị giết tiếp theo.”
Từ những lý do kể trên, việc thống trị của các ông trùm công nghệ đã tạo nên những ảnh hưởng đáng chú ý lên sự phát triển của các công ty khởi nghiệp và cả nền công nghệ Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Sự bành trướng của ông lớn từ thung lũng Silicon khiến các nhà đầu tư mạo hiểm e ngại về các doanh nghiệp trẻ cũng như doanh thu và lợi nhuận của họ trong tương lai. Điều này làm giảm số lượng các công ty khởi nghiệp khi không tìm được nguồn tài trợ để hoạt động.
Mặt khác, các ông lớn về công nghệ có đủ khả năng bỏ ra một số tiền lớn để giữ chân những người có năng lực hàng đầu và thậm chí là gây áp lực tài chính lên những nhân viên mà có ý định tham gia khởi nghiệp. Con người là nền tảng của sự khởi đầu và sáng tạo. Việc “thâu tóm” quá nhiều nhân tài từ những ông lớn khiến các công ty khởi nghiệp ngừng gia tăng về cả số lượng lẫn chất lượng.
Song song với việc thiếu mất nguồn nhân lực tài năng, các công ty khởi nghiệp dần ít tham vọng hơn trong việc xây dựng và biến một công ty mới phát triển thành tập đoàn lớn mạnh, thậm chí vượt qua những ông lớn. Ajay Royan từ Mithril Capital, một công ty đầu tư vào công nghệ cho rằng: “90% các công ty khởi nghiệp tôi thấy được xây dựng để bán, chứ không phải để phát triển.”
Sự độc tôn của các ông lớn tạo nên đế chế công nghệ phổ biến toàn cầu nhưng vô tình cũng kìm hãm sự phát triển của công nghệ. Về tính chất, các công ty lớn vốn xuất phát điểm từ những công ty khởi nghiệp.
Nếu không có khởi nghiệp, sẽ không có những ông trùm phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay, đó là Apple và Microsoft trong những năm 1970, Amazon, Yahoo và Google những năm 1990 hay Facebook từ năm 2000.
Nhận thấy ít khả năng cạnh tranh với những ông trùm công nghệ trên sân nhà của họ, các nhà đầu tư và khởi nghiệp đang tìm đến một hướng đi mới. Đó chính là những lĩnh vực mà chưa có người tiên phong tiêu biểu như tiền điện tử và sinh học tổng hợp.
Hiện tại, các ông lớn vẫn đang giữ vai trò thống trị trong ngành công nghệ. Nhiều người cho rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã lỗi thời và không còn ai đủ tầm để thành công như Facebook hay Google trong ít nhất 10 năm tới. Nhưng vấn đề này vẫn còn là một ẩn số bởi không ai biết chắc chắn được trong tương lai, con người với trí sáng tạo của mình có thể tiến xa được như thế nào.
Tạ Ái Nhi (Theo Economist)