Du lịch là lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch toàn cầu. Khi mỗi gia đình chọn cách trở thành một pháo đài cố thủ trước cuộc tấn công của virus Corona, thì ngành công nghiệp không khói đành ngậm ngùi chấp nhận “tử thương” ở những mức độ khác nhau.

Du lịch lữ hành, du lịch khám phá hay du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng đều là phép cộng của các dịch vụ vận chuyển, ẩm thực, lưu trú với hàng vạn nhân lực được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đã qua rồi cái thời có thể tùy tiện kiếm tiền từ du khách với “dịch vụ yếu kém, sản phẩm nghèo nàn”. Thế nhưng, dịch bệnh cũng giống như thiên tai, luôn nằm ngoài sự kiểm soát của những người làm du lịch.

Từ tháng 2/2020, virus Corona xuất hiện và lan rộng, nhiều quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới. Không còn các chuyến bay quốc tế và không còn những khách hàng quốc tế, những tour du lịch cao cấp gần như ngã quỵ. Thực hiện giãn cách xã hội, xe cộ nằm bãi, nhà hàng đóng cửa, khách sạn trống không, doanh thu ngành du lịch tụt giảm đến mức chao đảo.

Hàng loạt tour đã bị hủy. Virus Corona chủng mới đã giáng đòn chí mạng vào ngành du lịch Việt Nam. Hàng triệu lao động phục vụ trong ngành công nghiệp không khói, đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp lâu dài, vì chưa ai dám đoán định diễn biến tiếp theo của Covid-19. Không thể phục vụ khách nước ngoài, mà giờ đây cơ hội phục vụ khách trong nước cũng biến mất.

May mắn thay, từ tháng 5/2020 đã thấy kết quả từ những nỗ lực khống chế Covid-19 của Chính phủ. Các hoạt động trong nước bắt đầu bình thường trở lại. Lập tức, nhiều biện pháp kích cầu du lịch được khởi động.

Nhiều mô hình liên doanh và liên kết nhằm phục hồi ngành du lịch được triển khai rầm rộ. Không khí ấm lên một chút, kể cả không khí tiêu dùng lẫn không khí đầu tư. Những doanh nghiệp du lịch vừa bị trắng tay bởi Covid-19 lại vay mượn tài chính để làm lại từ đầu bằng cách tour trong nước.

Một số địa chỉ du lịch vốn có thế mạnh về khách nội địa như Đà Lạt, Sa Pa dần dần đông đúc. Đầu tháng 7/2020, những địa chỉ du lịch gắn với biển đã tung ra nhiều đợt khuyến mãi dành cho khách nội địa và những con số ấn tượng lại xuất hiện.

Những tín hiệu tích cực thấy rõ ở Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Lăng Cô, Hạ Long… Tuy nhiên, không ai ngờ, từ một nguồn lây nhiễm F0 khó đoán, virus corona lại hoành hành. Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội, Hội An cũng áp dụng giãn cách xã hội và những tỉnh thành khác như Quảng Ngãi, Đăk Lăk cũng bàng hoàng vì đợt lây nhiễm thứ hai.

Khi hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, thì mọi người hiểu ra cuộc tái chiến đại dịch toàn cầu đã xảy ra ở Việt Nam. Và đây là cú đấm bồi thứ hai vào ngành du lịch đang liêu xiêu chống đỡ hệ lụy đợt lây nhiễm thứ nhất.

Những doanh nghiệp du lịch phải làm sao để tồn tại trong bối cảnh hiện nay, khi các khoản vay đang dần đáo hạn? Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh – Trần Hùng Việt cho rằng: “Bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, rất cần có một chương trình chung nhằm tăng cường sự liên kết các doanh nghiệp, các ngành với nhau để đưa ra một mức giá hợp lý tạo sự kích cầu ngay lập tức cho du lịch nội địa sau khi khống chế đại dịch. Để các doanh nghiệp du lịch có thể trụ được trong thời gian khó khăn này, thì chỉ cần hòa vốn, nuôi được bộ máy và trả được các chi phí là đã thành công”.

Đà Lạt vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với khách nội địa.

Đà Lạt vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với khách nội địa.

Cú đấm bồi mà ngành du lịch đang hứng chịu một cách nghiệt ngã, có thể hình dung là một chuỗi đòi nợ dây chuyền. Khách hàng đòi lại tiền từ công ty du lịch đã đặt tour, cũng có lý, vì họ không biết khi nào mới có thể sắp xếp thời gian phù hợp để thay đổi chuyến du lịch khác.

Còn công ty du lịch đòi nợ đối tác khá nan giải, đòi tiền đã đặt tiệc từ nhà hàng ư, đòi tiền đã đặt phòng từ khách sạn ư, đòi tiền đã đặt vé từ hãng hàng không ư? Thì chẳng có ai muốn lấp liếm hay gian lận, nhưng khó khăn chung, giật đầu nào để đắp đầu nào cũng không êm thắm. Kết quả, các công ty du lịch đứng giữa hai làn đạn, một bên là khách hàng và một bên là các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Trước đợt lây nhiễm thứ hai của Covid-19 tại Việt Nam, báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết có tới 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động, trong đó 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép.

Cú đấm bồi lần này của Covid-19 quá nặng, bởi nhân lực và tài lực của ngành du lịch đang chới với. Lương bổng tối thiểu cho người lao động để vẫn còn duy trì được tấm biển có chức năng kinh doanh chuyên nghiệp, cũng đã là quá khó đối với giám đốc các công ty du lịch. Tổng cục Du lịch và Hiệp hội du lịch có thể giúp được gì cho các công ty du lịch chống đỡ không? Tất cả chỉ dừng ở những lời an ủi và những lời động viên.

Tương lai của ngành du lịch thực sự là một bức tranh ảm đảm, nếu không có được sự hỗ trợ cụ thể nào từ chiến lược kinh tế vĩ mô thời hậu Covid-19. Trong hoàn cảnh hiện nay, các công ty du lịch cần được khoanh nợ và giãn nợ thật cấp bách, giống như các địa phương khoanh vùng lây nhiễm và giãn cách xã hội để dập dịch.

Để các công ty du lịch đồng loạt đóng cửa sau cú đấm bồi thứ hai của Covid-19, thì sẽ vô cùng khó khăn để tái thiết ngành du lịch Việt Nam sau này. Liệu chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động có kết quả gì hay không?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Công ty Vietravel đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu lại chương trình “Vietnam I’am safe” – Việt Nam an toàn, từng điểm tham quan, dịch vụ, phương tiện vận chuyển theo tiêu chí an toàn, hình thành bản đồ du lịch số về du lịch an toàn để giúp du khách biết được nơi an toàn để đến và các địa phương dựa vào đó có kế hoạch chuẩn bị dịch vụ phục vụ.

Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB đưa ra 4 ưu tiên cho quá trình phục hồi của ngành du lịch sau Covid-19: Thứ nhất, thúc đẩy du lịch nội địa. Thứ hai, bảo vệ hệ sinh thái. Thứ ba, cải thiện cơ sở hạ tầng. Thứ tư, cải tổ các hãng hàng không. Một khi được kết hợp với nhau, các chiến lược này có thể giúp đảm bảo rằng các quyết định chính sách sẽ được đưa ra một cách khoa học và cẩn thận, đảm bảo du lịch có thể là một trụ cột cơ bản trong tiến trình phục hồi kinh tế của các nước.

Theo ADB, khi ngành du lịch hoạt động trở lại, du lịch nội địa sẽ là trọng tâm. Sự tập trung chú trọng vào kiểm soát dịch bệnh của các chính phủ đã làm gia tăng tội phạm trong các hoạt động tự nhiên.

Với sự sụt giảm trong ngành du lịch hoang dã, dòng doanh thu cho bảo tồn cũng đã cạn kiệt. Cần có luật nghiêm ngặt để bảo vệ sự đa dạng sinh học và xử lý các hoạt động bất hợp pháp.

Để bảo vệ sự cân bằng sinh thái từ du lịch, chính phủ có thể cân nhắc việc tăng cường tập trung và đầu tư vào xây dựng năng lực và đào tạo; bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và người dân bản địa ở khu vực khai thác du lịch…

Cơ sở hạ tầng cho việc quản lý chất thải cần phải được cải thiện và phải có quy định để xử lý an toàn chất thải y tế sinh học tại các khu vực công cộng.

Tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ vệ sinh và nước sạch, cùng với việc thúc đẩy các biện pháp vệ sinh tốt như rửa tay, cũng sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, cũng cần có các ưu đãi cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet để cải thiện kết nối tại các địa điểm du lịch.