Nhìn thành công của SpaceX, các startup châu Á mơ về ‘thiên đường’
Sau thành công của SpaceX, hàng loạt công ty châu Á khao khát chiếm một vị trí trên thị trường dịch vụ không gian, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính và kỹ thuật.
Trong suốt 19 tiếng ngày 31/5, doanh nhân Nobu Okada dán chặt mắt vào màn hình máy vi tính để theo dõi sự kiện SpaceX phóng tàu vũ trụ Crew Dragon từ Cape Canaveral (Florida, Mỹ) đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đó là thời khắc lịch sử trong lĩnh vực ngành hàng không vũ trụ.
Công ty của tỷ phú Elon Musk trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên phóng tàu vũ trụ đưa người vào không gian. Với Okada và rất nhiều doanh nhân khác trong ngành dịch vụ hàng không vũ trụ châu Á, thành công của SpaceX vừa là niềm cảm hứng, vừa là thách thức to lớn.
“Tôi sẽ còn tiến xa hơn thế”, CEO 47 tuổi của hãng Astroscale (Nhật Bản) khẳng định với Nikkei Asian Review. Tuy nhiên, việc những công ty Astrocale có thể đuổi kịp và cạnh tranh với SpaceX hay không là một câu hỏi lớn.
Ngành công nghiệp tỷ USD
Theo hãng tư vấn Bryce Space and Technology, các startup dịch vụ không gian toàn cầu huy động được hơn 5,7 tỷ USD tiền đầu tư trong năm 2019, tăng 61% so với năm 2018 và 500% so với năm 2014. Tuy vậy, dòng vốn đầu tư đang cạn dần do tác động kinh tế khủng khiếp của dịch Covid-19.
Trong khi đó, các startup dịch vụ không gian Trung Quốc còn đối mặt với những khó khăn lớn hơn khi căng thẳng thương mại – chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
“Ngành dịch vụ không gian luôn cực kỳ khắc nghiệt. Nhiều công ty cố gắng học theo những gì SpaceX đã đạt được nhưng không thể, dù là về nghiên cứu phát triển hay thương mại hóa”, Simon Gwozdz – người sáng lập Equatorial Space Systems, startup tên lửa có trụ sở tại Singapore – cho biết.
Công ty của ông có kế hoạch phóng tên lửa nghiên cứu thương mại đầu tiên tại Đông Nam Á vào đầu năm 2021. “Trong thời kỳ đầy thử thách này, ai có công nghệ tốt hơn, cách tiếp cận thị trường thực tế hơn và quyết tâm tồn tại mãnh mẽ hơn mới có thể trụ lại”, ông Gwozdz nhấn mạnh.
Doanh nhân Okada cũng cho rằng đây là thời điểm sống còn đối với ngành công nghiệp dịch vụ không gian. “Các công ty không nên quá thận trọng trong thời điểm này mà nên nhìn nhận nó như một cơ hội”, nhà sáng lập Astroscale quả quyết.
Astroscale mua lại một công ty khởi nghiệp ở Israel hôm 3/6 để làm bàn đạp xâm nhập thị trường dịch vụ bảo dưỡng vệ tinh trên quỹ đạo. Đây là lĩnh vực còn rất mới mẻ và có thể thu hút nhiều nhân tài có kinh nghiệm. Astroscale tiết lộ đã nhận được rất nhiều đơn xin việc chất lượng.
Theo ông Okada, những thành công vừa qua của SpaceX là dấu hiệu cho thấy thị trường dịch vụ không gian đang mở rộng, cơ hội dành cho những công ty như Astroscale là rất nhiều. “Dịch vụ dọn dẹp các mảnh vỡ và đảm bảo an toàn cho tàu vũ trụ là rất quan trọng”, ông Okada nói.
Thách thức chực chờ
Tham vọng của các công ty là rất lớn, nhưng hiện ngành dịch vụ không gian không dễ huy động vốn đầu tư. Các startup Nhật Bản thu hút hơn 560 triệu USD trong 5 năm qua. Tuy nhiên, hàng loạt nhà tài trợ truyền thống như hãng hàng không và công ty du lịch đang kiệt quệ vì dịch Covid-19, do đó không thể tiếp vốn cho những dự án không gian.
Bên cạnh đó là những rào cản kỹ thuật không hề đơn giản. Công ty Interstellar Technologies – đặt trụ sở tại Hokkaido, do doanh nhân Takafumi Horie thành lập – thất bại trong nỗ lực phóng tên lửa lên quỹ đạo hôm 14/6. Năm ngày sau, startup này tuyên bố sẽ thực hiện một đợt phóng mới trong mùa hè.
Interstellar từng phóng thành công một tên lửa nghiên cứu dài 10 m vào không gian hồi tháng 5/2019, nhưng chưa thể lặp lại chiến tích đó. Bất chấp hàng loạt thất bại, Chủ tịch Takahiro Inagawa vẫn tuyên bố SpaceX và người đồng sáng lập của hãng là Tom Mueller truyền cảm hứng cho ông.
“Ông ấy từng chỉ là một nhà sáng chế tên lửa nghiệp dư, cố gắng tạo ra một quả tên lửa nhỏ. Chỉ 20 năm sau, ông ấy thực hiện được một đợt phóng tên lửa lịch sử. Điều đó thật ấn tượng. Chúng tôi cũng có thể làm như vậy”, ông Inagawa nói:
Trong khi đó, các công ty dịch vụ không gian Trung Quốc gặp khó vì căng thẳng Mỹ – Trung. Với phần lớn startup, nguồn thu lớn nhất là hợp đồng phóng tên lửa. Từ năm 1999, chính phủ Mỹ cấm các tổ chức Trung Quốc phóng vệ tinh có thành tố Mỹ. Washington cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp công nghệ tên lửa và không gian.
“Các công ty dịch vụ không gian Trung Quốc, dù là tư nhân hay nhà nước, đều bị từ chối tiếp cận thị trường quốc tế”, nhà phân tích Li Chao ở Thượng Hải cho biết. “Không nhiều nơi muốn mạo hiểm đối đầu Mỹ để ký hợp đồng phóng vệ tinh với một công ty Trung Quốc”.
Thị trường không gian tại Trung Quốc bị những tập đoàn nhà nước lớn như China Long March Rocket kiểm soát. Do đó, các startup tư nhân non trẻ hầu như không có nguồn thu. “Ngành công nghiệp không gian Trung Quốc vật lộn để tồn tại ngay từ đầu”, chuyên gia Li lý giải.
Theo Zing