Một số dự án khởi nghiệp nổi bật tại WEF ASEAN 2018
Các startup tham dự Diễn đàn kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 lần này chủ yếu là các startup accelerator (tăng tốc khởi nghiệp), các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia công nghệ và các nhà lãnh đạo truyền thông. Theo đó, các start – up đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ tài chính, logistics và thương mại điện tử đến nông nghiệp, truyền thông và chăm sóc sức khỏe.
Từ hơn 300 startup đăng ký, WEF ASEAN 2018 đã lựa chọn ra 80 start – up xuất sắc để tham gia sự kiện. Dưới đây là một số startup được đánh giá là nổi bật nhất tại WEF ASEAN lần này:
Triip (Singapore)
Triip là một startup du lịch khá nổi tiếng của Singapore với nền tảng ứng dụng giúp liên kết du khách với những hướng dẫn viên du lịch địa phương. Thay vì lựa chọn các tour du lịch thông qua các công ty du lịch, lữ hành, Triip sẽ sắp xếp một kỳ nghỉ độc đáo và riêng biệt dành cho các du khách mong muốn khám phá những điều mới lạ với thời gian chuẩn bị ngắn nhất.
Revolution Pre-crafted (Philippines)
Hãy thử tưởng tượng bạn có thể chọn mua nhà từ một cửa hàng và căn nhà sẽ được giao đến tận nơi giống như cách mà bạn chọn mua một ghế sofa từ cửa hàng nội thất. Ý tưởng đó đã không còn xa vời khi được hiện thực hóa bởi Revolution Pre-crafted.
Chỉ ra đời chưa đầy 2 năm, Revolution Pre-crafted đã nhanh chóng trở thành startup tỷ USD đầu tiên của Philippines và cũng là công ty đạt được mốc này nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng được được xem là kỳ tích đối với một startup Philippines, nơi mà sân chơi công nghệ còn khá nhỏ và chưa đọ được với các nước láng giềng về vốn.
Hachi (Việt Nam)
Là một start – up đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, Hachi đã xây dựng hơn 12 trang trại thông minh trên khắp Việt Nam. Hachi đã sử dụng nền tảng internet vạn vật (IoT) trên hệ thống thủy canh thông minh và đạt kết quả khả quan. Ưu điểm vượt trội của công nghệ này là sử dụng các loại cảm biến, tự động theo dõi, giám sát điều kiện môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Không cần đất, không cần ánh sáng, người dùng chỉ cần bổ sung nước 2 lần/tuần và thay hạt giống cây sau khi thu hoạch cây cũ.
Antipara Explorations (Philippines)
Philippines có một hệ sinh thái biển vô cùng phong phú. Xuất phát từ ý tưởng muốn bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, startup Antipara Exploration đã tạo ra một thuật toán có thể theo dõi những biến đổi của đại dương, giới thiệu và tư vấn những cách tiếp cận khoa học để quản lý và khai thác thủy hải sản.
Công nghệ mà Antipara Exploration mang lại có thể rút ngắn những công việc khảo sát, nghiên cứu đại dương mà bình thường phải mất từ 2-3 tháng xuống chỉ còn 1 ngày.
Queenrides (Indonesia)
Queenrides là startup đầu tiên cung cấp nền tảng công nghệ dành riêng cho việc trợ giúp phụ nữ lái xe và lái xe an toàn thông qua việc kết hợp các khóa học thực tế với một chiến dịch truyền thông xã hội thân thiện.
Ý tưởng này cũng hướng đến việc đảm bảo an toàn cho gần 15 triệu người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông tại thủ đô Jarkata.
Crowde (Indonesia)
Nông nghiệp vốn là ngành kinh tế chính, chiếm 13% GDP của Indonesia nhưng thu nhập của nông dân Indonesia chỉ thấp bằng một nửa so với bình quân thu nhập của người dân nước này.
Người nông dân sở dĩ không tiếp cận được vốn là vì họ không thể ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, từ đó gia tăng thu nhập. Crowde – một startup về nông nghiệp đã tạo ra một nền tảng đầu tư cộng đồng, qua đó giúp người nông dân có thể nhận được nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng trên cơ sở cùng chia sẻ lợi nhuận.
HelloGold (Malaysia)
Đây là startup trong lĩnh vực fintech. Đồng tiền ảo GoldX được startup này tung ra thị trường có giá trị tương ứng với vàng. Tầm nhìn của dự án là giúp người dùng từ các nền kinh tế mới nổi có thể dễ dàng đầu tư vào vàng thông qua một ứng dụng di động.
GoldX cũng đáp ứng được một số tiêu chí quan trọng trong các hợp đồng tài chính Hồi giáo, đó là: minh bạch, chắc chắn và tức thời.
Hà Linh – Tuổi trẻ Thủ đô