Một nhóm giáo viên ở Cà Mau khởi nghiệp phát triển nghề đan móc, thêu các sản phẩm thủ công với mong muốn “giữ hồn” nghề truyền thống, tạo việc làm, quảng bá du lịch.

Nói về ý tưởng khởi nghiệp này, đại diện nhóm giáo viên trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, cô Trần Kim Ngoan chia sẻ, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm như túi, ví… làm từ nhựa và da. Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá thành rẻ, hạn sử dụng không lâu hoặc khi hư hỏng thải ra ít nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, các nghề thủ công truyền thống hiện nay ngày càng thu hẹp phạm vi. Việc truyền nghề, nhất là cho thế hệ trẻ để bảo vệ các giá trị truyền thống cũng trở nên khó khăn.

Nhóm giáo viên trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau với dự án khởi nghiệp phát triển nghề đan móc, thêu các sản phẩm thủ công từ len, sợi (Ảnh: NVCC).

Theo cô Ngoan, Cà Mau là tỉnh vùng cực Nam của Tổ quốc, có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Thời gian qua, lượng khách du lịch đông, tuy nhiên việc quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh này còn hạn chế.

“Vì những lý do đó, nhóm chúng tôi thực hiện dự án để góp phần bảo vệ môi trường, truyền lòng nhiệt huyết, yêu nghề, nâng cao các giá trị thẩm mỹ bằng các sản phẩm thủ công vừa hiện đại, vừa truyền thống, cũng như góp phần quảng bá du lịch ở nơi tận cùng của tổ quốc”, cô Ngoan chia sẻ.

Những thành viên trong nhóm giáo viên khởi nghiệp dự án đều là nữ, có trình độ cao. Ngoài cô Ngoan – thạc sĩ văn học, còn có cô Sử Huỳnh Anh – thạc sĩ Kinh tế & Tài chính, cô Nguyễn Hồng Sửa – cử nhân Văn hóa du lịch, cô Nguyễn Thị Oanh – cử nhân Mỹ thuật.

Một sản phẩm giỏ xách của nhóm, trong đó nổi bật hình ảnh biểu tượng mũi tàu Cà Mau nổi tiếng (Ảnh: HH).

Hình thức triển khai dự án này chủ yếu là đan móc và thêu các sản phẩm thủ công từ len, sợi như ví, túi xách, mũ, ba lô, khăn choàng… Điểm nổi bật của các sản phẩm là ở phần trang trí với hình ảnh các biểu tượng, địa điểm, nổi tiếng ở Cà Mau như cột mốc tọa độ quốc gia, mũi tàu… Các cô giáo cũng nhấn mạnh phương châm tất cả các yêu cầu của khách hàng về tạo hình đều được đáp ứng.

“Dự án được phát triển dựa trên tay nghề thủ công năng khiếu của các giáo viên, tạo nên các sản phẩm sáng tạo, hướng đến nhóm khách hàng nữ từ 18 đến trên 54 tuổi, với khoảng 70% là nhân viên công sở, còn lại là các ngành nghề khác.

Có 3 nhóm khách hàng chính đó là khách mua vì sở thích, khách đam mê hàng hiệu, khách thích “sự độc quyền”. Trong đó, nhóm khách thích “sự độc quyền” chiếm số lượng lớn, vì khách có thể tự sáng tạo các chi tiết, hình ảnh, chất liệu, kiểu dáng cũng như màu sắc của sản phẩm và sẽ được cung cấp đúng như lựa chọn đó”, cô Ngoan chia sẻ thêm ý tưởng của nhóm.

Nhóm giáo viên hướng đến mục tiêu “giữ hồn” nghề đan móc, thêu truyền thống, vừa quảng bá du lịch thông qua các sản phẩm (Ảnh: NVCC).

Một trong những mục tiêu của dự án theo nhóm giáo viên này là còn hướng đến tạo được việc làm cho sinh viên, người lao động nhàn rỗi tại địa phương. Thay vì đi làm thêm phục vụ ở các quán nước, quán ăn, đám tiệc, bán quần áo cho các shop, sinh viên có thể ngồi tại nhà để đan móc, thêu. Việc này vừa giúp luyện tập cho đôi bàn tay khéo léo, tư duy sáng tạo khi thực hiện sản phẩm, lại vừa có thể kiếm thêm thu nhập trang trải việc học.

“Khi sinh viên ra trường, nếu yêu thích có thể lập nhóm để tạo ra các sản phẩm, hoặc tạo ra shop, cửa hàng của riêng mình và kinh doanh các mặt hàng quà lưu niệm từ các sản phẩm thủ công này”, cô Ngoan gợi mở.

Nhóm giáo viên nhận giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2022 (Ảnh: NVCC).

Dự án khởi nghiệp “Phát triển nghề đan móc, thêu các sản phẩm thủ công từ len, sợi” của nhóm giáo viên trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đã đạt giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau, tổ chức vào ngày 26/10.

THEO NHẬT LINH ĐAN
(Báo Dân Trí)