Người đàn ông xây dựng startup chỉ có 55 nhân viên nhưng khiến Mark Zuckerberg ‘ghen tị’ và bỏ ra 19 tỷ USD để mua lại
Startup này chẳng phải chi một xu nào cho marketing và đạt được con số 450 triệu người dùng mà không cần chạy quảng cáo dưới bất kỳ hình thức nào!
Tận dụng “điểm mù” của Thung lũng Silicon, Jan Koum, một nhà phát triển người Ukraine đã xây dựng một trong những nền tảng nhắn tin lớn nhất nhì thế giới – WhatsApp cùng người bạn của mình là Brian Acton năm 2009, sau khi cả hai thôi việc tại Yahoo và tìm kiếm cơ hội mới ở Facebook và Twitter nhưng đều bị từ chối.
Khoản vốn đầu tư từ bên ngoài của WhatsApp không quá lớn: 8 triệu USD từ quỹ Sequoia. Trong thời gian đầu thành lập, mọi công việc phát triển của công ty đều được tiến hành tại Nga, nơi có thể thuê nhân viên tài năng với mức lương tương đối thấp so với các nước khác.
Jan Koum (bên phải) và Brian Acton.
Năm 2014, Facebook đã chi 19 tỷ USD để mua lại ứng dụng của họ. Lúc đó, WhatsApp mới chỉ là một startup khá nhỏ với vỏn vẹn 55 nhân viên. Thương vụ này được thanh toán bằng 12 tỷ USD cổ phiếu Facebook, 4 tỷ USD tiền mặt và thêm 3 tỷ USD cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng dành cho các nhà sáng lập cũng như nhân viên của WhatsApp trong vòng 4 năm tiếp theo.
Không phải ngẫu nhiên Facebook lại bỏ ra số tiền lớn đến vậy để thâu tóm một ứng dụng như WhatsApp. Một trong những yếu tố được đánh giá cao của WhatsApp là sự phổ biến với 450 triệu người dùng vào thời điểm trước khi được Facebook mua lại.
Không phải ai cũng biết lý do khiến ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg quyết định bỏ ra khoản tiền khổng lồ để thâu tóm WhatsApp là trong số 450 triệu người dùng hàng tháng, có tới 70% sử dụng dịch vụ mỗi ngày. Có thể nói, đó là sự gắn bó chưa từng thấy đối với một ứng dụng công nghệ. Zuckerberg vẫn luôn tự hào rằng Facebook có độ gắn kết người dùng cao nhất nhưng mạng xã hội này cũng chỉ có 62% người dùng quay lại dịch vụ mỗi ngày.
Ngoài ra, dù đã có 450 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng nhưng tốc độ tăng trưởng của WhatsApp vẫn nhanh hơn Facebook, Instagram, Gmail hay Skype.
Điều gì khiến hàng trăm triệu người dùng yêu thích WhatsApp đến vậy?
Vậy điều gì khiến 450 triệu người mê mẩn dịch vụ này đến vậy? Chắc hẳn công ty này đã có những chiến dịch marketing xuất sắc để thu hút người dùng?
Câu trả lời là không! Họ chẳng chi một xu nào cho marketing và đạt được con số 450 triệu người dùng mà không cần chạy quảng cáo dưới bất kỳ hình thức nào!
Khó tin nhưng đó là sự thật bởi vốn dĩ Koum, nhà đồng sáng lập và CEO của WhatsApp rất ghét quảng cáo. Truyền miệng có lẽ là cách marketing duy nhất mà WhatsApp có và nó đã được hàng triệu khách hàng hài lòng về dịch vụ thực hiện không thể tốt hơn.
Jim Goetz, một đại diện của quỹ đầu tư Sequoia chia sẻ: “Không giống các đối thủ cạnh tranh, WhatsApp đã không chi một USD nào cho việc quảng bá. Họ thậm chí còn không tuyển dụng nhân viên làm marketing hay phụ trách mảng quan hệ công chúng. Giống nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, họ đã tạo ra kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người dùng. Tất cả sự tăng trưởng của WhatsApp đều đến từ việc những khách hàng hài lòng rủ rê bạn bè người thân dùng thử dịch vụ”.
Không ít người đề cao tầm quan trọng của marketing đối với sự thành công của một công ty nhưng WhatsApp dường như chứng minh rằng họ đã sai. Ứng dụng này đạt được 450 triệu người dùng với 72% người dùng hoạt động hàng ngày mà không cần chi một xu cho marketing.
Điều này giúp chúng ta nhìn ra một bài học kinh doanh đáng suy ngẫm: Trong khi marketing là yếu tố quan trọng trong sự thành công của một doanh nghiệp, bản thân sản phẩm lại là cơ sở để thành công.
Về cơ bản, người dùng đều bị thu hút bởi giá trị do sản phẩm cung cấp. Chính vì vậy, việc tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua sản phẩm nên được ưu tiên nhiều hơn việc tạo ra các chiến dịch marketing hoành tráng.
Khi nhìn vào các ứng dụng nhắn tin khác như Line, Viber, WeChat hay Kakao Talk, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng đa phần đều kiếm tiền thông qua mua hàng trong ứng dụng.
Ứng dụng WeChat của Trung Quốc.
WeChat thậm chí còn tích hợp cả dịch vụ thương mại điện tử, ngân hàng và quản lý tài sản. Về phần mình, WhatsApp lại không có những tính năng như vậy vì không muốn can thiệp quá nhiều vào trải nghiệm người dùng cốt lõi.
Nếu WhatsApp đầu tư thời gian, tiền bạc và nhân lực để phát triển những tính năng như nhiều đối thủ khác, điều gì sẽ xảy ra nếu người dùng đột nhiên cảm thấy mệt mỏi và chán các tính năng này trong khi áp lực duy trì doanh thu ngày càng cao?
Không ít doanh nghiệp liên tục tìm kiếm cách mới để kiếm nhiều tiền nhất có thể nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn cả là phải suy nghĩ xem liệu những cách mới này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh cốt lõi và liệu chúng có thực sự bền vững hay không. Đối với WhatsApp, thay vì tìm cách kiếm tiền từ người dùng, họ lại tập trung vào việc cải thiện ứng dụng và cung cấp một sản phẩm cốt lõi có giá trị.
Một bài học khác đến từ WhatsApp: Cách phát triển doanh nghiệp phải phù hợp với tầm nhìn. Đừng chọn dòng doanh thu mới nếu nó mang lại tiền cho bạn nhưng lại góp phần phá hủy sản phẩm của bạn.
Tổng kết lại, WhatsApp đã dạy chúng ta hai bài học quan trọng:
Một là tạo ra sản phẩm có giá trị quan trọng hơn là có một chiến dịch marketing tuyệt vời. Hai là phát triển doanh nghiệp phù hợp với tầm nhìn chứ đừng chỉ nghĩ đến việc kiếm lời. Khi đó, theo một cách tự nhiên và kì diệu nhất, sản phẩm của bạn sẽ được nhiều người biết đến thông qua hình thức truyền miệng.
Một chuyên gia trong ngành nhận định: “Họ đã tìm thấy Chén Thánh của quảng cáo: Thành công rực rỡ mà không tốn một xu”.
Theo Tổ quốc