Mời gọi đầu tư cho dự án khởi nghiệp
“Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội” hoạt động từ tháng 1-2017. Trải qua các vòng lựa chọn khắt khe, mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã công bố 12 dự án khởi nghiệp xuất sắc được lựa chọn vào Vườn ươm để hỗ trợ, đồng thời mời gọi các nhà đầu tư tham gia góp vốn cho các dự án phát triển sản phẩm ra thị trường.
Nhiều dự án được đánh giá cao
Trong số 12 dự án, ý tưởng xuất sắc đã được lựa chọn đưa vào “Vườn ươm công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội”, có 5 dự án đã hoàn thành sản phẩm, dịch vụ, bước sang giai đoạn tìm thị trường; 7 dự án đang hoàn thành. Các nhà đầu tư đánh giá khá cao các dự án về môi trường và giáo dục, trong đó có dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phân loại rác từ đầu nguồn” của TS Bùi Thiên Hà và cộng sự.
Theo đó, việc phân loại rác được thực hiện từ đầu nguồn bằng cách cung cấp phương tiện cho các hộ dân để phân loại rác và có biện pháp khuyến khích người dân phân loại rác tái chế, đồng thời có công cụ phục vụ thu gom, tái chế. Nhóm tác giả đặt ra mục tiêu trong 3 năm tới sẽ phát triển dự án tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ, Lào Cai…; dự kiến doanh thu năm 2018 đạt 36 tỷ đồng, năm 2019 đạt 47 tỷ đồng, năm 2020 đạt 65 tỷ đồng. Nhóm đang xin phép UBND TP Hà Nội cho triển khai thí điểm tại các khu chung cư đô thị mới.
Dự án “Ứng dụng giáo dục học dễ” của tác giả Đỗ Duy Long cùng cộng sự được xây dựng là hệ sinh thái học tập trên nền mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam. Người học sẽ được tham khảo nhiều đáp án và được giải đáp nhanh. Một điểm đáng chú ý mà nhóm tác giả đem lại, đó là giúp các học viên có thể tiết kiệm 80% chi phí và thời gian học tập. Trong vòng một năm chạy thử nghiệm, dự án đã có 150.000 tài khoản. Dự kiến, nếu được hỗ trợ, dự án có thể đạt 10% thị phần tại Hà Nội và 5% thị phần trong toàn quốc.
Một dự án khác cũng nhận được đánh giá cao đó là “Hệ sinh thái quản lý bán hàng – giao hàng” với tên gọi snai và crab (con ốc và con cua) của trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Giang. Trong đó, snai là một ứng dụng di động giúp các shipper (người giao hàng) có thể tìm đơn hàng nhanh hơn mà không phải lên Facebook tìm kiếm.
Crab là ứng dụng di động và website cho các shop bán hàng có thể quản lý hàng hóa, đơn hàng và gửi đơn vận chuyển tới các đơn vị vận chuyển mà không cần chuyển đổi sang các ứng dụng vận chuyển khác. Nhóm cũng đặt mục tiêu trong năm đầu ra mắt, snai sẽ có 10% thị phần, với tốc độ tăng trưởng 16,67%, đạt 7 triệu giao dịch và doanh thu tương ứng là 21 tỷ đồng; crab không có đối thủ trực tiếp, nên dự kiến đạt 60.000 khách hàng, với doanh thu 48 tỷ đồng ngay trong năm đầu…
Hỗ trợ tối đa
Chị Nguyễn Trang Ly – thành viên dự án “Hệ sinh thái quản lý bán hàng – giao hàng” cho biết, nhóm tin tưởng vào sự kết hợp giữa kiến thức và công nghệ đã đưa ra, nếu được “rót” vốn, hệ sinh thái crab – snai sẽ phát triển mạnh. Nhóm mong muốn được đầu tư vốn khoảng 2 tỷ đồng để hoàn thiện dự án, đổi lại, nhà đầu tư sẽ có 10% cổ phần…
Còn anh Kiều Tiến Anh, thành viên dự án “Sàn thương mại điện tử đại lý bán hàng online theo mô hình nhân bản hạt nhân” kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho khởi nghiệp sáng tạo; gỡ bỏ các vướng mắc hiện thời với doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có chính sách thuế…
Ông Vũ Tấn Cương, Giám đốc Trung tâm giao dịch công nghệ thông tin Hà Nội (Sở TT-TT) kiêm Trưởng ban Quản lý Vườn ươm công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, cho biết, có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án khởi nghiệp.
Trong số này, các dự án về giáo dục và môi trường nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Việc “gọi” đầu tư cho các dự án khởi nghiệp không chỉ diễn ra trong một buổi, mà nhà đầu tư có thời gian nghe chi tiết và làm việc với nhóm họ quan tâm để cùng bàn bạc kỹ lưỡng việc góp vốn đầu tư…
Hà Nội có chính sách để phát triển và việc xây dựng “Vườn ươm công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo” là hành động cụ thể rõ nét nhất. Hà Nội đã hỗ trợ các dự án khởi nghiệp như tạo không gian làm việc; trong đó, ngoài dành mặt bằng tầng 8 của tòa nhà Trung tâm giao dịch công nghệ thông tin Hà Nội tại số 185 – Giảng Võ để các dự án khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn vào “Vườn ươm” như đã nêu, trong tháng 10-2017 Hà Nội phối hợp với VPBank khai trương “Không gian sáng tạo chung” tại tầng 21 tòa nhà VPBank Tower (Láng Hạ) dành cho cộng đồng start up.
Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức các khóa đào tạo, có cố vấn tư vấn chiến lược, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư… miễn phí cho start up. Đó cũng là sự khích lệ với cộng đồng khởi nghiệp được hoạt động sáng tạo và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia. Hà Nội cũng mong sớm hình thành cộng đồng đầu tư để tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp phát triển ý tưởng sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường.