Nhân tài Việt ở Amazon gợi ý 4 việc cần làm cho DN Việt nhằm tận dụng cơ hội bứt phá ‘ngàn năm có một’ của ngành TMĐT
Theo chị Xuân Ngọc – Quản lý kế toán & Phân tích tài chính từ Amazon – Mỹ, thì Covid-19 chính là cơ hội bứt phá ‘ngàn năm có một’ cho ngành TMĐT. Để tận dụng thời cơ, các doanh nghiệp cần tiếp cận khách hàng ở nhiều nền tảng, đẩy mạnh digital marketing, đa dạng cung ứng và có nhân lực rành công nghệ.
Chị Nguyễn Hồng Xuân Ngọc – Quản lý kế toán & Phân tích tài chính từ Amazon
Covid-19 đã khiến cả thế giới đảo lộn, rất nhiều hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi, tuy nhiên không phải tất cả những sự thay đổi đều là vĩnh viễn mà có khi chỉ nhất thời. Với con mắt của người làm lâu năm trong ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Mỹ cũng như trong doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Amazon, chị Nguyễn Hồng Xuân Ngọc cho rằng, 4 xu hướng sau đây sẽ tiếp tục hậu Covid-19.
“Người tiêu dùng sẽ ngày càng quan tâm đến giá cả và giá trị. Như chúng ta đều biết, ½ lao động toàn cầu đã lâm vào cảnh mất việc làm bởi Covid-19. Cho dù theo nhiều dự đoán, Covid-19 sẽ dần được khống chế trong năm 2021 sau khi có vaccine, nhưng nền kinh tế thế giới cần rất nhiều thời gian. Do đó, người tiêu dùng có thể thắt lưng buộc bụng – dè dặt trong chi tiêu trong vài năm.
Thứ hai, sau khi người tiêu dùng thay đổi nhãn hàng mới, họ sẽ không quay lại nhãn hàng cũ. Như chúng ta đã biết, khi Covid-19 bùng nổ ở Trung Quốc – công xưởng của cả thế giới, đã khiến các chuỗi cung ứng gãy đổ; nhiều thương hiệu đã không đủ hàng đủ bán do thiếu nguyên liệu. Vì không mua được thương hiệu cũ, người tiêu dùng buộc phải tìm thương hiệu mới thay thế. Nếu ‘người mới’ có giá cả và chất lượng ổn định, họ sẽ không quay trở lại với ‘người cũ’.
Thứ ba, người dân buộc phải mua hàng online nhiều hơn do chính sách ‘bế quan tỏa cảng’ và giãn cách xã hội từ Chính phủ của nhiều nước. Bây giờ, ngay người già và người không giỏi công nghệ cũng buộc phải thích nghi, tìm đến kênh mua hàng trước đó họ chưa từng nghĩ là mình sẽ dùng. Một khi đã vượt qua lần đầu, những lần sau sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, họ dễ dàng bị chinh phụ bởi những tiện ích như giao tận nhà, thanh toán online…
Cuối cùng, người tiêu dùng càng ngày càng yêu thích sự tiện dụng. Họ thích hàng giao tận nhà, đổi trả miễn phí, chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể thoải mái mua sắm“, chị Xuân Ngọc nêu cụ thể trong một hội thảo do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức.
Với những xu hướng tiêu dùng mới này, đây là cơ hội bứt phá “ngàn năm có một” của ngành thương mại điện tử trên thị trường thương mại. Doanh số của Amazon trong quý II/2020 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường Canada, Amazon cũng tăng 29% doanh thu trong quý II/2020.
Ngoài ra, đây cũng sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trước đây, muốn xuất khẩu sản phẩm hoặc mở rộng thị trường ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt phải cử người đi nghiên cứu thị trường, tham gia các hội chợ hoặc phải quen biết người có quan hệ tốt trong ngành….Nhưng bây giờ, chỉ cần tham gia các sàn thương mại điện tử như Amazon hoặc Alibaba, doanh nghiệp vẫn có cơ hội xuất khẩu bất chấp đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thuận lợi khi nào cũng kèm với thách thức, ví dụ như thị trường TMĐT sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn. Trước đây, muốn bán hàng chúng ta phải có vốn để mở cửa hàng, nhưng bây giờ điều đó không cần thiết nữa. Với TMĐT hay bán hàng online, chúng ta chỉ cần tốn vài phút đăng ký một fanpage hoặc shop ‘ảo’ đã có thể hành nghề. Điều này khiến rào cản gia nhập nhiều ngành trở nên thấp hơn.
Ngoài ra, để đảm bảo giá tốt và sự tiện lợi cũng không dễ dàng, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào logistics và chuỗi cung ứng. Mà ai cũng biết, 2 yếu tố này rất khó kiểm soát và chỉ cần một trong 2 không bảo đảm, doanh nghiệp không thể thực hiện cam kết với khách hàng. Ví dụ: trong Covid-19, giá shipping – vận chuyển đường dài rất cao do khan hiếm nguồn cung.
“Để có thể tận dụng thời cơ, các doanh nghiệp cần tiếp cận khách hàng ở nhiều nền tảng, đẩy mạnh digital marketing, đa dạng cung ứng – kho bãi và có nhân lực rành công nghệ“, chị Xuân Ngọc đề nghị.
Về kênh phân phối, ngoài các kênh truyền thống như siêu thị, bách hóa nhà bán sỉ; các doanh nghiệp Việt cần tiến lên các nền tảng bán hàng online để tiếp cận các phân khúc khách hàng mới. Ví dụ, bán hàng qua website, Facebook, Shopee, Tiki hay Amazon và Alibaba. Sau khi xây dựng các gian hàng online, doanh nghiệp cần tìm cách nâng cao trải nghiệm bán hàng với hình ảnh đẹp, mô tả sản phẩm chi tiết – cụ thể, thanh toán dễ dàng, bảo hành nhanh chóng…
Về marketing, doanh nghiệp nên đẩy mạnh digital marketing qua Facebook, Google hoặc làm SEO. Áp dụng triệt để tiếp thị nội dung qua các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng về đặc điểm riêng của từng platform bán hàng – ví dụ như Amazon, để điều chỉnh cách thể hiện và marketing online phù hợp.
Về logistics và cung ứng: doanh nghiệp cần đa dạng nhà cung ứng, để nếu nhà cung ứng này gặp vấn đề chúng ta còn có phương án dự phòng; với logistics, thay vì bỏ hàng ở một kho tập trung, chúng ta có thể bỏ ở các kho rải rác, bảo đảm việc giao hàng nhanh nhất. Doanh nghiệp cũng nên cân nhắc việc đầu tư các hệ thống tự động hóa, như đặt hàng tự động nhằm đảm bảo mình không bao giờ hết hàng trong kho.
Cuối cùng, để thực hiện các hoạt động trên, chúng ta cần có nhân viên rành về công nghệ. Nếu không có sẵn người, chúng ta có thể thuê hoặc đào tạo.