Vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chàng trai trẻ Hoàng Danh Hữu cho biết doanh thu của doanh nghiệp dần trở lại ổn định vào khoảng 500 triệu đồng mỗi tháng.

Tốt nghiệp chuyên ngành Chăn nuôi thú y Trường Đại học Nông Lâm Huế (2012), Hoàng Danh Hữu có một thời gian dài làm việc tại Bộ phận Kinh doanh thức ăn chăn nuôi của Cargill Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Cargill – Hoa Kỳ). Đang nắm chức vụ giám sát kinh doanh, đến cuối năm 2018, Hữu quyết định xin nghỉ việc để theo đuổi mơ ước của mình.

Với kiến thức học hỏi được trong ngành nông nghiệp tại tập đoàn đa ngành, đa quốc gia, chàng trai sinh năm 1990 người Nghệ An nhận thấy, ca cao Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho cả những doanh nghiệp non trẻ dấn thân vào.

Hữu cho biết sau một thời gian chuẩn bị tháng 10-2018, cửa hàng kinh doanh sản phẩm đầu tiên của anh đi vào hoạt động tại TP. Buôn Ma Thuột với các nông sản đặc trưng của Tây Nguyên được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP như: cà phê, ca cao, mắc ca, hồ tiêu, rau củ, quả sấy…

Hoàng Danh Hữu cho biết sự liên kết sản xuất giúp bản thân tiết giảm nhiều nguồn lực trong quá trình khởi nghiệp

Chàng trai người Nghệ An chia sẻ trong giai đoạn đầu của hành trình khởi nghiệp, thay vì lựa chọn cách thức tự mình làm từ A đến Z, anh lựa chọn phương thức liên kết hợp tác với nông dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp. Đây là cách thức phù hợp nhất ở giai đoạn hiện tại, nhằm giúp cùng lúc nhiều nông dân thực hiện chung một quy trình canh tác, thời điểm thu hoạch, công nghệ sơ chế.

Đến đầu tháng 7/2019, sau một thời gian ấp ủ, với sự giúp đỡ của những đàn anh đi trước, chàng trai 9X đã cho ra mắt một thương hiệu riêng về cà phê bột và sôcôla đạt tiêu chuẩn chất lượng cao cấp quốc tế nhưng do chính người Việt Nam làm ra.

Xác định thị trường phân phối sản phẩm của mình tập trung tại TP. Nha Trang nên Công ty đã tiếp cận các kênh phân phối trên địa bàn. Hữu đã chủ động ký kết hợp tác chiến lược với nhà phân phối trọng điểm tại Khánh Hòa.

Chỉ sau 3 tháng ra mắt, các sản phẩm của Hữu đã trở thành thương hiệu khá phổ biến tại TP. Nha Trang với 37 điểm bán hàng phục vụ du khách. Chuỗi cửa hàng do anh gây dựng tới nay đã thu hút 350 mặt hàng nông sản sạch từ nông dân Tây Nguyên và cả bộ sản phẩm cao cấp của đối tác lớn.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp của Hữu chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tại Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, TP.HCM. Tốc độ tăng trưởng lúc đó đạt trên 120%/tháng, nhưng từ khi đại dịch xảy ra từ tháng 2/2020, việc bán lẻ cho khách du lịch nước ngoài gần như đóng băng hoàn toàn.

Kinh doanh online vẫn là nguồn thu chính của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại

Hữu cho biết doanh thu của doanh nghiệp trước khi chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 duy trì trong khoảng 1 tỷ đồng/tháng đã rơi thẳng về con số 0 tròn trĩnh khi dịch bệnh ập đến. Doanh nghiệp của Hữu đã trải qua quãng thời gian 6 tháng sau đó với nhiều khó khăn do đội ngũ nhân sự không đáp ứng được thay đổi của tình hình mới.

Để “gồng gánh” doanh nghiệp trong mùa dịch, anh Hữu chủ động tạo kênh online và hệ thống bán hàng, mang lại hiệu quả về tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, anh tập trung vào tái cơ cấu sản phẩm và đẩy mạnh phân khúc nội địa, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử kết hợp với chuỗi cửa hàng bán lẻ riêng của doanh nghiệp.

Cũng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, các sản phẩm của Hữu đã có cơ hội tiếp thị sản phẩm tới các “ông lớn” nhà phân phối. Chàng trai trẻ cũng cho biết thời gian qua nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh đoàn Đắk Lắk trong việc tham gia các cuộc thi, dự án khởi nghiệp khác nhau để tiếp cận các mạnh thường quân, gọi vốn mở rộng hoạt động kinh doanh.

Về quá trình mở rộng tệp khách hàng của doanh nghiệp, Hữu trực tiếp tham gia đàm phán với các đối tác đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ quan ban ngành có nhu cầu sử dụng các sản phẩm của mình để sử dụng nội bộ hoặc kinh doanh phân phối. Khi mở rộng được thị trường, Hữu sẽ đầu tư thêm nhân sự để phát triển thị trường đó. Với hướng đi khởi nghiệp tinh gọn, mỗi khi mở rộng được thị trường thì Hữu sẽ đầu tư cho nhân sự để duy trì và phát triển thị trường đó.

Cuối năm 2020, Hữu tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới là cà phê hòa tan và mở rộng hơn nữa mạng lưới phân phối sản phẩm ra khắp mọi miền của đất nước bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Doanh thu của doanh nghiệp dần phục hồi khi các hoạt động bán hàng trở lại bình thường

Những nỗ lực của Hữu và các cộng sự thời gian qua đã mang lại hiệu quả. Theo đó, chàng trai 32 tuổi người Nghệ An cho biết kể từ khi được mở cửa kinh doanh trở lại, những tháng gần đây doanh thu của doanh nghiệp đã dần hồi phục trở lại mức 70-80% so với doanh thu trước khi chịu tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19, tương đương mức doanh thu trên 500 – 700 triệu đồng mỗi tháng.

Trong đó, kênh online là kênh phân phối đang mang về doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp của anh. Hữu tự tin cho biết đến tháng 2/2022, doanh thu của doanh nghiệp sẽ trở lại so với trước đây.

Từ những kinh nghiệm của mình, sau hơn 3 năm khởi nghiệp và vượt qua khó khăn do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thời gian qua, Hữu cho biết để khởi nghiệp thành công trong hoàn cảnh hiện nay những bạn trẻ đầu tiên cần phải xác định được những nguồn lực của của mình.

Theo chàng trai sinh năm 1990, những nguồn lực có thể kể đến như nguồn lực tài chính, kiến thức, chính sách, tài nguyên của địa phương, chương trình khởi nghiệp quốc gia của các Bộ, ban ngành hiện nay.

Thứ hai, để khởi nghiệp thành công cũng cần tính sáng tạo và tinh thần sáng tạo, tuổi trẻ có khả năng tiếp cận thông tin, khả năng sáng tạo chính là lợi thế của những người trẻ trong khởi nghiệp.

Thứ ba là sự liên kết, chàng trai người Nghệ An cho biết xu hướng hiện tại là những người trẻ thích khởi nghiệp, chính sự tương đồng này dễ tạo nên sự liên kết giữa các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp để cùng nhau vươn lên trước hoàn cảnh.

THEO TRUNG KIÊN
(Báo Dân Việt)