Ngạc nhiên với ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên
“Đôi mắt” thông minh cho người mù; Máy bán khẩu trang y tế tự động; Dùng tảo spirullmia nuôi tôm giá rẻ hơn đến 50% cho người nông dân… Đây là những dự án dự vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo NTTU STARTUP 2020”, do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 25/9.
Ứng dụng công nghệ cao để khởi nghiệp
Smart Eyes-“đôi mắt” thông minh cho người mù là ý tưởng khởi nghệp của các bạn sinh viên Trần Trọng Nhân, Kiều Minh Đạt, Nguyễn Tấn Sĩ, Đỗ Minh Hiếu. Đại diện nhóm cho biết: “Smart Eyes là thiết bị thu nhận các thông tin từ cảm biến, như khoảng cách, hình ảnh vật thể, từ đó dùng trí tuệ nhân tạo xử lý và đưa ra các thông báo dẫn đường”.
Smart Eyes có thể giúp người mù tránh các chướng ngại vật trên đường đi, nó sẽ báo bằng giọng nói cho người sử dụng biết trước mặt họ đang có vật thể chắn đường, thậm chí cả cống chưa đậy nắp cũng có thể phát hiện được. Người dùng chỉ cần định trước nơi cần đến, mắt thông minh sẽ dẫn đường đến nơi một cách an toàn.
Nhóm sinh viên với dự án “Mô hình nông trại trải nghiệm” đã thuê được hơn 5.000 m2 đất với giá 0 đồng. |
Dịch Covid -19 đang lan rộng, nhóm sinh viên Nguyễn Thị Ly, Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Thị Kim Cương đã nảy sinh ý tưởng chế tạo máy bán khẩu trang tự động, có thể đặt tại các vị trí dễ lây nhiễm, như bệnh viện, trường học, cách thanh toán rất đa dạng: thẻ ATM, mã QR và tiền mặt.
Đưa ra ý tưởng ứng dụng tảo Spirulina vào thức ăn cho tôm, Nguyễn Ngọc Trân, Trần Thị Nga, Bùi Phước Trường Bùi Phước Trường đã tìm hiểu quy trình nuôi tôm ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre khi nhận thấy, con tôm thường phát triển chậm và có tỷ lệ hao hụt cao ở giai đoạn đầu thả giống làm tôm chậm lớn ở cả chu kỳ nuôi, màu sắc tôm không đạt yêu cầu nên giá bán giảm, ảnh hưởng đến doanh thu mỗi vụ của nông dân. Đối chiếu với thực tế, nhóm quyết định sử dụng Spirulina để khắc phục.
Sau thời gian thử nghiệp, Spirulina đã giúp giảm hao hụt, con tôm phát triển tốt ở giai đoạn đầu thả giống, màu sắc đẹp hơn. Đặc biệt, dùng tảo Siprulina có giá thành thấp hơn 50% so với các giải pháp khác mà người nuôi đang dùng, nhờ đó tăng thêm lợi nhuận.
Đem thiên nhiên, cây cỏ vào cuộc sống
Với ý tưởng xây dựng “Mô hình nông trại trải nghiệm”, Phạm Kim Ngân, Lưu Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Ngọc Thiên Kim, Nguyễn Hoàng Phương Khánh thuê được một khu vườn rộng hơn 5.000 m2 ở Bình Chánh, TP.HCM với giá thuê 0 đồng cho 10 năm. Đến với cuộc thi, nhóm mong muốn tìm được nhà đầu tư “thiên thần” (mạo hiểm) cho dự án để có thể biến nơi đây thành nơi thư giãn cho người dân đô thị. Kim Ngân lý giải: “Khách đến đây sẽ được hóa thân thành người nông dân miền quê, cùng gia đình tự tay trồng cây, chăm sóc nó lớn lên từng ngày, qua đó hiểu được nhiều hơn về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đây là hoạt động phi lợi nhuận, tất cả số tiền thu được đều đầu tư cho các dự án cộng đồng”.
Cũng mong muốn bảo vệ môi trường, Phạm Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Thu Thảo, Mai Chí Tuân chế tạo ống hút từ cây Thủy trúc. Hồng Gấm phân tích: “Hiện nay ống hút nhựa được sử dụng khá phổ biến, khi bỏ đi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nên nhóm nghĩ ra cách làm ống hút thay thế. Loại ống này dễ phân hủy trong tự nhiên, lại không tan trong nước nên để lâu trong ly nước vẫn có thể sử dụng được, việc vệ sinh cũng dễ dàng”. Cây Thủy trúc rất dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn… nên nguồn nguôn liệu không sợ thiếu.
Tất cả 12 dự án khởi nghiệp vào vòng chung kết lần này đều được Ban giám khảo đánh giá có tính sáng tạo cao. PGS.TS. Trần Thị Hồng-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận xét: “Dự án của các em sinh viên vào vòng chung kết đều rất ấn tượng, mang tính thời sự cao, đặc biệt là có nhiều dự án liên quan đến bảo vệ môi trường”.
Với tính ứng dụng cao, dự án “Ứng dụng tảo Spirulina vào thức ăn cho tôm” đoạt giải nhất, trong khi dự án “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn hướng nghiệp” và “Mô hình nông trại trải nghiệm” cùng đoạt giải nhì.