Bằng nghị lực phi thường, quyết không đầu hàng số phận, cô gái mắc bệnh xương thủy tinh Bùi Thị Yến Nhi (Hậu Giang) vừa đạt giải 3 cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 14/10, với Dự án “Mô hình sản xuất và kinh doanh hoa sáp”.

Nghị lực phi thường của cô gái xương thủy tinh

Bùi Thị Yến Nhi (SN 1996, ngụ tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) sinh ra với căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, phải đi bằng 10 đầu ngón chân, di chuyển khó khăn khiến em gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống.

Bùi Thị Yến Nhi nhận giải 3 cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 14/10, tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Lớn lên trong gia đình làm nghề thủ công mỹ nghệ (đan lục bình), Yến Nhi đã thành thạo gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lúc 6 tuổi. Sau khi học hết phổ thông trung học, em thi đỗ vào đại học chuyên ngành Dược, nhưng vì sức khỏe không đáp ứng, buộc em phải gác lại ước mơ giảng đường và quay trở về với nghề đan lục bình.

Cô Trương Thị Lan Thanh, mẹ Yến Nhi kể lại: Yến Nhi là đứa con đầu lòng của hai vợ chồng. Ngày sinh con ra phát hiện con mắc bệnh xương thủy tinh, hai vợ chồng đã khóc cạn nước mắt. Giai đoạn khó khăn nhất của Nhi là từ 1 tuổi đến năm 15 tuổi, cô Thanh không nhớ hết con gái mình đã có bao nhiêu lần bị gãy xương tay, xương chân. Mỗi lần xương bị gãy, con đau đau một thì cha mẹ đau mười.

Tuy sức khỏe hạn chế, bệnh tật hành hạ nhưng Nhi rất ham học và học rất giỏi. 12 năm ròng hai vợ chồng cô Thanh đã thay nhau bế con gái đến trường. Rồi ước mơ thi đỗ đại học ngành dược của Nhi cũng thành hiện thực, nhưng tiếc thay sức khỏe của Nhi không đáp ứng việc học nên em đành gác lại ước mơ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải 3 cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 14/10, tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

“Ngày con gái biết tin sức khỏe không đáp ứng việc học đại học, con buồn và hụt hẫng lắm, cả gia đình thay nhau an ủi, động viên con. Rất may cháu rất mạnh mẽ, không lâu sau cháu lấy lại tinh thần, tiếp tục cùng gia đình làm nghề đan lục bình”- Cô Thanh xúc động kể lại.

Khởi nghiệp thành công với hoa sáp

Tuy nhiên, cô gái bé nhỏ cũng có khát vọng lớn, Nhi không muốn buộc số phận mình vào đồng lương ít ỏi từ việc đan đát đồ thủ công mỹ nghệ. Trong em luôn ước mơ tìm cho mình một nghề khác, nghề phù hợp để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình.

Một lần tình cờ Nhi bén duyên với hoa sáp thơm, em quyết tâm khởi nghiệp, kinh doanh hoa sáp. Yến Nhi nhớ lại, lúc mới khởi nghiệp vào năm 2019, em đối mặt với rất nhiều khó khăn. Gia đình không ủng hộ em theo nghề này, một phần lo lắng em vất vả, phần khác lại sợ ở một thị trấn nông thôn này, sản phẩm hoa sáp làm ra không thể bán được trên thị trường.

Yến Nhi vinh dự chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga. Ảnh: NVCC

Không được gia đình ủng hộ, Nhi khởi nghiệp khi không có một đồng vốn trong tay. May mắn Nhi được một người bạn đồng cảm, hỗ trợ cùng nhau khởi nghiệp với số vốn vỏn vẹn 3 triệu đồng.

Với số vốn khiêm tốn, Nhi tự tìm tòi, nghiên cứu cách làm hoa sáp trên mạng rồi làm theo chứ không qua trường lớp nào đào tạo. Chỉ với nguyên liệu từ sáp thơm, với bàn tay khéo léo của cô gái nhỏ, Nhi tỉ mỉ tạo ra những bó hoa hồng sáp đẹp mắt, sinh động.

Những sản phẩm hoa sáp đầu tiên được Nhi đăng tải lên mạng xã hội để quảng bá, không ngờ được nhiều người thích và hỏi mua liên tục. “Bó hoa đầu tiên em bán được là vào dịp 8/3, dù chỉ vỏn vẹn hơn 200.000 đồng nhưng em thấy rất vui, rất quý. Bó hoa đó là động lực để em có được ngày hôm nay”- Nhi chia sẻ.

Sau thời gian làm chung, vì hoàn cảnh gia đình, bạn không còn làm chung với Nhi nên khó khăn bắt đầu đến với em nhiều hơn. Mặc dù việc đi lại là hạn chế lớn nhất của Nhi nhưng em đã vượt qua khó khăn đó, một mình lên tận TP.Hồ Chí Minh để tìm được nguồn nguyên liệu tốt nhất.

Yến Nhi bên những bó hoa sáp chuẩn bị giao khách dịp lễ 20/10. Ảnhh: Hồng Cẩm

“Vì nếu lấy nguyên liệu từ địa phương thì vốn sẽ rất cao, giá thành của hoa cũng tăng mà lại ít có lời. Khi đã ổn định được nguồn hàng, em bắt đầu làm hoa đem ra chợ bán. Từ đó lượng khách sỉ và lẻ tăng lên đáng kể. Cũng bởi giá thành rẻ, lại bảo quản được lâu, rất nhiều bạn trẻ có thể lấy sỉ để bán ở các điểm trường học, lề đường vào những dịp lễ để kiếm thêm thu nhập”- Yến Nhi chia sẻ.

Nắm bắt thị trường phản ứng tích cực với dòng hoa sáp, Yến Nhi đã làm sản phẩm một cách miệt mài, bất kể ngày đêm và sản phẩm làm ra đều bán hết. Nhận ra tiềm năng lớn từ hoa sáp thơm Nhi quyết tâm mở rộng và phát triển kinh doanh mặt hàng này trên toàn quốc.

Để thực hiện mục tiêu kinh doanh, Nhi đã dạy nghề miễn phí cho chị em phụ nữ nghèo và phụ nữ khiếm khuyết giống mình trong khu vực, sau đó giao nguyên liệu cho các chị em làm hoa theo đơn đặt hàng của khách. Hiện có 5 chị em đang cộng tác với nhi, thu nhập mỗi tháng 3-4 triệu đồng.

Yến Nhi bên những sản phẩm hoa sáp phục vụ lễ 20/10. Ảnh: NVCC

Hiện nay, mỗi ngày Nhi bán được vài chục bó sáp; vào những đợt lễ như: 14/2, 8/3, 20/10, 20/11… mỗi đợt Nhi bán vài nghìn bó hoa. Cứ thế, từ năm 2020 đến nay mỗi năm Nhi bán ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm hoa từ sáp thơm, thu về lợi nhuận khoảng vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Với phương châm kinh doanh “Thà bán 1 khách 10 lần, còn hơn 10 khách mà chỉ có 1 lần”, Nhi đặt cả cái tâm vào từng bông hoa sáp, thành phẩm làm ra lúc nào cũng chỉn chu, xinh đẹp. Điều này không chỉ giúp em nâng cao sự cạnh tranh, mà còn giữ chân được lượng lớn khách hàng.

Điểm mạnh của Yến Nhi là ở khả năng không ngừng học hỏi và sáng tạo những mẫu mã mới, thiết kế độc đáo và cuốn hút. Có lẽ nhờ vào sự sáng tạo này mà sản phẩm của chị luôn có sự tiêu thụ ổn định, nhiều khách hàng gần xa tìm đến để lấy sỉ, làm cộng tác viên cùng chị.

Những bó hoa sáp đẹp mắt, sinh động của Yến Nhi. Ảnh: Thúy Vy

Hoa sáp của Yến Nhi đẹp, đa dạng mẫu mã, được các bạn sinh viên mua để bán các dịp lễ. Ảnh: Thúy Vy

Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, Yến Nhi bày tỏ: “Trong tương lai, mình sẽ mở một cửa hàng hoa sáp tại nhà, nhân rộng hơn nữa thì mình sẽ tạo cơ hội việc làm, kiếm thêm thu nhập cho những bạn nữ có hoàn cảnh khó khăn, hoặc không may có khiếm khuyết giống mình. Mình sẽ hỗ trợ vốn, mở lớp dạy nghề 0 đồng, chỉ dạy tận tình cho các bạn có tâm muốn học nghề. Mình muốn truyền động lực cho các bạn, giúp đỡ các bạn vượt qua tự ti, mặc cảm, sống vui vẻ và hạnh phúc”.

Yến Nhi chụp ảnh với mẹ – người luôn đồng hành, tiếp sức cho Nhi suốt 27 năm qua. Ảnh: NVCC

Chia sẻ cảm xúc của mình khi đạt giải 3 cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” toàn quốc, Yến Nhi chia sẻ: “Khi đến với cuộc thi em chỉ nghĩ truyền tải năng lượng tích cực đến với mọi người, nhất là những người có khiếm khuyết như em nên khi được công bố đạt giải 3 em vô cùng bất ngờ và xúc động. Em rất cảm ơn ba mẹ, người đã luôn đồng hành, tiếp sức cho em suốt 27 năm qua; cảm ơn các cô, các chị cán bộ phụ nữ ấp, xã, huyện, tỉnh đã luôn giúp đỡ em để em có được ngày hôm nay. Em hy vọng rằng các chị em phụ nữ còn khó khăn, khiếm khuyết, bằng nghị lực bản thân, sự giúp đỡ của gia đình và tổ chức Hội sẽ vượt lên chính mình và có cuộc sống tự tin, hạnh phúc!”.

THEO HỒNG CẨM – THÚY VY (Báo Dân Việt)