Mạng trắc nghiệm trực tuyến của chàng trai 9x
Tungtung.vn là dự án kết hợp giữa công nghệ và giáo dục của nhóm bạn Phan Thanh Tùng (sinh viên năm 3 Trường ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM).
Sơ đồ mạng lưới trang Tùng Tùng
Sản phẩm đã giành giải nhì cuộc thi Start-up Student Ideas 2017, được xem là tiếng trống mới trong khát khao khởi nghiệp của giới trẻ.
Nền tảng giáo dục “tiện, gọn, lẹ”
Thanh Tùng, đồng sáng lập mạng xã hội cho biết “Tùng Tùng là nền tảng, không phải là nguồn tạo ra nội dung”. Đây là một trung gian, nơi giáo viên hoặc tổ chức giáo dục tung ra hàng loạt đề thi để học sinh tiếp cận, với tiêu chí hàng đầu là tiện, gọn, lẹ.
Không giống như các nền tảng giáo dục trực tuyến khác, Tùng Tùng chú trọng duy nhất vào hình thức làm đề trắc nghiệm.
Để phục vụ tối ưu điều này, nhà phát triển xây dựng một tính năng chuyển file pdf, docx thành đề trắc nghiệm trực tuyến. Người soạn thảo chỉ cần truy cập vào mục “tạo đề thi” và click vào nút “tải file pdf, docx”. Sau khoảng năm phút, đề ở dạng file pdf/docx ban đầu sẽ được chuyển thành dạng đề trực tuyến.
Ngoài ra, người tạo đề có thể dễ dàng quản lí lớp học của mình như danh sách người làm đề, thời gian làm bài, điểm số, quá trình tiến bộ trong học tập của hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn học sinh.
Tính năng soạn thảo đề thi rất dễ dàng trên tungtung.vn
Sau khi nộp, người làm bài sẽ biết ngay số điểm. Họ còn theo dõi được số câu đúng – câu sai, sai ở đâu và tại sao sai (nếu đề có sẵn lời giải). Khi chưa hiểu rõ vấn đề, học sinh có thể liên hệ trực tiếp với giáo viên.
Trong tương lai, việc thanh toán sẽ tiện lợi với học sinh bằng các hình thức: thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, thanh toán qua hệ thống CH Play… Thanh Tùng đánh giá tính năng này còn giúp người dùng Việt hình thành thói quen trả tiền cho các sản phẩm trí tuệ.
Thúy Hằng, giáo viên tham gia mạng xã hội Tùng Tùng, chia sẻ: “Việc làm bài trên giấy quá tốn kém, giáo viên rất tốn công khi ra nhiều đề để tránh trường hợp các lớp khác hỏi đề nhau… Làm bài trên Tungtung.vn có thể khắc phục những điều trên. Ngoài ra, học sinh làm bài còn được luyện thêm tư duy suy luận”.
Khát khao từ… một chiếc máy tính
Từ khi học lớp 8, Thanh Tùng đã được tiếp xúc với thiết bị máy tính, Internet. Tùng cho rằng anh thật sự may mắn và hạnh phúc khi ba nhận định Internet là kỷ nguyên của thế giới, và cho anh biết đến thế giới mạng sớm như vậy.
Internet giúp Tùng từ một cậu bé nhút nhát, tự ti, học kém, trở nên khao khát một ngày nào đó cũng tạo ra được một bước ngoặt, một cuộc cách mạng.
Thanh Tùng trong cuộc thi Start-up Student Ideals 2017 – Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm lớp 10, Tùng đã xác định khao khát của mình là sẽ “tạo nên cách mạng giáo dục Việt Nam” để nâng cao việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, đổi mới trong phương thức dạy học nhằm giúp học sinh tự tin, chủ động, xác định được ước mơ và mục đích sống.
Tungtung.vn là một bước đi trong những khao khát của anh.
Tham gia cùng Thanh Tùng trong một số hoạt động, Ánh Nhật, sinh viên năm nhất Khoa Nhật Bản học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, ấn tượng mạnh về câu chuyện thành công từ một “học sinh cá biệt” – theo cách Thanh Tùng tự nói về bản thân.
Qua đó, Ánh Nhật cho rằng: “Nguồn cảm hứng mà Thanh Tùng mang đến chính là hãy tìm ra đam mê và điểm mạnh riêng mình để có thể phát triển bản thân một cách tối đa”.
Nói về câu chuyện start-up, Thanh Tùng nhấn mạnh: “Mình không muốn dịch start-up là ‘khởi nghiệp’. Hãy cứ xem bản thân nó đơn thuần là ‘start-up’ thôi! Start-up là việc bạn đủ tự tin để tạo ra một mô hình kinh doanh mới, vừa đem lại giá trị cho xã hội, vừa đem lại giá trị cho bản thân và người sử dụng.
Nhưng start-up là phải tạo động lực cho các start-up khác cùng phát triển. Chỉ khi đáp ứng được những tiêu chí trên, start-up mới mang một giá trị thiết thực vốn có của nó”.
Tất Đạt – Báo Tuổi trẻ