‘Mạng xã hội nội bộ’ giải quyết mọi nhu cầu của sinh viên và nhà trường
Thầy và trò không chỉ bớt nhức đầu vì những thủ tục hành chính rườm rà trong hoạt động nhà trường mà còn được kết nối tốt hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học với ứng dụng Shub.
Các thành viên nhóm giới thiệu dự án SHub tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vừa qua. Ảnh: ITP
Số hóa hoạt động trong trường học
Tác giả của ứng dụng thiết thực này là 4 sinh viên gồm Nguyễn Đăng An, Nguyễn Ngọc Huân, trường ĐH Khoa học tự nhiên và Phạm Thị Quỳnh Giao, Nguyễn Thị Phương Anh, ĐH Kinh tế – Luật (cùng thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM).
Dự án “SHub – Smart Campus” xây dựng trường đại học thông minh của nhóm cung cấp nền tảng quản lý (platform) cho các phòng ban trong nhà trường. Ngoài ra, nền tảng này còn hỗ trợ toàn diện cho sinh viên từ việc chia sẻ kiến thức và hỏi đáp bằng việc xây dựng cộng đồng chất lượng cao trong nhà trường.
Cụ thể, dự án tối ưu hóa thủ tục hành chính trong nhà trường như đăng kí xác nhận sinh viên, quản lý điểm rèn luyện, đăng kí học phần… Tất cả việc này sẽ được thao tác hoàn toàn trên điện thoại thông minh với giao diện và cách thức thực hiện dễ dàng nhất.
Ngoài ra nền tảng còn được thiết kế như một dạng “mạng xã hội nội bộ” đáp ức mọi nhu cầu hỏi đáp, chia sẻ kiến thức trong sinh viê như trao đổi tài liệu học tập, đề tài nghiên cứu, hoạt động đổi mới sáng tạo của sinh viên…
“Có thể nói SHub là ứng dụng mang đến một kênh thông tin tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy về các hoạt động liên quan đến học tập cũng như nhu cầu cần thiết trong thời gian ngắn nhất. Đây là nơi giúp sinh viên giải đáp những thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệp học tập”- Đăng An chia sẻ.
Mục tiêu “phủ sóng” ứng dụng tất cả các trường ĐH
Sản phẩm nhóm đang được ứng dụng rộng rãi cho 5000 sinh viên, giảng viên tại ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An
Hiện nay, nền tảng Shub đã được ứng dụng trong một số hoạt động tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, với khoảng 5000 người sử dụng. Việc điểm danh hoạt động: tích hợp tính năng điểm danh thông qua mã QR giúp tiết kiệm tối đa cho sinh viên và cán bộ trong việc quản lý hoạt động và điểm rèn luyện.
Tiếp đến là tính năng trò chuyện (chat) giúp tương tác tốt hơn giữa sinh viên và giảng viên. Và tính năng hỏi đáp – chia sẻ, nơi giải bày, chia sẽ những vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình học tập, kết nối sinh viên dể dàng hơn không bị xao nhãng bởi những trang mạng xã hội khác.
Sinh viên có thể xem lịch thi, thời khóa biểu trên ứng dụng. Và đây cũng là cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp, tìm nơi thực tập, tuyển dụng
Theo Nguyễn Ngọc Huân, thành viên nhóm, hiện nay Shub đang xây dựng kho dữ liệu về tài liệu học tập, luận văn nghiên cứu, báo cáo khoa học và website quản lý hoạt động dành cho cán bộ giảng viên.
“Trong cuộc thi khởi nghiệp CiC dự án SHub nhận được rất nhiều lời nhận xét tích cực từ phía Ban giám khảo về những tiềm năng phát triển dự án ra các trường ĐH trên toàn quốc và đặc biệt là lời mời hợp tác từ công ty Transco”
Phạm Thị Quỳnh Giao, thành viên nhóm chia sẻ, trong tương lai dự án sẽ phát triển theo hướng trở thành một hệ sinh thái với đầy đủ các tiện ích cho sinh viên và nhà trường. Hệ thống sẽ cung cấp một nền tảng và phát hành một số API (phần mềm trung gian giúp các ứng dụng giao tiếp với nhau) cho những trường ĐH nào muốn tham gia vào hệ sinh thái SHub, hay phát triển thêm các sản phẩm chuyên biệt khác dựa trên những giá trị mà SHub mang lại.
Dự án SHub đã xuất sắc giành giải ba tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2018 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Hà Thế An – Khampha.vn