Nền công nghiệp công nghệ Thâm Quyến: Thay đổi để phát triển?
Thành phố Thâm Quyến vốn được xem là một trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc. Thâm Quyến hiện đang phải đối mặt với những thay đổi căn bản những tác động lớn đến tương lai của chính thành phố này
Thành phố Thâm Quyến nằm ở phía đông nam Trung Quốc, vốn được xem là một trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc. Thế nhưng, thành phố này hiện đang phải đối mặt với những thay đổi căn bản trong môi trường kinh doanh toàn cầu với những tác động lớn đến tương lai của chính thành phố này.
GDP của Thâm Quyến đã sớm vượt thành phố láng giềng Hongkong. Trong khi đặc khu này tăng trưởng như vũ bão thì Hongkong bắt đầu trở nên kém hấp dẫn hơn khi mà nền kinh tế thành phố từng đồng nghĩa với cơ hội giờ lại trở thành biểu tượng của sự thao túng của các nhà tài phiệt.
Trong mắt giới đầu tư thì Thâm Quyến là “nơi tốt nhất thế giới về phần cứng”. Thế nhưng cuộc chiến thương mại với Mỹ và đại dịch COVID-19 là hai cú đánh kép, bóp nghẹt dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty trẻ và đang phát triển của Thâm Quyến.
Trong bối cảnh đó, việc huy động vốn bỗng nhiên trở thành một thách thức đối với các dự án sản xuất. Ngay cả những kỳ lân, với tư cách là các công ty khởi nghiệp tư nhân trị giá hơn 1 tỷ USD, cũng đang phải vật lộn để điều chỉnh dòng vốn của mình.
Đại dịch COVID-19 cùng căng thẳng Mỹ – Trung đã khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc rất nhiều trước dòng tiền của mình, và Thâm Quyến thấy mình đang đứng giữa ngã ba đường. Dòng vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2020 đã giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhà nghiên cứu Ding Ke tại Viện các nền kinh tế đang phát triển, một tổ chức tư vấn của Nhật Bản, các công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn trong việc huy động tài chính vì “số lượng các nhà đầu tư ít hơn so với số lượng các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp!”.
Bill Liu, còn được gọi là Liu Zihong, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của nhà sản xuất thiết bị Royole, thừa nhận mọi thứ hiện đang rất khó khăn. Ông nói: “Dịch bệnh đã khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao hơn. Điều này khiến doanh số bán các sản phẩm như điện thoại thông minh sụt giảm đáng kể”.
Thế mạnh của Royole là sản xuất màn hình diode phát sáng hữu cơ linh hoạt cho điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Công ty Royole được xem là một hình mẫu của văn hóa cạnh tranh cao và tinh thần đổi mới của thành phố, thế nhưng hiện nay tình hình kinh doanh của Royole cũng không mấy sáng sủa bởi doanh số bán điện thoại thông minh sụt giảm sâu.
Mặc dù vậy nhưng doanh nhân Liu vẫn lạc quan. Ông nói: “Chúng tôi cũng nhìn thấy những cơ hội kinh doanh mới. Royole nhận thấy tiềm năng phát triển lớn trong giáo dục trực tuyến – một lĩnh vực đang phát triển nóng do các đợt giãn cách xã hội vừa qua. Chúng tôi đã tăng cường tiếp thị máy tính xách tay thông minh RoWrite – với các cảm biến được phát triển cho phép người dùng số hóa chữ viết và bản vẽ của họ. Máy tính xách tay và bút thông minh kết nối với ứng dụng điện thoại thông minh của Royole giúp chuyển đổi các dấu hiệu trên trang sang định dạng kỹ thuật số trong thời gian ngắn”.
Trong khó khăn, Royole vẫn tiếp tục phát triển dự án sản xuất màn hình dành cho máy bay và ô tô. Công ty có kế hoạch chi khoảng 5 tỷ nhân dân tệ (719 triệu USD) để tăng hơn gấp ba lần năng lực sản xuất màn hình trong năm tới.
Thâm Quyến được quy hoạch thành một đặc khu kinh tế vào năm 1980 theo sáng kiến cải cách và tự do hóa kinh tế của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1978. Điều này tạo tiền đề cho sự chuyển đổi của thành phố thành “Thung lũng Silicon của phần cứng”. Thành phố này là “cái nôi” hình thành nên một số tập đoàn công nghệ khổng lồ như Tập đoàn thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei Technologies và các nhà máy sản xuất chip thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghiệp chính xác Hon Hai của Đài Loan – hay còn được biết đến với cái tên Foxconn – nhà cung ứng và sản xuất linh kiện chính của Apple.
Thành phố này là được xem là động lực thúc đẩy chiến lược “Made in China 2025” của Chủ tịch Tập Cận Bình, với mục đích biến Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ. Thâm Quyến tự hào có 10 kỳ lân được thành lập trong thập kỷ qua. Hầu hết các kỳ lân đều nằm ở quận Nanshan của thành phố, nơi có nhiều công ty hàng đầu, bao gồm cả tập đoàn Tencent Holdings, cũng như các viện nghiên cứu của các trường đại học danh tiếng và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Ubtech Robotics, một nhà sản xuất robot hình người, áp dụng trí tuệ nhân tạo được thành lập tại Thâm Quyến vào năm 2012, hiện trị giá 10 tỷ USD, đã phát triển một loại robot dùng trong bệnh viện
Cũng giống như Royole, nhiều công ty trong số này đang cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư. Ubtech Robotics, một nhà sản xuất robot hình người, áp dụng trí tuệ nhân tạo được thành lập tại Thâm Quyến vào năm 2012, hiện trị giá 10 tỷ USD, đã phát triển một loại robot dùng trong bệnh viện. Loại robot này có thể nhanh chóng kiểm tra nhiệt độ của con người. Sử dụng camera và cảm biến, robot có thể đo nhiệt độ của 200 người một phút. Người phát ngôn của Ubtech cho biết trong những năm tới công ty sẽ tập trung nhiều hơn vào việc sử dụng AI để kiểm soát hành vi của robot và nâng cao khả năng hiểu biết về môi trường xung quanh của loại robot này.
Bên cạnh các công ty công nghệ chuyên chế tạo và sản xuất đồ vật, nhiều kỳ lân đầy triển vọng ở Thâm Quyến lại tập trung phát triển phần mềm. Chẳng hạn, công ty iCarbon X đang phát triển nhanh chóng với các dịch vụ phân tích bộ gen cá nhân dựa trên AI, hay Lamabang đã phát triển một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến tập trung vào việc hỗ trợ các bậc phụ huynh nuôi dạy con cái.
Tương lai của Thâm Quyến với tư cách là trung tâm của các công ty khởi nghiệp, hiện đang cạnh tranh với Bắc Kinh và Thượng Hải, sẽ phụ thuộc vào việc liệu thành phố này có thể phát triển các ngành công nghiệp mới mà không làm mất đi sức mạnh sản xuất truyền thống của mình hay không.