Sau hơn 1 năm đi tiên phong, trải qua bao khó khăn để đưa xe đạp chia sẻ tới người dân đặc khu…

Sau hơn 1 năm đi tiên phong, trải qua bao khó khăn để đưa xe đạp chia sẻ tới người dân đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), trung tuần tháng 7 này, nhà khai thác xe đạp chia sẻ đầu tiên của đặc khu Gobee.bike buộc phải ra thông báo đóng cửa vì thua lỗ và chi phí bảo trì quá lớn.

Đi tiên phong và chết yểu đầu tiên

Gobee.bike bắt đầu bước chân vào thị trường Hong Kong từ tháng 4/2017 tại một số quận chính của thành phố. Người dùng có thể thuê xe đạp bằng cách quét mã QR qua điện thoại di động.

Cũng như các dịch vụ chia sẻ xe khác đang thịnh hành tại Trung Quốc đại lục, người dùng Gobee không cần phải lấy và trả xe ở các vị trí cố định như các dịch vụ cho thuê xe truyền thống.

Sau sự ra đời của Gobee, chỉ trong hơn 1 năm, ngành công nghiệp này đã phát triển chóng mặt. Đã có tổng cộng 7 công ty chia sẻ xe cạnh tranh chỉ riêng ở Hong Kong, với số xe lên tới 25.000 chiếc – số liệu do Sở Giao thông Hong Kong cung cấp.

Tính đến tháng 8 năm ngoái, Gobee.bike gọi vốn 9 triệu USD cho phát triển, nghiên cứu, công nghệ cũng như mở rộng ra toàn cầu. Trong số 25.000 xe, có 17.000 xe của Gobee.

Nhưng từ đầu năm nay, Gobee bắt đầu giảm bớt hoạt động tại Pháp và Italia vì thua lỗ, chi phí sửa chữa xe đạp quá cao. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hãng này phải đóng cửa ngay trên đất Hong Kong.

Người dùng Gobee.bike ở đặc khu này có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ cho đến ngày 17/7 vừa qua và nhận bồi thường 399 đô-la Hong Kong tiền đặt cọc nhưng không nhận được tiền còn thừa chưa sử dụng trong tài khoản.

Không riêng Gobee.bike, 6 đối thủ khác cũng đối mặt với tương lai khó khăn khi đều chứng kiến cảnh trộm cắp, phá hoại và bị khiếu nại vì xe đạp đỗ trái phép.

Nguyên nhân

Theo nhà kinh tế Andy Kwan Cheuk-chiu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và doanh nghiệp ACE, sở dĩ thị trường xe đạp chia sẻ tại Hong Kong khó phát triển là bởi nó khá nhỏ so với các thị trường khác, người dùng ít trong khi lượng xe cung cấp nhiều.

Theo ông Kwan, người dân đặc khu hầu như chỉ dùng xe đạp cho các hoạt động vui chơi cuối tuần hoặc đi dạo chứ không sử dụng như một phương tiện đi lại hằng ngày như các nơi khác. “Gobee đã đánh giá quá cao nhu cầu trong khi đánh giá quá thấp chi phí hoạt động”, ông Kwan nói.

Trung Quốc đại lục cũng từng phải trải qua tình trạng cạnh tranh căng thẳng như vậy. Đỉnh điểm, có khoảng 100 công ty chia sẻ xe tại nước này nhưng sau đó rụng dần và chỉ còn lại một nhóm nhỏ.

Một lý do khác đó là, Hong Kong không chấp nhận mô hình hoạt động của Gobee cũng như 6 công ty khác là không cần chỗ đỗ xe đạp, có thể để xe bất cứ nơi nào.

Ông Rick Hui Yui-yu, người đứng đầu hội đồng quận Sha Tin cho biết, lúc đỉnh điểm, có tới 20 xe đạp đỗ trên con đường chỉ dài 100m, gây bất tiện cho người đi bộ. Ông cũng chỉ trích các công ty chia sẻ xe đạp vì sử dụng không gian công cộng phục vụ hoạt động tư nhân.

“Rất khó để mô hình xe đạp chia sẻ hoạt động hiệu quả bởi người Hong Kong muốn mọi thứ phải trật tự”, ông Edward Lau Kwok-fan, Nghị sĩ Liên minh Dân chủ vì sự phát triển và cải tiến cho biết.

Trang Trần – Báo Giao thông

Bài gốc