‘Tôi vốn đang làm nghiên cứu sinh trong ngành hóa học và vẫn đang loay hoay tìm hướng nghiên cứu. Tôi xuống bang Georgia rồi bị một con kiến lửa cắn. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra ồ hóa học là đây chứ đâu nữa’, ông Justin Schmidt nhớ lại.

Trong sự nghiệp, Justin Schmidt đã bị kiến cắn, ong chích ít nhất 1.000 lần. Ông đi khắp nơi, tự đánh giá tất cả vết đốt của côn trùng.

Sau hàng chục năm, Chỉ số đau Schmidt ra đời với thang đo mức độ đau do côn trùng đốt từ 1 tới 4. Ông tìm hiểu thêm về nọc độc của chúng, tại sao chúng đốt, cách chúng đốt và cách chúng ta có thể hưởng lợi từ vết đốt.

Những tìm tòi của ông Schmidt đang được ứng dụng vào một số nghiên cứu khác, trong đó có nghiên cứu tìm cách giảm đau đớn cho các bệnh nhân ung thư hoặc các bệnh thường gặp như viêm khớp.

“Người ta gọi tôi bằng nhiều tên lắm, nhưng tôi thích nhất là được gọi bằng “Vua của những vết đốt” và “Người sành đau”. Chắc tôi bị đốt cỡ 1.000 lần nhưng phần lớn đều khá nhàm chán”, ông Schmidt chia sẻ với Đài CNN.

“Như thế nào là nhàm chán?” – CNN hỏi ngược lại. “À, nếu bạn làm việc chung với một con ong mật, sớm hay muộn gì cũng sẽ bị chích. Tôi cũng vậy và nhiều quá nên tôi đếm không xuể”.

Theo CNN, một lần tình cờ bị kiến cắn đã truyền cảm hứng “khởi nghiệp” cho ông Schmidt.

“Lúc đó, tôi đang làm nghiên cứu sinh trong ngành hóa học và vẫn đang loay hoay tìm hướng nghiên cứu nào thú vị có liên quan ngành hóa. Tôi xuống bang Georgia rồi bị một con kiến lửa cắn. Trong khoảnh khắc đó tôi nhận ra ồ hóa học là đây chứ đâu nữa.

Tôi bắt đầu ra ngoài, để cho ong bắp cày và nhiều loại kiến khác cắn rồi ghi lại mức độ độc của chúng”, ông Schmidt nhớ lại.

Nảy ra ý tưởng khởi nghiệp sau khi bị kiến lửa cắn - Ảnh 2.

Ông Schmidt bắt đầu có tình cảm mãnh liệt với côn trùng sau khi bị kiến cắn. “Với tôi, côn trùng là những loài có vẻ đẹp tuyệt vời” – Ảnh chụp màn hình CNN

Trong Chỉ số đau Schmidt, mức 1 là vết đốt nhẹ nhất và 4 là đau nhất. “Kiến lửa đốt sẽ ở mức 1. Vết cắn của chúng không nghiêm trọng và đau đớn thường chỉ kéo dài vài phút, giống như vật gì đó nhọn đâm trúng. Ong mật nằm ở mức 2, mức đau trung bình”.

“Những loại số 4 sẽ khiến người bị đốt suy nhược, mất khả năng điều khiển cơ thể và gục ngã. Cảm giác giống như tất cả dây thần kinh trong cơ thể bốc cháy”, ông Schmidt trả lời.

“Nhưng đừng lo, vì cơ hội đụng độ các loài số 4 không nhiều. Trong khoảng 80 loài ong và kiến tôi đã gặp, chỉ có 3 loài có thể gây ra đau đớn cấp độ 4”.

Nhà khoa học sinh hóa chia sẻ ông sợ nhất kiến đạn, loài được xếp vào gây đau cấp độ 4. “Trong 35 năm rong ruổi, tôi chưa từng thấy con côn trùng nào đốt đau như vậy. Một số người sẽ bị đau tới 12 tiếng, có khi tới 36 tiếng.

Nói thiệt, tôi không có đủ dũng cảm tới mức nghĩ sẽ đưa thân mình cho kiến đạn cắn đâu. Tôi chỉ tình cờ thấy nó trên đường và tôi nghĩ tôi cần kiến đạn vì các chất hóa học thú vị của loài này”, ông Schmidt cười chia sẻ.