Những bí ẩn đằng sau “đế chế chocolate” của gia tộc giàu thứ 2 thế giới: Đóng chặt cánh cửa với dư luận và nhất quyết không niêm yết công ty
Tồn tại và phát triển suốt 107 năm, Mars – gia tộc giàu thứ 2 thế giới, là một trong số ít những công ty vẫn thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình. Một điều kỳ lạ là thế hệ lãnh đạo thứ 4 của đế chế chocolate này từng tuyên bố sẽ không bao giờ bán cổ phần ra công chúng.
Được sáng lập bởi Franklin Clarence Mars tại khu bếp trong căn nhà ông sống vào năm 1911, Mars hiện là công ty tư nhân lớn thứ 6 tại Mỹ, với tổng doanh thu trên toàn cầu là 37 tỷ USD trong năm tài chính 2018.
Frank sinh ra tại Minnesota vào năm 1883. Khi còn nhỏ, ông mắc chứng bại liệt và không thể đi học như những người bạn đồng trang lứa. Do đó, tuổi thơ của ông gắn liền với căn nhà thời thơ ấu, cùng với những bài học mẹ giảng và những công thức làm chocolate trong nhà bếp. Năm 19 tuổi, ông kết hôn cùng bà Ethel Kissack và cậu bé Forrest Mars ra đời không lâu sau đó. Ông bắt đầu tự làm và bán kẹo kem bơ ngay trong chính căn bếp của mình.
Tuy nhiên, 8 năm sau, cuộc hôn nhân tưởng chừng hạnh phúc đã đổ vỡ và ông tái hôn với một người phụ nữ khác cũng có tên Ethel với họ là Healy. Sau đó, hai vợ chồng ông khởi nghiệp vào năm 1911, mở công ty sản xuất kẹo đầu tiên tại Minneapolis với sản phẩm đầu tiên là Patricia Chocolates. Dẫu vậy, công việc kinh doanh đã thất bại và ông bị chủ nợ tịch thu toàn bộ đồ đạc cá nhân, Frank buộc phải đệ đơn xin phá sản.
Đến năm 1920, ông quyết định gây dựng lại từ đầu và chuyển về Minnesota chỉ với vỏn vẹn 400 USD. Mỗi ngày thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, ông đã cần mẫn thử nghiệm, tìm kiếm những công thức làm kẹo mới, còn bà Ethel đi chào hàng cho các cửa hàng trong thành phố. Năm 1923, Frank đã cho ra đời thanh chocolate nổi tiếng đến ngày nay là Milky Way sau một thời gian thử nghiệm những công thức khác nhau.
Vạn sự khởi đầu nan, 2 năm sau đó, nhờ Milky Way, doanh thu của Mars đã vượt mốc 700.000 USD. Theo đó, Frank đã đi đến quyết định đổi tên công ty thành Mars Candies vào năm 1926. Bất chấp thời điểm cả nước Mỹ gặp khó khăn vì Đại Suy thoái, doanh thu của “nhà máy kẹo” vẫn tăng gấp 4 lần. Thừa thắng xông lên, công ty đã cho ra đời thêm nhiều sản phẩm mới, trong đó có Mars Almond Bar (phủ hạnh nhân), Snickers Bar (phủ chocolate) và 3 Musketeers.
Hiện tại đã là thế hệ lãnh đạo thứ 4, Mars vẫn luôn đứng vững là một trong những công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ với chiến lược kinh doanh độc đáo. Dù cực kỳ nổi tiếng với những thanh kẹo chocolate sữa như Snickers, Milky Way hay M&M’s, nhưng Mars lại sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang những lĩnh vực khác. Theo ước tính, hiện tại, nhà Mars trong năm đã nắm giữ khối tài sản trị giá 126,5 tỷ USD và là gia tộc giàu thứ 2 thế giới, sau nhà Walton sở hữu thương hiệu Walmart.
Frank từng thuê con trai duy nhất của mình là Forrest Mars về làm việc cho công ty sản xuất kẹo sau khi anh tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, giữa hai người đã có nhiều bất đồng trong hướng phát triển của công ty, khi Forrest không ủng hộ lối sống xa hoa của cha sau khi trở nên giàu có. Khi đến công ty, anh thường làm việc theo ý mình và “bỏ ngoài tai” những ý kiến của cha.
Đầu những năm 1930, Forrest nhận được 50.000 USD từ cha và quyền sử dụng thương hiệu Milky Way để ra nước ngoài khởi nghiệp. Forrest đã đến London và xây dựng nhà máy đầu tên của Mars bên ngoài Mỹ mở rộng kinh doanh sang mảng thức ăn đóng hộp cho vật nuôi Pedigree và Whiskas, đồng thời thâu tóm thương hiệu gạo Uncle Ben’s. Sau khi kí kết thỏa thuận đảm bảo nguồn cung cacao, Forrest đã cho ra đời thương hiệu M&M’s nổi tiếng cùng Hershey.
30 năm sau khi Frank qua đời và công ty được điều hành bởi Ethel Healy cùng em trai bà, Forrest mới chính thức nắm giữ vị trí cao nhất trong hãng sản xuất kẹo. Nhận thấy doanh số công ty chững lại, Forrest đã áp dụng một loạt thay đổi đối với công thức kẹo khi nhậm chức. Cùng với đó là cách thức điều hành doanh nghiệp cực kỳ nghiêm ngặt, được quản lý theo chiều dọc để kiểm soát nhiều bộ phận, đồng thời khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng mới.
Forrest quyết định nghỉ hưu vào vào năm 1969, nhường quyền điều hành cho 3 người con là Forrest Mars Jr., John và Jacqueline, nhưng ông vẫn đứng sau hỗ trợ các con. 30 năm sau, ông qua đời, quyền điều hành cao nhất được trao cho người con trai cả là Forrest Mars Jr. Còn hiện tại, thế hệ lãnh đạo thứ 4 của gia tộc giàu thứ 2 thế giới là Stephen Badger – con trai của bà Jacqueline.
Khác với những câu chuyện tranh giành quyền lực của nhiều gia tộc lớn trên thế giới, nhà Mars lại cực kỳ kín tiếng và rất hiếm khi xuất hiện trong một tấm ảnh hay bài phỏng vấn nào. Thay vào đó, họ chỉ có tên trong các danh sách tỷ phú.
Đến ngày nay, thế hệ thừa kế thứ 4 của gia tộc này cũng ít “ra mặt” trước truyền thông, có cuộc sống ít tiếng tăm và thậm chí được cho là “bí ẩn”. Bà Jacqueline Mars hiện đang nắm giữ khối tài sản trị giá 24,7 tỷ USD và đứng thứ 29 trong bảng xếp hạng những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes. 3 người con của bà với chồng cũ David Badger là: Stephen, Alexandra and Christa. Đặc biệt, bà Jacqueline đã quyên góp nhiều tiền cho các hoạt động từ thiện liên quan đến giáo dục, môi trường, văn hóa và sức khỏe.
Hiện tại, Mars có khoảng 115.000 nhân sự làm việc ở nhiều văn phòng, nhà máy sản xuất ở 74 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu hơn 60 thương hiệu từ chocolate, kẹo cao su, thực phẩm, đồ uống, cho đến thức ăn cho thú cưng và có doanh thu khoảng 35 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất của “đế chế chocolate” là sau hơn 100 năm hoạt động, công ty này vẫn thuộc sở hữu của các thành viên trong nhà và là một trong những công ty gia đình có quy mô khổng lồ hiếm hoi không chỉ tại Mỹ mà còn trên thế giới.
Năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, ông Stephen Badger đã chia sẻ về hướng đi của Mars trong tương lai. Ông cho biết công ty sẽ không bao giờ chào bán cổ phần ra công chúng. Badger nói: “Chúng tôi cam kết rằng Mars sẽ thuộc sở hữu tư nhân 100%. Chiến lược này sẽ giúp chúng tôi theo đuổi hướng đi và tương lai của riêng mình, cùng với đó là đầu tư vào dài hạn.”
Ngoài ra, ông giải thích rằng việc chỉ thuộc sở hữu của gia đình sẽ giúp họ có được sự linh hoạt mà nhiều công ty niêm yết “nằm mơ cũng không thể có”. Ông nói: “Điều này giúp chúng tôi có lợi thế cạnh tranh và khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng.” Badger cũng lấy ví dụ về thương vụ thâu tóm Wrigley vào năm 2008 với 23 tỷ USD vào năm 2008, quyết định được đưa ra chi trong một “cuộc trò chuyện nhanh chóng” của tất cả các cổ đông.
Vị lãnh đạo của “đế chế chocolate” chia sẻ: “Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán, chịu áp lực vào mỗi quỹ hay tác động của những hành vi thiếu kiên nhẫn, lợi nhuận của thị trường chứng khoán.”
Theo Tổ Quốc