Nền kinh tế số Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025
Mặc dù vẫn còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cái bóng của hai ông lớn Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên công nghệ đã thực sự phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo “e-Conomy SEA” từ Google, với 650 triệu dân, nền kinh tế số của khu vực này được dự đoán sẽ tăng gấp ba lần, đạt 240 tỷ đô trong vòng 7 năm tới.
Đây là một phần trong các nghiên cứu hàng năm được tổ chức bởi Google và quỹ hoàng gia Singapore Temasek. Những nhận định trên đến từ việc nền kinh tế Đông Nam Á đã đạt đến “điểm uốn” với con số khởi đầu 200 tỷ đô.
Đông Nam Á hiện tại có khoảng 350 triệu người dùng internet từ 6 quốc gia lớn nhất trong khu vực. Con số này còn lớn hơn cả dân số Hoa Kỳ. Những số liệu mới nhất cho thấy rằng nền kinh tế internet của khu vực sẽ đạt 72 tỷ đô vào năm nay, tăng khá nhiều so với 50 tỷ đô năm ngoái và 19.1 tỷ đô năm 2015.
Theo báo cáo, tài khoản du lịch trực tuyến chiếm phần nhiều nhất trong tổng thu nhập (30 tỷ đô), theo sau đó là thương mại điện tử (23 tỷ đô), truyền thông trực tuyến (11 tỷ đô), và cuối cùng là dịch vụ vận tải điện tử (8 tỷ đô). Những số liệu vượt trội này sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2025.
Với dân số lớn thứ tư thế giới, Indonesia được dự báo sẽ đạt 100 tỷ đô doanh thu vào năm 2025, theo sau là Thái Lan (43 tỷ đô) và Việt Nam (33 tỷ đô). Trong đó, những số liệu cho thấy kinh tế số của Indonesia và Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2015.
Báo cáo năm nay của Google-Temasek cũng dành sự quan tâm lớn đến dịch vụ vận tải điện tử – một lĩnh vực hiện đang rất hot tại Đông Nam Á sau việc chiếm lĩnh thị trường từ tay Uber của Grab đầu năm nay. Grab, cùng đối thủ cạnh tranh hiện nay Go-Jek, hiện đang nhanh chóng mở rộng thị trường vượt ra khỏi Indonesia. Năm 2018, số lượng người dùng dịch vụ vận tải điện tử là 8 triệu người – một con số tăng đáng kể so với 1,5 triệu người năm 2015.
Không chỉ vậy, doanh thu từ dịch vụ giao đồ ăn cũng tăng nhanh hơn so với những dịch vụ giao thông trọng yếu khác. Đây là một tín hiệu tốt cho Grab và Go-Jek, bởi hai thương hiệu này vẫn đang “vươn tay” đến “miếng bánh” màu mỡ này. Trong khi đó Singapore, dù là nước nhỏ nhất trong 6 nền kinh tế chủ đạo ở Đông Nam Á, cũng chiếm thị phần rất lớn trong thị trường vận tải điện tử. Theo dự đoán, việc chiếm lĩnh thị trường này của Singapore sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2025
Báo cáo cũng chỉ ra cách thức các công ty lớn nhất trong khu vực hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường sân nhà. Những công ty tỷ đô ở Đông Nam Á đã rót đến 16 tỷ đô trong tổng số 24 tỷ đô đầu tư vào khu vực trong bốn năm trở lại đây, trong đó chỉ riêng Grab đã chiếm đến 6 tỷ đô.
Báo cáo nhấn mạnh rằng sự tăng trưởng dự đoán này còn phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của nguồn quỹ cho toàn “hệ sinh thái” startup của Đông Nam Á. Vậy nên vấn đề cần được quan tâm nhất chính là việc đầu tư đa số vốn vào một số ít những công ty lớn nhất. Tuy nhiên, phần còn lại của thị trường cũng có nhiều chuyển biến tốt đẹp khi các nguồn quỹ vốn cho những công ty nhỏ (non-unicorn – công ty có giá trị dưới 1 tỷ đô) trong nửa đầu năm 2018 đã vượt qua số vốn của cả năm 2017.
Cụ thể, có hơn 2000 công ty trong lĩnh vực kinh tế điện tử của khu vực đã nhận được các khoản đầu tư bảo trợ. Những công ty có giá trị ít hơn 1 tỷ đô đã gọi được đến 7 tỷ đô trong ba năm gần đây. Trong đó, phân khúc năng động nhất là những công ty có giá trị ở khoảng từ 10 triệu đến 100 triệu đô. Những công ty này gọi được 1,4 tỷ đô trong nửa đầu năm 2018, vượt qua con số 1 tỷ đô của toàn năm 2017.
Hải Vy (Theo Tech Crunch)