Sau thời gian làm việc tại Israel, Nguyễn Tá Đông cùng đội ngũ những người trẻ ham học thuộc thế 9X trở về quê hương xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững kiểu mới.

Đồng sáng lập The Moshav Farm Nguyễn Tá Đông.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Khởi đầu tại vùng đất Ninh Thượng, Ninh Hòa, Khánh Hòa xa xôi hẻo lánh, Nguyễn Tá Đông cùng 3 thành viên sáng lập The Moshav Farm khác mong muốn tạo việc làm để người dân không phải ly hương, mà có thể làm giàu trên quê hương mình. Bắt đầu từ tháng 10/2018 với diện tích 10 ha, một năm sau, dự án này có sản phẩm đầu tiên và năm 2020 đón thêm cổ đông góp vốn, phát triển nhiều dòng sản phẩm và xây dựng hệ thống bán hàng.

Một trong 4 đồng sáng lập The Moshav Farm là Trương Hoàng Nam, cựu sinh viên Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhớ lại thời điểm bắt đầu dự án có 2.000 cây chuối đang vào vụ thu hoạch. Họ đã nghĩ cách làm ra nhà sấy năng lượng mặt trời để sấy chuối, chứ kiên quyết không bán nông sản tươi. Kết quả, thành phẩm thu được theo kiểu tươm mật, không dính tay, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được khách hàng đặt mua toàn bộ.

Ở The Moshav Farm, mỗi nhà sáng lập phụ trách một mảng, như Tá Đông phụ trách điều hành chung, Phạm Minh Thông phụ trách tài chính, Trương Hoàng Nam phụ trách sản xuất, còn Nguyễn Tiến phụ trách kinh doanh. Họ thường dậy lúc 4 rưỡi sáng, ra đồng từ 5 giờ đến 8 giờ sáng, sau đó vào vai “nhân viên văn phòng” đến 3 giờ 45 phút chiều và lại vác cuốc ra đồng đến khi nắng tắt bên kia dãy núi Thanh Vân.

Điều tôi tự hào nhất là một tập thể có văn hoá đội nhóm, có những buổi rèn kỹ năng thuyết trình và phản biện không thua kém tập đoàn đa quốc gia nào. Khách nước ngoài đến, chúng tôi vẫn rào rào bắt chuyện và dẫn đi khắp vùng trồng giới thiệu mà không cần phiên dịch.

Nguyễn Tá Đông

Đông khẳng định, đội ngũ này không theo đuổi mô hình thu mua đất, xây dựng mô hình, sau đó bán lại toàn bộ, mà sẽ gia tăng giá trị trên đất thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp, có thể tạo thêm việc làm cho người dân, nhân rộng các mô hình hiệu quả. “Nếu theo mô hình tìm kiếm lợi nhuận từ bất động sản, chúng tôi sẽ có lợi, nhưng người dân thì không”, Tá Đông chia sẻ.

Một số mô hình đã được The Moshav Farm thử nghiệm thành công như vườn nho công nghệ cao áp dụng nhà màng và hệ thống tưới tự động, hiện trong giai đoạn ra trái; mô hình nuôi cừu được nhân đàn từ 50 con lên 80 con trong một năm, cũng như một số mô hình dừa, bưởi, xoài, các loại hoa… “Trước đây, không ai nghĩ vùng này có thể trồng được các loại cây ăn trái, nhưng The Moshav Farm đã và đang làm. Chúng tôi áp dụng công nghệ để giải quyết vấn đề”, Đông chia sẻ.

Xây dựng tập thể “không có ai bụng to”

Từ năm 2012 đến nay, The Moshav Farm đã phát triển từ 25 đại lý bán hàng lên 350 đại lý trên cả nước. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn điều lệ là 15 tỷ đồng và vốn thực góp là 26 tỷ đồng. Công ty có tài sản là 56 ha đất mua lại từ nhiều hộ dân.

Đến nay, The Moshav Farm đã đưa ra thị trường hơn 10 dòng sản phẩm khác nhau, như rượu vang nổ, bột gừng túi lọc, nước rửa tay bồ hòn… Các sản phẩm này đều được tạo ra từ vùng trồng mà họ canh tác, thông qua việc kết hợp với các trường đại học, giảng viên chuyên nghiên cứu khoa học, sử dụng nhà máy sấy năng lượng mặt trời, sấy lạnh và các loại máy móc khác để giảm bớt sức người. Ước tính trong cả năm 2021, doanh thu bình quân của dự án dao động từ 600- 800 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2022, Đông cho biết, đội ngũ The Moshav Farm sẽ xây dựng khu nghiên cứu và phát triển để chuyển toàn bộ các mô hình nông sản đang thử nghiệm thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, diện tích đất canh tác sẽ tăng hơn 2 lần, nhân sự tăng 12 lần, hợp tác với hàng trăm đại lý/cộng tác viên.

“Ở vùng đất này, người dân trước chỉ trồng mía và các cây ngắn ngày. Nhưng khi chúng tôi về, nhiều người đã đến tham khảo mô hình trồng cây ăn trái, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp vùng đất này có sự chuyển mình mới”, Đông chia sẻ niềm tự hào lớn nhất của đội ngũ The Moshav Farm.

Các nhà sáng lập The Moshav Farm cũng tự hào khi đã xây dựng một tập thể có văn hóa đội nhóm. Tất cả sống, làm việc theo chính sách “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”, nên đã có nhân sự có thu nhập tiệm cận và vượt mức 1.000 USD/tháng.

Theo Đông, điểm chung của những nhân sự này là “không có ai bụng to, không ai uể oải, không ai chán nản than buồn”, vì đơn giản là không có thời gian. Dù doanh nghiệp đóng đô ở một xã vùng sâu, vùng xa, dù sáng dầm mưa hốt phân, chiều phơi nắng dọn cỏ, dù da đen cháy và áo quần lam lũ, dù vào phòng học mà mồ hôi vẫn ròng ròng chảy, nhưng họ đều hạnh phúc được đóng góp cho kinh tế địa phương và với họ, đó mới là yếu tố tạo nên giá trị bền vững.

THEO HỒNG PHÚC
(Báo Đầu tư)